Trẻ bị cảm lạnh có thể dẫn đến những biến chứng nào?
Vào giai đoạn chuyển mùa, các bệnh lý về đường hô hấp ở trẻ em thường gia tăng, nhất là cảm lạnh. Để trẻ được chăm sóc tốt nhất khi bị cảm lạnh, phụ huynh cần biết chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà, cũng như biết khi nào phải đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Nguyên nhân khiến trẻ bị cảm lạnh
Cảm lạnh là một bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, phổ biến nhất là ở trẻ em. Một đứa trẻ có thể bị nhiễm cảm lạnh hơn 8 lần mỗi năm, chủ yếu xảy ra khi thời tiết chuyển mùa.
Mặc dù phần lớn các trường hợp nhiễm cảm lạnh diễn ra ở mức độ nhẹ, nhưng các triệu chứng phiền toái của bệnh khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập của trẻ. Một số trường hợp chủ quan, bệnh trở nên nghiêm trọng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Có nhiều chủng virus có thể gây bệnh cảm lạnh cho trẻ, trong đó Rhinovirus là phổ biến nhất. Các virus gây bệnh này chủ yếu lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp. Trẻ có thể nhiễm virus do tiếp xúc với các giọt bắn có chứa virus được phát tán ra môi trường bên ngoài khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh (nước bọt, nước mũi, tay…) sau đó chạm tay lên mắt, mũi, miệng của mình.
Ngoài ra, virus có thể tồn tại khá lâu trên các bề mặt. Do đó, trẻ có thể nhiễm bệnh khi sử dụng chung các vật dùng cá nhân, đồ chơi của bệnh nhân bị cảm lạnh.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh ở trẻ
- Trẻ có hệ miễn dịch suy yếu, mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch.
- Trẻ hút thuốc lá thụ động.
- Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, ẩm thấp.
- Trẻ không được giữ ấm cẩn thận và đúng cách vào mùa lạnh.
- Trẻ bị dị ứng thời tiết.
- Trẻ nhỏ trong độ tuổi đến trường, nhà trẻ hoặc thường xuyên đến những nơi đông người.
Biểu hiện của trẻ bị cảm lạnh
Triệu chứng xuất hiện sau 1 - 2 ngày phơi nhiễm. Ở trẻ em nghẹt mũi là triệu chứng nổi bật. Trẻ cũng có thể sổ mũi nước trong, vàng hoặc xanh; sốt (nhiệt độ cao hơn 38 độ C) là triệu chứng phổ biến trong 3 ngày đầu của bệnh.
Triệu chứng khác bao gồm: Đau họng, ho, quấy khóc, khó ngủ và giảm sự thèm ăn. Niêm mạc mũi có thể sưng đỏ, hạch bạch huyết ở cổ có thể hơi to.
Các triệu chứng cảm lạnh thường nghiêm trọng nhất trong 10 ngày đầu. Tuy nhiên, một số trẻ có triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi và ho trên kéo dài trên 10 ngày.
Ngoài ra, không có gì lạ khi trẻ bị cảm lạnh lần 2 khi mà các triệu chứng đợt đầu thuyên giảm, điều đó có thể cho thấy dường như trẻ bị cảm lạnh kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí nhiều tháng, đặc biệt trong mùa thu và mùa đông. Đây không phải là nguyên nhân đáng lo ngại, nếu không có bất kỳ những triệu chứng nghiêm trọng nào.
Trẻ bị cảm lạnh thường có các biểu hiện sổ mũi, ho có đờm và thường nặng hơn khi về đêm. Điều này khiến cha mẹ lo lắng, nhưng cũng có nhiều người chủ quan nên sẽ dẫn đến những nguy hại cho sức khỏe của trẻ.
Biến chứng thường gặp khi trẻ bị cảm lạnh
- Dễ bị viêm tai giữa, chảy mủ tai, viêm mũi xoang... nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng rắc rối hơn ở nội sọ.
- Có thể viêm phế quản, viêm phổi. Khoảng 20 - 25% trẻ bị cảm lạnh thông thường có khả năng diễn tiến thành viêm phổi.
- Khởi phát cơn hen nếu cảm lạnh xảy ra trên một bệnh nhi hen suyễn. Khoảng 80% trường hợp trẻ em lên cơn hen có nhiễm virus cảm lạnh.
Khi nào trẻ bị cảm lạnh cần cấp cứu?
Một số dấu hiệu cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay
- Ngủ li bì, không thể lay gọi, đánh thức được.
- Trẻ bệnh đến mức không thể uống nước được, uống bao nhiêu nôn bấy nhiêu, lặp lại nhiều lần; trẻ bị co giật, nặng hơn là bị tím tái.
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Bỏ bú (trẻ bị mệt đến mức không bú được hoặc bú không bằng 1/2 lượng sữa bình thường).
- Sốt cao liên tục trên 39 độ C trong 2 - 3 ngày không giảm.
- Ho ra máu, ho khạc đờm màu vàng hoặc xanh có mùi hôi thối hoặc mủ.
- Ho kéo dài không thuyên giảm sau 1 tuần, dù đã được điều trị thích hợp.
- Thở co lõm lồng ngực (khi hít vào phần dưới lồng ngực bị lõm và hóp vô).
- Thở nhanh: Đếm được nhịp thở lúc trẻ nằm yên, không khóc, không bú. Nhìn vào phần bụng của trẻ, mỗi lần ngực bụng nhấp nhô là một nhịp. Đếm trong vòng 60 giây, sau đó đối chiếu với ngưỡng thở nhanh.
+ Dưới 2 tháng tuổi: Ngưỡng thở nhanh là 60 lần/phút.
+ Từ 2 tháng đến 1 tuổi: Từ 50 lần/phút trở lên là thở nhanh.
+ Trên 1 tuổi: Từ 40 lần/phút trở lên là thở nhanh.
Làm gì để phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ?
Để phòng ngừa cảm lạnh, khi ra ngoài cần đeo khẩu trang và rửa tay để hạn chế bị nhiễm bệnh. Tránh tiếp xúc gần, giữ khoảng cách với người khác, đặc biệt là những người có các triệu chứng về hô hấp.
Ở thời điểm giao mùa cần giữ ấm cho trẻ một cách linh hoạt. Khi trời mưa lạnh cần mặc các trang phục phù hợp để tránh bị gió lùa. Khi trời nắng nóng cần sử dụng các phương tiện giải nhiệt như quạt máy, máy lạnh cho phù hợp để trẻ dễ chịu, không gây hại sức khỏe.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần cung cấp cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng. Đặc biệt, trong mùa này cần cho trẻ ăn các loại hoa quả bổ sung vitamin giúp tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.