Trẻ 1 tháng tuổi mưng mủ, nhiễm trùng da trên nền bệnh ghẻ

Thấy cháu bị mẩn ngứa bà nghĩ chỉ là mẩn ngứa thông thường nên đã cho cháu tắm lá theo kinh nghiệm dân gian. Đến khi tình trạng của trẻ nặng hơn với nhiều nốt mủ trên da, gia đình đưa đi khám thì mới biết nguyên nhân do trẻ bị nhiễm trùng trên nền bệnh ghẻ.

Khoa Khám bệnh, BV Da liễu Hà Nội tiếp nhận trẻ trong tình trạng có nhiều vùng da bị tổn thương nặng, nhiều nốt mủ nhiễm trùng trên da và trẻ liên tục quấy khóc. Theo bác sỹ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Da liễu Hà Nội, trẻ còn rất nhỏ, mới 1 tháng tuổi lại bị mắc ghẻ do lây từ chị mang ở trường về. Tuy nhiên, bà nghĩ cháu bị mẩn ngứa bình thường nên cho cháu tắm lá theo kinh nghiệm truyền tai khiến trẻ vừa bị dị ứng, vừa nhiễm trùng bội nhiễm trên nền bệnh ghẻ.

Bệnh ghẻ là một bệnh nhiễm lý sinh trùng ở da, gây nên bởi sự xâm nhập của một loài ký sinh bắt buộc ở lớp thượng bì. Ghẻ ảnh hưởng tới mọi tầng lớp xã hội, trong đó trẻ em và phụ nữ dễ bị cảm nhiễm hơn. Bệnh có xu hướng lưu hành nhiều hơn ở vùng thành thị, đặc biệt là các vùng đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh kém.

Ở các nước phát triển, bệnh ghẻ vẫn là một trong những bệnh da liễu phổ biến, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, chi phí điều trị cao. Sự lan truyền ký sinh trùng chủ yếu do tiếp xúc gần gũi với người mang mầm bệnh hoặc qua trung gian là các vật dụng dính trứng ghẻ, cái ghẻ.

Cái ghẻ ăn dọc theo các kẽ bàn tay, chân, nách, vùng bìu (ảnh tư liệu)

Cái ghẻ ăn dọc theo các kẽ bàn tay, chân, nách, vùng bìu (ảnh tư liệu)

Bác sỹ Ngọc Yến cho biết, bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ chỗ nào có cuộc sống tập thể nếu có sử dụng chung đồ dùng và có người bị ghẻ đều bị lây. Khi sinh hoạt tập thể chỉ cần một người bị ghẻ truyền ký sinh trùng ra là có thể lây cho cả một tập thể.

Dấu hiệu bệnh ghẻ ở người thường thấy nhất khi bị ghẻ là: ngứa, nhiều nhất là về đêm, lúc đi ngủ do cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang. Ngứa gãi gây nhiễm khuẩn... và có thể có sốt trong một số trường hợp.

Còn theo bác sỹ Trần Thị Huyền, khoa điều trị Bệnh da phụ nữ và trẻ em, BV Da liễu Trung ương, ở trẻ em dưới 2 tuổi, da mặt và da đầu có thể bị bệnh, trong khi đó ở người lớn thì rất hiếm. Các sẩn cục ngứa, màu đỏ tới tím thường gặp ở vùng nách và thân mình (trẻ em), vùng bìu (người lớn), nguyên nhân cũng là do phản ứng quá mẫn đối với kháng nguyên của ký sinh trùng ghẻ. Các sẩn cục này vẫn tồn tại trong nhiều tuần sau khi cái ghẻ đã bị loại trừ. Mụn nước và bọng nước có thể xuất hiện, đặc biệt là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Bất cứ ai cũng có thể bị ghẻ khi tiếp xúc với nguồn bệnh (ảnh tư liệu)

Bất cứ ai cũng có thể bị ghẻ khi tiếp xúc với nguồn bệnh (ảnh tư liệu)

Điều trị bệnh ghẻ có nhiều phương pháp điều trị với các mức độ hiệu quả khác nhau nhưng nguyên tắc là điều trị cho cả những người trong gia đình, tập thể, vườn trẻ… nếu phát hiện bị bệnh ghẻ; Bôi thuốc phải đúng cách; iặt sạch, phôi khô quần áo, chăn chiếu, các đồ dùng khác.

Bệnh ghẻ nếu không được điều trị triệt để sẽ để lại nhiều biến chứng. Tuy nhiên hiện nay nhiều người bỏ quên, nghĩ rằng chỉ thời xa xưa “ở bẩn” mới có nên chủ quan. Bệnh ghẻ không chỉ khiến sinh hoạt của người bệnh bị ảnh hưởng do những cơn ngứa gây ra mà có thể gây biến chứng nhiễm trùng, hoặc từ những nhiễm trùng ngoài da dẫn đến bội nhiễm gây ra từ những vết trà xát gãi mưng mủ bội nhiễm.

Để chữa trị triệt để căn bệnh này, bác sỹ Ngọc Yến cho rằng ngoài dùng thuốc diệt ký sinh trùng còn phải có những biện pháp phòng bệnh như điều kiện vệ sinh, dịch tễ… Phải cách ly được với nguồn lây. Không cách ly được với nguồn lây thì bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần. Do đó với nhiều trường hợp bệnh nhân là học sinh, thì việc cần làm là chữa cho tất cả các bạn ở lớp, chữa tất tật bố mẹ của các bạn cho đến anh chị em, ông bà của các bạn cùng lớp.

Các bác sỹ khuyến cáo, để phòng bệnh ghé mọi người cần vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ. Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh. Khi thấy dấu hiệu khác thường trên cơ thể đặc biệt trên da cần phải đến bệnh viện chuyên ngành để được khám và tư vấn kịp thời, tuyệt đối không nghe theo các loại thuốc truyền tai nhau.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tre-1-thang-tuoi-mung-mu-nhiem-trung-da-tren-nen-benh-ghe-231962.html