Trẻ 7 tuổi tử vong đáng tiếc do hóc dị vật, bác sĩ chỉ cách sơ cứu đúng cách

Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp hóc dị vật ở trẻ em, trong đó có những trường hợp nguy kịch dẫn đến hậu quả đau lòng.

Dị vật đầu bút bi được lấy ra khỏi đường thở của bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Dị vật đầu bút bi được lấy ra khỏi đường thở của bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Hóc dị vật đường thở là một tai nạn đặc biệt nguy hiểm, thường xảy ra ở trẻ em. Nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời, tai nạn này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm tổn thương não do thiếu oxy hoặc thậm chí tử vong.

Điển hình là trường hợp bé T.L (23 tháng tuổi, ở Thái Nguyên) và bé P.A (15 tháng tuổi, ở Ninh Bình), cả hai đều bị hóc hạt lạc. Trong lúc ăn, các bé bị sặc, dẫn đến tím tái. May mắn thay, các bà mẹ đã kịp thời vỗ lưng sơ cứu, giúp hạt lạc rơi ra một phần và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản để loại bỏ hoàn toàn dị vật, giúp trẻ hồi phục và xuất viện an toàn.

Trái lại, một trường hợp đáng tiếc xảy ra với bé V.A (7 tuổi, ở Bắc Kạn). Trong lúc học, bé ngậm đầu bút bi vào miệng và vô tình nuốt vào đường thở, khiến trẻ ho dữ dội, khó thở và đau ngực. Ngay lập tức, giáo viên đã đưa trẻ đến phòng y tế của trường để sơ cứu, sau đó chuyển đến trung tâm y tế địa phương.

Trên đường đi, trẻ xuất hiện ngừng thở, ngừng tim, phải cấp cứu hồi sinh tim phổi liên tục trên đường. Tại đây, trẻ tiếp tục được cấp cứu ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên do tổn thương não vì tình trạng thiếu oxy, trẻ xuất hiện nhiều cơn co giật liên tục, nên các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

BSCKII Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc cho biết: “Trẻ nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Trẻ được bóp bóng qua nội khí quản, duy trì thuốc trợ tim liên tục để đảm bảo nhịp tim và huyết áp, hôn mê sâu, co giật liên tục”.

Bệnh nhi được các bác sĩ điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, bồi phụ khối lượng tuần hoàn, duy trì vận mạch, điều trị chống phù não, an thần tại các đơn vị cấp cứu và điều trị tích cực. Cùng với đó, trẻ đã được nội soi cấp cứu tại giường gắp dị vật đường thở.

Dị vật được gắp ra là đầu bút bi màu đen, có kích thước khoảng 0,5 x 0,8 cm, che lấp 70% phế quản gốc phải. Niêm mạc đường thở hai bên của trẻ phù nề, trong lòng phế quản nhiều dịch nhầy.

Dù đã được cấp cứu liên tục, tình trạng thiếu oxy kéo dài khiến não trẻ bị tổn thương nghiêm trọng. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, bé không qua khỏi và tử vong sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Những trường hợp trên cho thấy sự quan trọng của việc sơ cứu kịp thời và đúng cách khi trẻ bị hóc dị vật. Khi trẻ bị hóc nhưng vẫn còn tỉnh táo, có thể khóc, nói hoặc ho được, người chăm sóc cần khuyến khích trẻ ho mạnh để dị vật tự bật ra. Tuy nhiên, nếu trẻ tím tái, không khóc hoặc khó thở, cần ngay lập tức gọi cấp cứu và tiến hành các biện pháp sơ cứu như vỗ lưng, ấn ngực hoặc sử dụng nghiệm pháp Heimlich.

Hướng dẫn sơ cứu khi trẻ hóc dị vật của Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Hướng dẫn sơ cứu khi trẻ hóc dị vật của Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Để giảm thiểu nguy cơ, việc phòng tránh tai nạn hóc dị vật cần được chú trọng từ chính gia đình. Phụ huynh cần giám sát chặt chẽ trẻ nhỏ, đặc biệt trong lúc ăn uống, không cho trẻ chơi với các vật nhỏ dễ nuốt như hạt, đồ chơi nhỏ, đinh, tăm hay các loại thực phẩm trơn trượt như thạch, nhãn, lạc. Trẻ cần được hướng dẫn không đưa đồ vật vào miệng và được tập kỹ năng nhai kỹ, nuốt chậm.

Hóc dị vật đường thở là một tai nạn có thể phòng tránh nếu người lớn cẩn thận và chú ý. Hơn nữa, việc trang bị kỹ năng sơ cứu cơ bản và nhận biết sớm các dấu hiệu nguy hiểm là yếu tố quyết định để bảo vệ trẻ em khỏi những tình huống nguy kịch.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tre-7-tuoi-tu-vong-dang-tiec-do-hoc-di-vat-bac-si-chi-cach-so-cuu-dung-cach-405091.html