Trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua các sáng kiến đổi mới về tài chính toàn diện
Sáng 26/9, Hội thảo chuyên đề khu vực ASEAN về tài chính toàn diện năm 2019 do NHNN phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức với chủ đề 'Trao quyền kinh tế cho nữ giới thông qua đổi mới tài chính toàn diện' đã diễn ra tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Giám đốc quốc gia ADB Eric Sigwick, các đại biểu từ: NHTW, Bộ Tài chính, Cơ quan Giám sát tài chính tiền tệ các nước ASEAN, các tổ chức tài chính quốc tế, các đơn vị trực thuộc NHNN và các chi nhánh của NHNN...
Cộng đồng ASEAN tích cực phát triển tài chính toàn diện
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhận định: Trong những năm gần đây, quá trình triển khai tài chính toàn diện trên thế giới đã thu được những kết quả tích cực, đã giúp người dân và doanh nghiệp được sử dụng dịch vụ tài chính tốt hơn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị, đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng tài chính, cải thiện các chỉ số về phát triển, giảm nghèo và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Góp phần quan trọng vào kết quả đó, bên cạnh sự tham gia, hỗ trợ và phối hợp tích cực của cộng đồng quốc tế, là sự nỗ lực không ngừng của từng quốc gia, từng khu vực, trong đó cộng đồng AESAN ngày càng được ủng hộ và phát triển.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng chỉ ra những thách thức đối với cộng đồng quốc tế về phát triển tài chính toàn diện. Cụ thể, theo Findex, khoảng 1,7 tỷ người trưởng thành vẫn chưa được tiếp cận tài chính, khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng về giới trong tiếp cận tài chính chưa được cải thiện nhiều so với số liệu từ các cuộc điều tra trước, mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính cho người dân còn chưa đầy đủ, bên cạnh đó vẫn còn sự bất cập về khuôn khổ pháp lý cho giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, đầu tư chưa đúng mức cho cơ sở hạ tầng tài chính và phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Trước những thách thức này, thời gian gần đây, các nước AESAN đã cùng nhau xây dựng một diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thường xuyên thông qua nhóm công tác về tài chính toàn diện (WC-FINC) và đưa ra mục tiêu chung là giảm tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận tài chính trong khu vực ASEAN từ 44% xuống 30% và tăng tính sẵn sàng của cơ sở hạ thầng tài chính toàn diện từ 70% lên 85% vào năm 2025.
Phó Thống đốc đánh giá Hội thảo chuyên đề về tài chính toàn diện là một trong những nỗ lực của cộng đồng ASEAN nhằm thúc đẩy tiến trình này với nhiều chủ đề, nội dung hữu ích, mang tính thời sự được đưa ra thảo luận như tài chính toàn diện số, các sáng kiến tăng cường tài chính toàn diện như đại lý ngân hàng, tài chính vi mô, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính… và tập trung vào các đối tượng mục tiêu là những người chưa được hoặc tiếp cận chưa đầy đủ với dịch vụ tài chính - ngân hàng như người nghèo, thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương.
Tạo điều kiện để trao quyền kinh tế cho phụ nữ
Tại Hội nghị, nhiều vấn đề xoay quanh những thách thức chính mà phụ nữ phải đối mặt trong tiếp cận tài chính và hoạt động kinh doanh đã được đưa ra thảo luận. Qua đó tìm ra định hướng, giải pháp hữu hiệu để phụ nữ, bao gồm cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được thụ hưởng tối đa các lợi ích khi được tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng như đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào phát triển kinh tế.
Theo Findex 2017, tỷ lệ nữ giới toàn cầu có tài khoản tại tổ chức tài chính là 56%, thấp hơn 7% so với nam giới, trong khi đó tỷ lệ này chênh lệch là 9% ở các nước đang phát triển và sự chênh lệch này không thay đổi từ cuộc điều tra năm 2011 và 2014 đến nay.
Hội thảo tập trung vào các chủ đề chính như vai trò quan trọng của tài chính toàn diện trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, các rào cản và thách thức đối với khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ, giáo dục tài chính cho phụ nữ, gợi ý chính sách nhằm giải quyết các hạn chế, thách thức và tăng cường việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua đổi mới tài chính toàn diện, tấm gương nữ doanh nhân lãnh đạo và các biện pháp hỗ trợ phụ nữ trong kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam cho biết: Khi được hỏi về 5 khó khăn nhất của doanh nhân nữ khi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, tiếp cập tài chính đứng thứ 4 sau vấn đề về chi phí đầu vào, nguồn lao động chất lượng cao…
Do đó, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi và đặc biệt là một chiến lược tài chính toàn diện có tầm nhìn từ 10 năm - 15 năm, 20 năm để tất cả các tổ chức phải làm một cách đồng bộ, tìm ra giải pháp cho doanh nhân nữ một cách thật sự. Ngoài ra các tổ chức hiệp hội cần nỗ lực hơn nữa để kiến nghị, tham gia vào các cơ chế như bảo lãnh tín dụng.
Một vấn đề nữa là về tư vấn, để sử dụng đồng tiền vay vốn một cách hiệu quả, phải có cơ chế để thẩm định hiệu quả của doanh nghiệp, đảm bảo sự hỗ trợ làm cho doanh nghiệp khỏe thật sự.
Đặc biệt, bà Minh cho rằng chính người phụ nữ phải không ngừng học tập, nâng cao năng lực, nắm bắt được pháp luật, hiểu biết được các kênh và tham gia các hiệp hội để chia sẻ và bảo vệ. Đối với phụ nữ vùng nông thôn, phụ nữ nghèo thì cần giảm lãi suất, vốn vay… sự hỗ trợ là cần thiết.
Nhận định về mức độ tiếp cận tài chính ở Việt Nam của phụ nữ, PGS-TS. Lê Thanh Tâm, chuyên gia tài chính toàn diện ADB cho biết thêm, phần đi vay của phụ nữ ở các tổ chức tài chính vi mô còn nhiều hơn rất nhiều so với nam giới. Ví dụ như tại TYM là 100% là phụ nữ, Thanh Hóa 92%, điều này cho thấy mức độ tiếp cận tốt hơn nam giới, nhưng những sản phẩm đặc thù cho phụ nữ thì ở Việt Nam không nhiều.
Về giải pháp, thứ nhất là trong thời gian tới phải tăng mức độ tiếp cận bằng cách tạo thêm các công cụ để các tổ chức tài chính vi mô xếp hạng khách hàng một cách tốt hơn. Thứ hai là đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, và đó là biện pháp để đẩy lùi tín dụng đen. Thứ ba là các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính thiết kế các sản phẩm quan tâm hơn về vấn đề giới.
Ngoài ra, để quảng bá các thành tựu đạt được trong lĩnh vực tài chính vi mô vì sự phát triển của phụ nữ cũng như tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ tại Việt Nam còn có một số hoạt động bên lề như bố trí một số quầy triển lãm xung quanh khu vực tổ chức hội thảo để trưng bày sản phẩm tài chính vi mô dành cho phụ nữ, giới thiệu một số mô hình tài chính vi mô thành công đã tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống tài chính.