Trẻ chơi đùa, ngã vỡ lách
Tin từ ThS.BS Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cho biết , các bác sĩ của bệnh viện điều trị thành công trường hợp trẻ chơi đùa dẫn đến vỡ lách.
Hơn 1 giờ sáng, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận bé gái Trần Minh T. 9 tuổi ở huyện Gò Quao – Kiên Giang. Cách nhập viện 1 giờ, bé chạy đùa chơi với bạn trên bờ ruộng, trượt té đập vùng sườn trái vào đống đất khô trên ruộng, sau té bé đau nhiều và toát mồ hôi.
Khi nhập viện bé T. tỉnh, kêu đau nhiều vùng hạ sườn trái, khát nước và có vẻ hoảng hốt. Bụng không chướng, vết bầm vùng hạ sườn trái, ấn đau vùng hạ sườn trái, được truyền dịch, giảm đau .
Siêu âm lúc nhập viện kết quả chấn thương lách. Sau 2 giờ, bé cảm giác đau nhiều hơn, diễn tiến nặng. Bé được truyền dịch và chống sốc, truyền máu,ekip trực nhân thấy cần phải tiến hành phẫu thuật.
Trong quá trình phẫu thuật, quan sát thấy rất nhiều máu cục khắp bụng, nhiều máu loãng không đông. Thám sát thấy lách vỡ cực dưới gần hoàn toàn, đang chảy máu. Sau khi xin ý kiến BS Tạ Vũ Quỳnh- Trưởng khoa Ngoại tổng quát. Ê kip trực BS Trần Việt Hoàng – BS Võ Quang Huy quyết định cắt lách toàn phần.
Sau phẫu thuật diễn tiến hậu phẫu khá tốt, bé trung tiện sau 12 giờ phẫu thuật. Thể trạng khá dần, chỉ truyển thêm một đơn vị máu sau mổ. Bé được xuất viện vào ngày 7 hậu phẫu và tái khám sau 1 tuần.
Theo các bác sĩ, chấn thương bụng kín chiếm 10 – 15 % trong tất cả chấn thương ở trẻ em. Lách là cơ quan dễ bị tổn thương nhất và thứ 2 là gan trong các chấn thương bụng kín.
Chấn thương lách, gan và tụy thường xảy ra trong 2 trường hợp: Chấn thương đơn thuần trực tiếp vào bụng; Trong bệnh cảnh đa chấn thương như trong tai nạn giao thông.
Theo những thống kê của thế giới, đa phần chấn thương lách điều trị nội khoa thành công, chỉ 6 – 10% có chỉ định cắt lách do huyết động không ổn khi điều trị nội khoa hay do chấn thương tạng rỗng kèm theo.
Do lách đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn có hại nên sau khi phẫu thuật cắt bỏ lách bé rất dễ bị các bệnh nhiễm trùng năng, đặc biệt là nhiễm khuẩn Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis, và Haemophilus influenzae.
Những vi khuẩn này gây viêm phổi nặng, viêm màng não và những nhiễm trùng nghiêm trọng khác. Nên cần hướng dẫn tiêm chủng phòng ngừa các vi khuẩn này cho bé.
Theo BS. Tạ Vũ Quỳnh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý những trường hợp bé chấn thương vùng bụng dưới sườn nếu bé có biểu hiện bầm thành bụng, than đau bụng sau té nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa Nhi, vì có những trường hợp chỉ là vết bầm nhẹ bên ngoài, tuy nhiên tổn thương lách bên trong rất trầm trọng.
Nếu không can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-dua-choi-nga-vo-lach-n174039.html