Trẻ bị bạo hành từ nhỏ có thể dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong tương lai
Tiến sỹ Đào Trung Hiếu chuyên gia tội phạm học và Đại tá, bác sỹ Nguyễn Hồng Minh lý giải vấn đề bạo hành trẻ em gây ra hậu quả lâu dài đối với xã hội.
Vụ bé N.T.V.A 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến chết.
Ngày 16/2, tờ Công an Nhân dân online thuộc báo Công an Nhân dân đưa tin, ngày 16/2, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp Trung ương – người bảo vệ quyền lợi cho gia đình của bé N.T.V.A (8 tuổi, nạn nhân bị bạo hành tử vong tại quận Bình Thạnh) cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn kiến nghị thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Kim Trung Thái (cha ruột bé V.A.).
Theo đó, luật sư kiến nghị thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Kim Trung Thái từ tội "hành hạ người khác" và "che giấu tội phạm" sang tội "giết người" với vai trò đồng phạm. Trước đó, cơ quan tố tụng đã khởi tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, ngụ Gia Lai) về tội “Hành hạ người khác” và “Giết người”; khởi tố Thái về tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”.
Bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất nhiều lần bị bố dượng bạo hành.
Cũng theo tờ Công an Nhân dân online đưa tin ngày 22/1, đến ngày 21/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Trung Huyên, Sinh năm 1992, trú ở huyện Thạch Thất, Hà Nội để điều tra hành vi giết người. Để đấu tranh được với đối tượng này, Cán bộ chiến sĩ Công an huyện Thạch Thất và Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội đã tập trung nhiều công sức, thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ để đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội, buộc đối tượng phải nhận tội.
Trước đó, khoảng 13h ngày 18/1, Công an huyện Thạch Thất nhận được tin báo về việc Bệnh viện đa khoa Thạch Thất tiếp nhận 1 ca cấp cứu (bệnh nhân là trẻ em, nữ) trong tình trạng nguy kịch. Ngay từ những dấu vết thương tích đầu tiên được tìm thấy trên cơ thể, nhất là vùng đầu cháu bé đã khiến các trinh sát, điều tra viên xác định đây sự việc đặc biệt nghiêm trọng.
Bé gái 5 tuổi ở Quảng Nam bị bố ruột ném xuống sông vì nghi vợ ngoại tình.
Ngày 17/2, tờ Công an Nhân dân online đưa tin, chiều 17/2, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đang tạm giữ hình sự ngư dân Trần Văn Viên (sinh năm 1992, trú thôn Đông Tuần, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành) để tiến hành các thủ tục điều tra xác minh làm rõ vụ ném con gái xuống sông Trường Giang.
Bước đầu Công an tỉnh Quảng Nam xác định, do nghi ngờ vợ là Lê Thị Ty N (sinh năm 1992, trú thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, hiện đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh) ngoại tình với người đàn ông khác và không nghe điện thoại của mình nên khoảng 19h30 ngày 16/2, Viên từ nhà đến nhà mẹ vợ ở cùng thôn nói chuyện về việc trên.
Sau nhiều vụ việc bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng dã man gây phẫn nộ cho dư luận, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những hậu quả của việc trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục, Tiến sỹ, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho biết ngoài để lại những di chứng về thể chất, việc bị bạo hành có thể ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tinh thần. Trẻ có thể gặp một số vấn đề tâm lý như: Ngại giao tiếp, xa lánh xã hội hay mắc hội chứng tự kỷ. Thêm vào đó trong tương lai trẻ có thể có những hành vi chống đối xã hội.
Từ kinh nghiệm làm việc của bản thân, Tiến sỹ Đào Trung Hiếu cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội và một trong những nguyên nhân đó là việc bị bạo hành từ nhỏ.
Một người từng bị bạo hành khi còn nhỏ có nhiều khả năng có hành vi chống đối xã hội hơn so với những người khác.
Lý giải ý kiến này, Tiến sỹ Đào Trung Hiếu cho biết từ khi còn nhỏ họ đã chịu tác động của những hành vi bạo hành trong khi cha mẹ đóng vai trò là những người thầy đầu tiên của con cái, hành động của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ. Người phạm tội có thể trưởng thành trong những gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn, bị bạo hành về tinh thần, thể xác trong khoảng thời gian dài.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa.
Trẻ bị bạo hành từ nhỏ có thể dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong tương lai. Theo một số trường phái nghiên cứu tội phạm học của phương Tây, các nhà khoa học đã tiến hành giải mã mối quan hệ giữa gen và môi trường sống. Họ nhận ra rằng tội phạm có một số đặc điểm chung nhất định về mã gen, hình thể, …
Bên cạnh gen, yếu tố môi trường sống đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con người. Bởi vì con người có những tương tác, mối quan hệ với những người xung quanh. Quá trình này được gọi là xã hội hóa cá nhân.
Qua quá trình này con người cũng chịu tác động rất lớn từ yếu tố môi trường sống.
Để giải quyết thực trạng trẻ bị bạo hành, Tiến sỹ Đào Trung Hiếu cho rằng cần có sự chung tay của xã hội.
Tiến sỹ lý giải: “Theo nghiên cứu của giới tội phạm học, có 73% tội phạm ấu dâm, bạo hành là người quen biết và thân thiết với nạn nhân, thậm chí chính là người trong gia đình. Vì vậy, theo tôi cần tăng cường truyền thông cho cộng đồng, phổ biến luật pháp đến mọi người thông qua các đoàn thể, tổ chức cơ sở và phù hợp với từng thành viên.”
Cơ quan chức năng tại cơ sở như công an chính quy cấp xã, phường cần quan tâm thêm đến công tác này, ngoài các tổ chức đoàn thể cần có sự vào cuộc của toàn dân để bảo vệ trẻ sớm hơn, tránh những hậu quả thương tiếc có thể xảy ra" – Tiến sỹ Đào Trung Hiếu bày tỏ quan điểm.
Theo Tiến sỹ Hiếu mấu chốt nhất là tăng cường truyền thông về bồi dưỡng kỹ năng bảo vệ trẻ không chỉ ở những gia đình có trẻ bị bạo hành mà cả hàng xóm.
Tiếp theo là quy trách nhiệm cụ thể ở những gia đình có vấn đề, giao một đơn vị cụ thể có trách nhiệm nắm bắt cuộc sống của nạn nhân bị bạo hành.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại tá, Bác sỹ Nguyễn Hồng Minh cho rằng việc bạo hành trẻ em không phải bây giờ mới có, mà đã tồn tại từ lâu và xảy ra rất nhiều. Nguyên nhân bắt nguồn từ bối cảnh xã hội, do tâm lý người cha, người mẹ, đa số xảy ra ở những trường hợp như: Cha nghiện rượu, mẹ có cuộc sống, tâm lý không được tốt, cha mẹ ly hôn, trẻ sống cùng với bố dượng và mẹ kế của mình, ...
Ngoài ra nó còn xảy ra ở rất nhiều trường hợp khác ví dụ trong nhà trường, học sinh cùng lớp xảy ra xích mích cũng có thể bắt nạt nhau hoặc bởi những định kiến đặc biệt là với bé gái.
“Bạo lực với trẻ em xảy ra ở rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực chứ không chỉ riêng vấn đề của cá nhân”, Bác sỹ Hồng Minh chia sẻ.
Việc bị bạo hành từ nhỏ, khiến trẻ chịu những tổn thương về tâm lý và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hiện tại và sau này của các em. Theo Bác sỹ Hồng Minh vấn đề này được thể hiện theo hai xu hướng chính.
Xu hướng thứ nhất thứ nhất trẻ bị bạo hành khi lớn lên có thể có những hành vi chống đối xã hội với suy nghĩ trả thù. Như vậy, người bị hại lại trở thành người bạo hành với những người khác yếu thế hơn mình.
Xu hướng thứ hai người bị bạo hành có chiều hướng thu mình vào. Biểu hiện ở việc thiếu tự tin, trong giao tiếp bị chậm, khiến học tập và công việc bị ảnh hưởng.
Theo Bác sỹ Nguyễn Hồng Minh bạo hành trẻ em là vấn đề lớn và cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật cần xử nghiêm những hành vi này.
Đối với bạo lực học đường, Bác sỹ Hồng Minh cho rằng nhà trường cần nghiêm khắc, uốn nắn, hướng dẫn các em. Trong gia đình, bố mẹ cần quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái nhiều hơn, tránh tình trạng lo làm việc nên thiếu quan tâm, sâu sát các con. Gia đình, nhà trường và xã hội nên phối hợp phổ biến những kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ qua những bài học, chương trình, dự án.
* Tài liệu tham khảo:
[1] https://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/luat-su-kien-nghi-doi-sang-toi-danh-giet-nguoi-doi-voi-nguyen-kim-trung-thai--i644191/
[2] https://cand.com.vn/Ban-tin-113/hanh-trinh-dieu-tra-lat-mat-ke-dong-dinh-vao-dau-chau-be-3-tuoi-i642363/
[3] https://cand.com.vn/Ban-tin-113/thong-tin-moi-nhat-vu-cha-nem-con-gai-5-tuoi-xuong-song-truong-giang-i644318/