Trào ngược dạ dày – thực quản, những biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
Trào ngược dạ dày – thực quản còn được gọi là trào ngược axit dạ dày, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Đây là một căn bệnh rất thường gặp, tuy nhiên nếu không chữa trị dứt điểm, bệnh sẽ diễn tiến nhanh, kéo dài, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo các chuyên gia tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 5 biến chứng nguy hiểm thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản bao gồm:
Viêm loét, chảy máu thực quản: Dịch dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm loét. Triệu chứng thường gặp là khó nuốt, nuốt đau, đau ngực, đau sau xương ức khi ăn, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn.
Hẹp thực quản: Do quá trình viêm, xơ hóa làm thực quản bị co rút, hẹp lại.
Viêm đường hô hấp: Khi axit dịch dạ dày trào ngược vào đường hô hấp sẽ gây viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi... dẫn đến các bệnh lý đường hô hấp mãn tính.
Barrett thực quản (tiền ung thư thực quản): Do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày, các tế bào lót thực quản bị biến đổi màu sắc. Đây là giai đoạn tiền ung thư.
Ung thư thực quản: Là biến chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
TS.BS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo người bệnh nên soi thực quản dạ dày định kỳ hoặc khi có các dấu hiệu bất thường để phát hiện và điều trị sớm trào ngược dạ dày. Điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm.
Để phòng ngừa bệnh, người dân cần thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tránh các thức ăn kích thích tiết dịch axit, hạn chế rượu bia, thuốc lá, không mặc quần áo quá chật, không để bụng quá no và nên ngủ với đầu cao hơn chân. Nếu bị thừa cân, béo phì cũng cần cần giảm cân để hạn chế bệnh.