Trao sinh kế giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo
Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực và đầy ý nghĩa, góp phần hỗ trợ một số hội viên phụ nữ DTTS nơi biên giới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống; tạo cơ hội để nhiều hội viên khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình, đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ biên giới quốc gia.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bản Lầu phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã Lùng Vai trao tặng bò sinh sản cho người dân thôn Cốc Phúng. Ảnh: Phương Thùy
Xã biên giới Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai có gần 5.000 người, cư trú ở 21 thôn, là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc anh em như: Kinh, Mông, Tày, Nùng, Giáy, Dao, Phù Lá, Pa Dí... Mặc dù đã cán đích nông thôn mới, nhưng xã Lùng Vai vẫn còn nhiều hộ nghèo, hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có thôn Cốc Phúng thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi của tỉnh.
Thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và thông qua công tác điều tra cơ bản, rà soát địa bàn, Đồn Biên phòng Bản Lầu nhận thấy có rất nhiều hội viên phụ nữ cần hỗ trợ về con giống, cây giống để phát triển sản xuất, nhằm thoát nghèo bền vững. Để giúp người dân xã Lùng Vai nói chung và phụ nữ thôn Cốc Phúng nói riêng thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Bản Lầu đã cùng với bí thư chi bộ, trưởng bản thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, đưa cây, con giống mới vào sản xuất...
Nhờ đó, hội viên phụ nữ đã dần dần tích lũy kiến thức, kĩ năng cần thiết, giúp thay đổi tư duy, nhận thức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, từ đó, thúc đẩy thoát nghèo bền vững. Đối với các hộ gia đình hội viên Hội Phụ nữ thuộc diện nghèo và cận nghèo, Đồn Biên phòng Bản Lầu đã đứng ra bảo lãnh để tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng hoặc hỗ trợ cây giống, vật nuôi để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, khai thác triệt để quỹ đất có khả năng đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo chỉ dẫn của ông Sùng Seo Sài, Trưởng thôn Cốc Phúng, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình chị Hảng Thị Chứ. Đây là một trong nhiều hội viên Hội Phụ nữ xã Lùng Vai được sự hỗ trợ sinh kế từ Đồn Biên phòng Bản Lầu. Nhìn những luống chè xanh bát ngát và rừng quế đang lên xanh mơn mởn khiến chúng tôi không thể rời mắt. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ít ai ngờ rằng, trước đây, gia đình của chị thuộc diện hộ nghèo của bản. Để vực dậy kinh tế gia đình, chị được Đồn Biên phòng Bản Lầu trao tặng 1 con bò giống và chị mạnh dạn vay vốn từ người thân để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, mua phân bón tập trung thâm canh gần 1ha chè, ngoài ra còn trồng 3 vụ ngô để phục vụ chăn nuôi.
Cũng giống như chị Hảng Thị Chứ, vợ chồng chị Hầu Lá, dân tộc Mông rất xúc động khi nhận được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Bản Lầu. Gia đình chị Lá có 6 khẩu, cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào đồi chè, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm. Nhằm tạo sinh kế bền vững cho chị Lá, Đồn Biên phòng Bản Lầu quyết định tặng gia đình chị 2 tấn phân bón và 15.000 cây quế giống để trồng trên 15.000m2 đồi nương của gia đình. Không giấu được xúc động khi được các chiến sĩ quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Bản Lầu hỗ trợ sinh kế, chị Hầu Lá chia sẻ: "Gia đình tôi biết ơn các cán bộ BĐBP rất nhiều. Có đồi cây này là vợ chồng tôi có thêm hy vọng thoát nghèo. Cả hai vợ chồng tôi đều cố gắng chăm sóc cây theo đúng hướng dẫn để cây phát triển tốt, nhanh cho thu hoạch".
Ở thôn Cốc Phúng còn có chị Châu Thị So, sinh năm 1987 cũng khó khăn không kém. Vợ chồng chị So làm lụng, vất vả quanh năm nhưng vẫn thiếu ăn. Chị So kể: "Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ. Chúng tôi trồng ngô và lúa nhưng năng suất không cao, mỗi năm chỉ thu nhập được khoảng 25 triệu đồng. Gia đình tôi có khoảng 10.000m2 đất nương còn bỏ không. Vợ chồng tôi cũng muốn trồng chè hay quế như các hộ gia đình khác để phát triển kinh tế gia đình, nhưng không có vốn". Mong muốn của chị So đã thành hiện thực khi nhận được 10.000 cây quế giống và 1,5 tấn phân bón từ những người lính Biên phòng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bản Lầu giúp nhân dân thu hoạch dứa. Ảnh: Phương Thùy
Để mô hình phát huy hiệu quả, Đồn Biên phòng Bản Lầu còn phân công cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ từng hộ nghèo. Hằng tuần, cán bộ, đảng viên được phân công trực tiếp tới gia đình được hỗ trợ sinh kế kiểm tra sự sinh trưởng của cây giống, con giống và hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong trồng trọt và chăm sóc nên đàn gia súc, gia cầm và số cây giống của các gia đình được đơn vị hỗ trợ đã sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch đều đặn. Đến nay, kinh tế của các hộ gia đình hội viên hội phụ nữ đã dần ổn định, thoát khỏi hộ nghèo. Có thể nói, mô hình sinh kế từ cây, con giống do Đồn Biên phòng Bản Lầu tặng cho các phụ nữ nghèo trên địa bàn xã Lùng Vai có ý nghĩa như một món quà, mở ra rất nhiều hy vọng về tương lai tươi sáng hơn cho họ.
Bên cạnh việc hỗ trợ con giống, cây giống cho những hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, trong những năm qua, Đồn Biên phòng Bản Lầu còn huy động được sự tham gia của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà các gia đình phụ nữ khó khăn, trao học bổng học sinh nghèo vượt khó, con em gia đình nghèo trên địa bàn biên giới thuộc chương trình. Hỗ trợ xây dựng công trình dân sinh, "Mái ấm tình thương" cho gia đình phụ nữ khó khăn về nhà ở...
Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức vận động phụ nữ và gia đình tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia cùng BĐBP và các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới, mua bán người, bạo hành phụ nữ, trẻ em...
Tổ chức cho hội viên, phụ nữ ở địa bàn biên giới cam kết không để người thân và con em trong gia đình vi phạm pháp luật, quy chế biên giới; đấu tranh tố giác tội phạm, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc; không tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, bài trừ các hủ tục, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng địa bàn không có tội phạm về ma túy và các loại tội phạm khác.
Với sự giúp đỡ tận tình của những cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh Đồn Biên phòng Bản Lầu, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế của người dân, tin chắc rằng, bản Cốc Phúng, xã Lùng Vai sẽ vững bước phát triển, cuộc sống của người dân ngày một ấm no, hạnh phúc.