Trẻ bị sốt xuất huyết, cha mẹ tuyệt đối không được làm điều này

Chuyên gia nêu những sai lầm trong chăm sóc và điều trẻ bị sốt xuất huyết mà cha mẹ nên tránh.

Với tình hình bệnh sốt xuất huyết hiện nay cha mẹ không nên chủ quan, thấy trẻ sốt thì nên đưa con đi khám bác sĩ.

Chỉ dùng 1 loại thuốc

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, nếu trẻ được ngoại trú ở nhà thì cha mẹ tự theo dõi.

Sốt ngày thứ 3 - giai đoạn nguy hiểm - trẻ có thể gặp các biến chứng của sốt xuất huyết như cô đặc máu, giảm tiểu cầu, xuất huyết ở các bộ phận như chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, đi tiểu ra máu… Chậm trễ can thiệp y tế trẻ sẽ gặp nguy hiểm.

Khi sốt, trẻ chỉ cần sử dụng một loại thuốc duy nhất là thuốc hạ sốt thành phần paracetamol. Các bậc phụ huynh chú ý sử dụng đúng liều từ 10 -15 mg/kg cân nặng, mỗi liều cách nhau từ 4 đến 6 tiếng. Các loại thuốc bào chế khác nhau đều có tác dụng hạ sốt, mỗi lần chỉ sử dụng một loại, phòng ngộ độc thuốc.

Việc cho trẻ ăn uống rất quan trọng, bởi khi sốt xuất huyết trẻ rất lười ăn, khó ăn. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu.

Trẻ sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

Trẻ sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

Bác sĩ Nam cảnh báo không ăn đồ ăn màu đỏ, màu đen vì nếu bé nôn ói sẽ khó theo dõi là do thức ăn hay chảy máu.

Các phụ huynh lo trẻ sốt xuất huyết không ăn được gì nên cố gắng ép ăn. Điều này làm trẻ sợ, dễ nôn ói. Trường hợp này, bạn cần chia bữa ăn nhiều lần trong ngày. Cha mẹ có thể tắm rửa, vẫn bật quạt, máy lạnh để trẻ dễ chịu hơn.

Những sai lầm điều trị sốt xuất huyết

Thứ nhất, không ít phụ huynh đưa con đi cắt lể để lấy bớt máu độc mà không biết rằng điều này rất nguy hiểm, bời khi đó trẻ dễ xuất huyết khó cầm máu. Nhiều trẻ vào viện không cầm được máu do cha mẹ đưa đi cắt lể với mong muốn hết bệnh.

Sai lầm thứ hai, khi bị sốt xuất huyết không cạo gió. Cạo gió gây tình trạng xuất huyết dưới da, nhiều trẻ tím bầm vì xuất huyết nhưng cha mẹ lại nghĩ đó là trúng gió, cạo được gió độc.

Sai lầm thứ ba, thấy con sốt lại không nghĩ là con bị sốt xuất huyết, cha mẹ liền tự mua thuốc, tự điều trị, từ kháng sinh tới các thuốc khác dẫn đến biến chứng nhiều hơn, trẻ không được chẩn đoán sốt xuất huyết.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, bác sĩ Nam khuyên phụ huynh nên theo dõi con thường xuyên hơn. Các gia đình cần chuẩn bị thuốc hạ sốt paracetamol, bù nước cho trẻ, mua thêm nhiệt kế. Đặc biệt, cần bù nước cho trẻ thật nhiều để tránh nguy cơ cô đặc máu, giảm nguy cơ nhập viện. Trẻ có thể uống nước orezol, nước lọc, nước hoa quả, nước canh…

Cha mẹ nên theo dõi màu nước tiểu của trẻ. Nếu nước tiểu trong, vàng nhạt là trẻ được bù nước đầy đủ, còn trường hợp nước tiểu sậm màu là dấu hiệu trẻ đang bị cô đặc máu.

Với trẻ được bác sĩ yêu cầu quay lại tái khám, bác sĩ Nam khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ tái khám đúng hẹn, không nên ngại nhà xa hay bận việc gì đó bỏ lỡ việc tái khám cho trẻ.

Ngọc Hà

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tre-bi-sot-xuat-huyet-cha-me-tuyet-doi-khong-duoc-lam-dieu-nay-ar685534.html