Trao trả hơn 33 triệu đồng hành khách bỏ quên trên tàu SE22

Tôi là hành khách ngồi ở toa 05, tàu SE22, xuất phát ngày 5-6-2023 từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng do Trưởng tàu Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn) phụ trách. .

Khi tàu về đến ga Quảng Ngãi sáng 6-6, do nhiều hành lý và có con nhỏ nên tôi đã để quên một túi xách trên tàu. Sau khi tàu rời ga Quảng Ngãi, tôi phát hiện bị mất túi xách, nhưng không biết phải tìm như thế nào vì không biết mất ở đâu. Trong khi đang rất buồn, tôi nhận được điện thoại của Trưởng tàu gọi xác minh tài sản để quên trên tàu. Trong túi của tôi có 33 triệu đồng và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng

Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn trao trả tài sản cho chị Tiên. Ảnh: VŨ THỎA

Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn trao trả tài sản cho chị Tiên. Ảnh: VŨ THỎA

Tôi được biết, tiếp viên Nguyễn Trung Long phụ trách toa 05 đã phát hiện túi xách tay của tôi bỏ quên và báo cáo Trưởng tàu để xác minh thông tin trên hệ thống bán vé. Tôi đã nhanh chóng nhận lại tài sản tại ga Quảng Ngãi ngay trong ngày 6-6. Đây là số tiền lớn đối với tôi. Tôi vô cùng biết ơn tiếp viên Nguyễn Trung Long, Trưởng tàu Nguyễn Thành Công. Tôi cũng gửi lời cảm ơn ngành đường sắt đã đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công nhân viên nhiệt tình và trách nhiệm, giúp tôi nhận lại được đầy đủ tài sản để quên

TRẦN VĂN MINH TIÊN

Chiến sĩ Nguyễn Đức Nam vượt lên hoàn cảnh

Chiến sĩ Nguyễn Đức Nam thuộc Tiểu đội 4, Trung đội 1, Đại đội 5B, Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng (Lữ đoàn 242, Quân khu 3) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, từ nhỏ đã không có bố ở bên, mẹ lại bị câm, điếc bẩm sinh.

Theo Thượng úy Trương Hữu Tuấn, Trung đội trưởng Trung đội 1, qua nghiên cứu hồ sơ, đơn vị rất lo rằng Nam có thể là một trong những chiến sĩ khó hòa đồng, dễ dao động tư tưởng. Nhưng ngay từ lần gặp gỡ, trò chuyện đầu tiên khi về đơn vị, Nam đã tỏ rõ sự quyết tâm, xác định được mục tiêu phấn đấu và rất chững chạc. Chiến sĩ Nguyễn Đức Nam tâm sự: “Mẹ tôi không thể nghe và nói được, giao tiếp đều thông qua cử chỉ, hành động. Ngày tôi nhập ngũ, mẹ buồn và nhớ lắm, nhưng cũng không thể gọi điện thoại nhiều được mà chỉ có thể lên đơn vị thăm tôi hai lần. Tôi xác định phải trưởng thành thì mới có thể trở thành chỗ dựa của mẹ được”.

Với quyết tâm đó, Nam đã từng bước vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để làm quen với môi trường quân ngũ và hoàn thành các nội dung huấn luyện. Theo chia sẻ của Nam, nội dung khó nhất là ném lựu đạn. Khi mới tập, Nam chỉ ném được 15m do chưa biết kết hợp lực đẩy của cổ tay và sức rướn của bản thân. Để khắc phục hạn chế đó, chỉ huy đơn vị đã hướng dẫn Nam cách tập bổ trợ là buộc dây chun vào cây để kéo kết hợp với tập co tay xà đơn và chống đẩy. Từ đó, ngày nào Nam cũng dành thời gian để luyện nên cự ly ném lựu đạn tăng dần từ 15m lên 20m và trong đợt kiểm tra “3 tiếng nổ” vừa rồi là 35m.

 Chỉ huy Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng trò chuyện, động viên chiến sĩ Nguyễn Đức Nam.

Chỉ huy Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng trò chuyện, động viên chiến sĩ Nguyễn Đức Nam.

Thiếu tá Ngô Đình Trung, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng cho biết: “Đợt kiểm tra “3 tiếng nổ” của đơn vị, chiến sĩ Nguyễn Đức Nam đã xuất sắc đạt 74 điểm khi thực hiện bắn súng tiểu liên AK bài 1, đạt loại giỏi trong đánh thuốc nổ và ném lựu đạn. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, đồng chí Nam đã trưởng thành về nhiều mặt, không chỉ đạt giỏi khi kiểm tra “3 tiếng nổ” mà các nội dung chính trị, hậu cần, kỹ thuật, đồng chí đều nắm chắc kiến thức, kỹ năng, hoàn thành tốt”. Còn chiến sĩ Ngô Minh Đức, đồng đội của Nam ở Tiểu đội 4, chia sẻ: “Nam rất chăm chỉ, tích cực luyện tập các nội dung được huấn luyện và cũng rất hòa đồng với đồng đội, thường xuyên trao đổi, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chúng tôi”.

Bài và ảnh: PHẠM QUYẾT

Ô nhiễm môi trường tại chợ đầu mối Hóc Môn

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ đầu mối Hóc Môn) được xây dựng tại đường Nguyễn Thị Sóc, ấp Mỹ Hòa 4, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Nhiều năm nay, chợ luôn trong tình trạng bị rác thải, nước thải "bủa vây", từ bao bì nilon, rau, củ, quả hư thối... đến nước thải từ các hàng thịt, cá khiến môi trường ô nhiễm, đồng thời làm mất mỹ quan đô thị.

Rác chất đống gây ô nhiễm môi trường tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Rác chất đống gây ô nhiễm môi trường tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Chợ đầu mối Hóc Môn là nơi tập kết nông sản, buôn bán nhộn nhịp với hàng nghìn người và phương tiện hoạt động. Tuy nhiên, không ít người thiếu ý thức bảo vệ môi trường, có thói quen xả rác thải bừa bãi. Các thùng chứa thủy hải sản, túi nilon, nông sản, trái cây hư hỏng... bị vứt bỏ khắp chợ nhưng không được thu dọn kịp thời, khiến nơi đây không khác gì một bãi rác khổng lồ. Tại khu vực bán hải sản bên ngoài chợ, các mặt hàng tôm, cá được thương lái sơ chế tại chỗ, xả nước thải thẳng ra môi trường khiến mùi tanh nồng nặc... Chị Nguyễn Ngọc Phượng-một người dân địa phương, cho biết: “Rác ở đây rất nhiều, đường sá lúc nào cũng bốc mùi hôi. Cùng với đó, cứ đến giờ tan tầm buổi chiều là người bán bày hàng hóa tràn ra đường, chiếm lối đi, việc lưu thông qua khu vực này rất khó khăn, nguy hiểm, tai nạn giao thông luôn rình rập”. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực chợ đầu mối Hóc Môn tồn tại đã lâu, người dân nhiều lần ý kiến nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị chính quyền địa phương sớm có giải pháp khắc phục, tránh để chợ trở thành nguồn lây nhiễm các loại dịch bệnh, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay.

Bài và ảnh: XUÂN HOAN

Cảnh giác với chiêu trò yêu cầu shipper đặt tiền cọc

Thời gian qua, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ shipper (người vận chuyển hàng) bị lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và cuộc sống mưu sinh của những người hành nghề shipper.

Anh Hồ Văn Quang ở quận Thanh Khê, một shipper tự do trên địa bàn TP Đà Nẵng cho biết, các đối tượng lừa đảo lập tài khoản ảo và thường đăng bài gọi shipper giao hàng trên các trang Facebook có nhiều người theo dõi. Shipper cần việc làm thường chủ động liên lạc với các đối tượng này qua ứng dụng Messenger. Khi nhận được lời đề nghị vận chuyển hàng thuê, các đối tượng yêu cầu shipper đặt cọc với số tiền hàng triệu đồng. Sau khi giao hàng thành công, shipper sẽ nhận được tiền công vận chuyển và tiền đặt cọc. Tuy nhiên, khi đi giao hàng, shipper mới biết đó là địa chỉ ảo, không có thật. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của không ít nạn nhân. Hành vi lừa đảo nói trên đã gây bức xúc cho những người hành nghề shipper chân chính. Đề nghị các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng khẩn trương có biện pháp điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho những người hành nghề shipper.

NGUYỄN SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/trao-tra-hon-33-trieu-dong-hanh-khach-bo-quen-tren-tau-se22-731755