Trẻ 4 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết hiếm gặp

Bé gái 4 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết, được cho là trường hợp hiếm gặp tại Việt Nam và trên thế giới.

Thông tin từ BVĐK Đức Giang cho biết, Khoa Sơ sinh của bệnh viện vừa tiếp nhận 3 bệnh nhi gồm bé trai 16 ngày tuổi, hai bé gái 4 ngày tuổi và 7 ngày tuổi nhập viện do mắc sốt xuất huyết.

Đây là lần đầu tiên bệnh viện ghi nhận trẻ sơ sinh mắc bệnh này. Trong đó, em bé 4 ngày tuổi là trường hợp nhỏ nhất mắc sốt xuất huyết được ghi nhận đến nay.

BS. Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh cho biết, bé nhập viện do bị vàng da, sau đó 24 giờ có dấu hiệu sốt, nhiệt độ cao nhất là 38,5 độ. Kết quả xét nghiệm tầm soát, loại trừ được các căn nguyên cúm, nhiễm khuẩn. Sau ba ngày theo dõi tại viện, em bé bị hạ tiểu cầu, gia đình xin chuyển tuyến trên điều trị.

Còn em bé 7 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, sau đó mới bị sốt, xét nghiệm sốt xuất huyết, kết quả dương tính. Do em bé sinh ở tuần 37, nặng chỉ 2,6 kg, có nhiễm khuẩn sơ sinh nên phải điều trị hồi sức tích cực 4 ngày.

Các bác sĩ khoa Sơ sinh, BVĐK Đức Giang chăm sóc cho bệnh nhi.

Các bác sĩ khoa Sơ sinh, BVĐK Đức Giang chăm sóc cho bệnh nhi.

Theo BS. Nga, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp trên thế giới, do đó đặc điểm bệnh ít được biết đến, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm lẫn và bỏ sót.

Ba ca bệnh ghi nhận tại viện chưa cung cấp đủ bằng chứng để bác sĩ rút ra những kết luận về diễn biến bệnh trên trẻ sơ sinh. Song, biểu hiện ở nhóm trẻ này tương tự với nhóm lớn hơn như sốt hoặc hạ nhiệt độ, sốt kéo dài 3-4 ngày; trẻ có thể bị da tái, phát ban, xuất huyết rải rác hoặc vàng da sớm; trẻ bỏ bú, bụng chướng, nôn, gan to, tiêu chảy, giảm tiểu cầu, men gan tăng... Sốt và bú kém là hai biểu hiện sớm và thường gặp.

Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh có thể đồng nhiễm sốt xuất huyết và bệnh khác, ví dụ adenovirus, viêm phế quản phổi, cúm... lúc này, trẻ dễ trở nặng. Do đó, bác sĩ Nga khuyến cáo trẻ bị sốt xuất huyết cần được nhập viện, không tự theo dõi, điều trị tại nhà.

Khi gặp trẻ sơ sinh bị sốt trong cao điểm dịch, cơ sở y tế nên nghĩ tới sốt xuất huyết để làm xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Hiện nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp mắc, số mắc tương đương năm 2019, cao vượt ngưỡng nguy cơ dịch so với số mắc trung bình trong 3 năm từ 2019-2021 nhưng vẫn thấp hơn số mắc năm 2017 (là năm có dịch sốt xuất huyết bùng phát).

Đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng trong tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12. Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận huyên trên địa bàn TP tăng cường công tác truyền thông đến tận từng hộ gia đình với nhiều hình thức truyền thông…; Truyền thông đến các hộ gia đình và học sinh trong trường học về các biện pháp đơn giản loại trừ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy ở nhà cũng như ở trường học, truyền thông về triệu chứng của bệnh, các dấu hiệu nhận biết bệnh nặng, sự cần thiết của điều trị kịp thời để giảm tử vong.

Thực hiện giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát phát hiện sớm, giám sát véc tơ (muỗi/loăng quăng, bọ gậy) để đưa ra các biện pháp thực hiện cụ thể, phát hiện sớm người bệnh, ổ dịch để xử lý kịp thời.

Các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phân tầng, phân tuyến điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh, chuyển tuyến an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc, đặc biệt là các dung dịch cao phân tử, máu… để điều trị kịp thời cho người bệnh.

N. Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-4-ngay-tuoi-mac-sot-xuat-huyet-hiem-gap-169221122104339671.htm