Trẻ ăn nhiều bánh mứt dịp Tết có thể đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nào?
Dịp Tết, gia đình nào cũng đầy ắp bánh kẹo, các loại mứt ngọt... Các loại thực phẩm này cũng là món ăn vặt khoái khẩu của các bạn nhỏ. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho con cái, các bậc phụ huynh buộc phải lưu ý nhiều vấn đề sau.
Trẻ có thể mắc các bệnh này nếu sử dụng bánh kẹo dịp Tết không đúng cách
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bánh kẹo, mứt thường quá ngọt, không thích hợp cho người tiểu đường, người có đường máu cao, béo phì, người già, trẻ em và phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ. Chúng ta không nên ăn nhiều hoặc thay thế cho các thực phẩm khác.
Ăn nhiều mứt, bánh kẹo dễ sinh đầy bụng và làm giảm mất cảm giác đói, do đó làm hạn chế cảm giác thèm ăn trong các bữa chính.
BS Nguyễn Thị Kim Anh, Chuyên khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cũng cho rằng, tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt ở trẻ em làm gia tăng nguy cơ về thừa cân béo phì (do lượng đường hấp thu vào nhiều hơn nhu cầu sẽ chuyển thành chất béo dự trữ tại mô mỡ), sâu xa hơn là mắc các bệnh mãn tính không lây, nhất là ở những trẻ hiện đã thừa cân béo phì.
Đặc biệt, với trẻ còn nhỏ thì các loại bánh, mứt, kẹo dạng hạt cứng, dạng thạch không phù hợp cho trẻ sử dụng còn có thể là các mối nguy gây ra sặc, hóc, tắc đường thở.
Do đó, BS Nguyễn Thị Kim Anh khuyến nghị các bố mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ 3 bữa chính, đủ chất, ăn uống đúng giờ. Không nên cho trẻ ăn bánh, mứt, kẹo trước các bữa ăn, không ăn quá khuya trước khi đi ngủ. Vệ sinh răng miệng để phòng nguy cơ sâu răng cho trẻ cũng là điều bố mẹ cần lưu ý.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần biết lượng đường nạp vào cơ thể trẻ tăng trong ngày Tết không chỉ qua đường ăn các loại bánh mứt kẹo mà còn qua cả đường uống như các loại nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có ga.
Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe của con trước tác hại của việc sử dụng quá nhiều bánh kẹo, mứt ngọt trong dịp Tết?
PGS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo tốt nhất cha mẹ nên cho con ăn giảm bớt lượng bánh kẹo, mứt. Bạn có thể sử dụng và thay thế bằng cách ăn các loại trái cây tươi trong những ngày Tết như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu, táo,…có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, các loại hạt ngũ cốc hoặc hạt bí, óc chó, hạnh nhân, đậu phộng, hạt điều, đậu hà lan,... cũng là một sự lựa chọn tốt.
Mỗi gia đình có thể tự chế biến bánh mứt cổ truyền cho ngày Tết. Trong khi chế biến, bạn nên hạn chế lượng đường hoặc có thể thay thế bằng đường ăn kiêng. Việc này vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa giữ được hương vị ngày Tết.
Các mẹ cũng nên chọn mứt, bánh kẹo được chế biến bởi các công ty lớn, có thương hiệu, có nhãn mác đầy đủ, có ngày sản xuất và hạn sử dụng.