Trào lưu vẽ, sơn cờ Tổ quốc: Lan tỏa tình yêu nước trên mạng

Hàng trăm hình ảnh, video về việc sơn, vẽ quốc kỳ trên cửa, tường và mái nhà được đăng tải lên mạng xã hội tạo nên một trào lưu thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Tuy nhiên, quốc kỳ không chỉ đơn thuần là màu sắc và hình ảnh, mà là kết tinh của lịch sử, vì vậy cần sự hiểu biết và thái độ cẩn trọng khi sáng tạo nội dung.

Những ngày vừa qua, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và video vẽ và sơn cờ Tổ quốc trên tường, mái nhà khắp mọi miền đất nước. Hành động này nhanh chóng trở thành trào lưu và được nhiều người hưởng ứng. Trào lưu này góp phần thể hiện tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, đặc biệt khi ngày Quốc khánh 2/9 đang cận kề.

Bắt nguồn từ trào lưu biến mái nhà thành lá cờ Tổ quốc của một TikToker ở Vĩnh Phúc, việc vẽ và sơn cờ đỏ sao vàng lan rộng ra toàn quốc, sau đó có nhiều biến tấu. Ban đầu, người dân sử dụng mái tôn đỏ có sẵn trên mái nhà, đo đạc và vẽ hình ngôi sao, sau đó sơn màu vàng để hoàn thiện ngôi sao trên nền tôn đỏ, tạo nên hình ảnh lá cờ Tổ quốc.

Sau đó, với những mái nhà không có tôn đỏ, người dân vẽ toàn bộ nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh lên mái nhà. Nhiều người thậm chí còn vẽ cờ lên mái ngói, cửa cuốn, tạo nên một phong trào rộng khắp cả nước. Hàng trăm video, hình ảnh về lá cờ Tổ quốc liên tục được đăng tải lên mạng xã hội cho thấy sức lan tỏa của trào lưu này. Có những video thu về hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác.

Trào lưu vẽ, sơn cờ Tổ quốc trở thành xu hướng trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Trào lưu vẽ, sơn cờ Tổ quốc trở thành xu hướng trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Không chỉ người dân mà một số trường học cũng tham gia lan tỏa trào lưu này. Trường Cao đẳng Công nghệ - Ngoại thương (Đà Nẵng) tiên phong nhập cuộc. Theo đó, Đoàn thanh niên nhà trường đã khoác áo mới cho mặt tiền của ngôi trường bằng hình ảnh ngôi sao vàng 5 cánh. Đây là hoạt động thuộc dự án Tôi yêu Tổ quốc tôi do Đoàn thanh niên Trường Cao đẳng Công nghệ - Ngoại thương thực hiện, nhằm thể hiện tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong dịp chào mừng 79 năm ngày Quốc khánh 2/9. Dự án được hoàn thành sau 6 giờ, với sự hợp lực của hàng chục đoàn viên thanh niên. Sau khi dự án hoàn thiện, nhiều người dân trong khu vực, sinh viên, du khách người nước ngoài đến chụp ảnh.

“Mỗi lá cờ được vẽ ra sẽ là một lời nhắc nhở về tình yêu quê hương đất nước, một thông điệp gửi gắm niềm tin vào tương lai. Sự sáng tạo rất đáng quý, nhưng hãy giữ vững sự trang nghiêm của quốc kỳ. Đừng để niềm vui của bản thân làm lu mờ giá trị thiêng liêng mà lá cờ mang lại. Chọn lựa những vị trí, chất liệu phù hợp để những lá cờ đó không chỉ đẹp trong mắt bạn mà còn bền vững theo thời gian, mãi mãi là niềm tự hào”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, xu hướng vẽ và sơn cờ trên mái nhà hoặc cửa ra vào mang lại tác động tích cực. “Đây là cách thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc, đặc biệt trong các dịp lễ lớn hoặc sự kiện quan trọng. Hành động này cũng góp phần lan tỏa hình ảnh quốc gia ra cộng đồng quốc tế, tạo nên một cảm giác gắn kết trong xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Ông cũng đánh giá cao sự sáng tạo của giới trẻ trong cách thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Ngày nay, lòng yêu nước được giới trẻ thể hiện qua những hành động tích cực, sáng tạo và gần gũi với cuộc sống thường ngày. Việc đẩy những video tích cực, lan tỏa thông điệp yêu nước, nâng cao ý thức cộng đồng hay bảo vệ giá trị văn hóa lên xu hướng là một ví dụ rõ ràng về cách mà giới trẻ đang kết nối và cống hiến cho đất nước.

Cẩn trọng khi sử dụng biểu tượng quốc kỳ

Không thể phủ nhận hàng loạt video về hình ảnh quốc kỳ trên xu hướng các mạng xã hội khiến tình yêu quê hương đất nước của người dân được nhân lên gấp bội, liên tục truyền cảm hứng. Tuy nhiên, một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo việc sơn, vẽ cờ Tổ quốc cần được thực hiện một cách kỹ càng để không biến trào lưu thành một nguy cơ gây ra hiệu ứng tiêu cực.

Những bức tranh này hoàn toàn có thể bị hư hại theo thời gian, do ảnh hưởng của thời tiết hoặc không thường xuyên tu sửa đúng cách. Biểu tượng quốc kỳ cũng có quy chuẩn nhất định, nếu không tuân thủ đúng chuẩn mực, hành động vẽ, sơn cờ này có thể bị coi là thiếu tôn trọng quốc kỳ. Việc sử dụng sơn không thân thiện với môi trường có thể gây hại đến môi trường sống và sức khỏe con người. Để phát huy mặt tích cực, cần có sự quản lý và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ biểu tượng quốc gia.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia chỉ ra rằng, trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã quy định chặt chẽ về việc treo quốc kỳ - một biểu tượng thiêng liêng của quốc gia - nhưng các hình thức thể hiện mới như vẽ, sơn trên các bề mặt khác nhau lại chưa được điều chỉnh rõ ràng. Điều này tạo ra một khoảng trống pháp lý và quản lý văn hóa, khiến những hành động xuất phát từ lòng yêu nước có thể vô tình trở thành những biểu hiện không phù hợp hoặc thiếu tôn nghiêm.

“Hình ảnh quốc kỳ không chỉ đơn thuần là một biểu tượng quốc gia mà còn là hiện thân của lòng tự hào, của tinh thần đoàn kết và của lịch sử dân tộc. Việc sử dụng hình ảnh này, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng đòi hỏi một sự tôn trọng và cẩn trọng đặc biệt. Thiếu quy định rõ ràng có thể dẫn đến những cách thể hiện tùy tiện, từ đó làm giảm giá trị của biểu tượng này trong mắt công chúng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Trước đó, đại diện phòng Quản lý Văn hóa Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh) cho Tiền Phong biết, một số quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn. Vị này khẳng định đã làm văn bản để hướng dẫn người dân thực hiện việc sơn, vẽ cờ đúng quy định. “Chúng tôi sẽ gửi văn bản tới Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) để đề nghị có hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi cũng mong muốn Cục Văn hóa cơ sở sẽ là cơ quan tham mưu tới Bộ VHTTDL sớm có hướng dẫn không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh mà còn cho các địa phương trên toàn quốc”, đại diện phòng Quản lý Văn hóa Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh) nêu.

Các chuyên gia văn hóa nhấn mạnh, quốc kỳ không chỉ đơn thuần là màu sắc và hình ảnh, mà là kết tinh của lịch sử, của sự hi sinh, của tinh thần đoàn kết bao đời được cha ông vun đắp, xây dựng nên, vì vậy, mỗi người luôn phải trân trọng điều thiêng liêng ấy.

GIA LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trao-luu-ve-son-co-to-quoc-lan-toa-tinh-yeu-nuoc-tren-mang-post1664819.tpo