Trao niềm tin và kỳ vọng sự dấn thân của cộng đồng doanh nghiệp
Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là trao niềm tin, kỳ vọng sự dấn thân, cống hiến của giới tư nhân đối với phát triển của đất nước, hướng đến thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển năm 2025-2030 và tầm nhìn 2050.
Trao niềm tin và kỳ vọng sự dấn thân của cộng đồng doanh nghiệp
Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là trao niềm tin, kỳ vọng sự dấn thân, cống hiến của giới tư nhân đối với sự phát triển của đất nước, hướng đến thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển năm 2025-2030 và tầm nhìn 2050.
Kiều Chinh
KINH TẾ TƯ NHÂN ĐÓNG GÓP KHOẢNG 45% GDP
Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu bế mạc, khái quát những vấn đề quan trọng, thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo và gợi mở một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong đó, Văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngay sau Hội nghị Trung ương 10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có hai cuộc họp rất quan trọng đối với các lãnh đạo tập đoàn tư nhân lớn hàng đầu Việt Nam và giới ngân hàng. Hội nghị này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân theo tinh thần là kinh tế nhân được xác định là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra ngày 21/9, sau gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới.
Trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Hiện kinh tế tư nhân đóng góp hơn 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội; tạo việc làm cho 85% tổng số lao động; chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, riêng năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Các doanh nghiệp tư nhân đã từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế với hàm lượng chất xám cao và khả năng đổi mới sáng tạo.
Một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát, Sovico, TH…
"HÒA PHÁT SẴN SÀNG"
“Hòa Phát xin sẵn sàng” là câu trả lời của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt câu hỏi, Chính phủ muốn phát triển công nghiệp đường sắt tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày 21/9.
Chủ tịch Hòa Phát báo cáo đã có chương trình nghiên cứu phát triển thép cho đường ray đường sắt cao tốc 2-3 năm nay và khẳng định, việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn trong tầm khả năng của doanh nghiệp. Hơn thế, ông Long cho biết, ngoài thép đường ray, nếu được tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, Hòa Phát có thể tham gia nhiều gói thầu khác chứ không chỉ có thép làm đường ray.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: VGP
TỶ PHÚ PHẠM NHẬT VƯỢNG MUỐN LÀM NHÀ Ở XÃ HỘI CHO NGƯỜI SẼ GIÀU
“Đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội để rút ngắn thủ tục”, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng nêu ý kiến tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày 21/9. Cơ sở của đề xuất này, theo Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, việc tham gia các dự án xây dựng nhà ở xã hội là mang tính đóng góp chứ không phải để kinh doanh.
Đặc biệt, ông đề nghị tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, theo hướng không phải nhà ở cho người nghèo, mà là nhà cho người chưa giàu, nghĩa là phải có hầm để xe, có khu vui chơi cho trẻ con và các tiện ích khác cho người già, chứ không phải là mấy cái nhà để xe tạm thời.
“Bây giờ họ có thể nghèo, nhưng tới họ sẽ giàu, có thể có tiền họ mua ô tô. Phải nâng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội lên thì nó trở thành nhà bình thường. Nếu được nữa thì xin đổi tên nhà xã hội thành nhà ở chính phủ hỗ trợ, xóa bỏ tâm lý những người ở đó thuộc một cái tầng lớp khác. Khi đó, mọi người sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái chọn nhà ở xã hội”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng lý giải các đề xuất.
Đồng thời, Chủ tịch Vingroup mong muốn Chính phủ có các cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Tỷ phú giàu nhất Việt Nam cho rằng nếu đẩy mạnh được lĩnh vực này, Việt Nam sẽ có một nền công nghiệp phụ trợ mạnh tương tự Thái Lan, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã có những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như Trường Hải, VinFast.
Bên cạnh đó, ông Phạm Nhật Vượng đề xuất Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… Theo đó, cùng với thời gian, sẽ tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này, ngành mà ông Vượng nhìn nhận sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác.
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển. Ảnh: VGP
SUN GROUP, T&T MUỐN ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
Giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm, động lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong một số ngành nghề, lĩnh vực, địa phương là đề xuất của Chủ tịch Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường, gửi tới Thường trực Chính phủ.
Nhắc tới cơ chế để đưa đường dây 500 KV mạch 3 về đích trong 6 tháng, trong khi nếu theo thủ tục bình thường phải mất 3-4 năm. Quan điểm của Chủ tịch Sun Group là thể chế hóa được cơ chế giao nhiệm vụ, đi kèm với các cơ chế đặc thù để các doanh nhân được giao nhiệm vụ phát huy được cái tối đa nguồn lực.
Chủ tịch Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường. Ảnh: VGP.
Chủ tịch Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển cũng bày tỏ mong muốn đồng hành, cống hiến vì sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước. Mong Chính phủ có cơ chế giao nhiệm vụ cho các tập đoàn tư nhân phát triển các dự án công nghệ cao, đòi hỏi công nghệ, quản trị tài chính miễn là bảo đảm tuân thủ các quy định, nhất là liên quan an ninh quốc phòng; đào tạo, chuyển giao công nghệ.
REE MONG MỎI ĐƯỢC GIAO ĐẦU TƯ ĐIỆN GIÓ ĐÃ 3 NĂM
Đề xuất các doanh nghiệp tư nhân lớn đi vào xây dựng các dự án điện gió trên bờ, gần bờ và điện gió ngoài khơi, điện mặt trời trên hồ thủy điện cũng như là mở rộng thủy điện hiện nay, Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh REE Nguyễn Thị Mai Thanh gửi tới thường trực Chính phủ.
“Các doanh nghiệp có thể gánh vác được vài gigawatt. Nhưng vấn đề hiện nay là chúng tôi đang đói giấy phép đầu tư, chứ không phải là thiếu tiền hay năng lực. Tôi chờ 3 năm rồi kể từ khi Quyết định 39 về giá FIT cho điện gió cũng hết hiệu lực vào tháng 10/2021. Kính thưa Chính phủ, chúng tôi đang chờ được giao nhiệm vụ đó,” bà Mai Thanh gửi đề xuất cụ thể.
Chủ tịch REE khẳng định, các doanh nghiệp đã có đủ năng lực để thực hiện các dự án điện gió trên bờ, gần bờ và thậm chí là ngoài khơi. Đề nghị Chính phủ mạnh dạn trao cho doanh nghiệp nhiệm vụ này.
Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh REE Nguyễn Thị Mai Thanh. Ảnh: VGP
Điểm chung trong những kiến nghị gửi đến Thủ tướng là khát vọng cống hiến, phát triển hơn nữa trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường, khó dự báo. Song, ngoài mục tiêu vươn tầm thế giới, khát vọng của doanh nghiệp còn gắn với kinh tế xanh, kinh tế số, công nghệ cao,...cho thấy rằng các doanh nghiệp này đã đi đúng thời cuộc và sẵn sàng mang sứ mệnh dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
CHÍNH PHỦ LUÔN ĐỒNG HÀNH, BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA DOANH NGHIỆP
Lắng nghe và chia sẻ với những tâm tư từ doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh luôn tin tưởng, tự hào vào sự trưởng thành lớn mạnh, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước
Thủ tướng nêu rõ quan điểm xác định người dân và doanh nghiệp nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển. Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Trong bối cảnh chuẩn bị tổng kết 40 năm đổi mới, đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa – một điểm tựa của đất nước, để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, phát huy vai trò, vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp cho đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp phát huy 6 tiên phong: tiên phong thúc đẩy, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tiên phong tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia. Tiên phong tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tiên phong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh. Tiên phong góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản trị thông minh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.Tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.
KIỀU CHINH