Trẻ có nguy cơ đối mặt những hệ lụy nào nếu bị bố mẹ 'ép' chào đời quá sớm để né năm Dần?

Các bác sĩ khuyến cáo, với những đứa trẻ được mổ đẻ chủ động khi chưa đủ tháng, trẻ có nguy cơ bị suy hô hấp cấp. Ngoài ra, nếu non tháng, trẻ cũng dễ bị hạ thân nhiệt, xuất huyết não, nhiễm trùng huyết…

Mới đây, câu chuyện một thai phụ lặn lội từ Bình Dương lên Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khám thai và bày tỏ mong muốn được mổ đẻ trước Tết Nguyên đán dù thai lúc đó chỉ mới 34 tuần tuổi đã gây xôn xao dư luận.

Điều đáng nói, việc xin mổ chủ động để né sinh con năm Dần lại là một thực tế đang diễn ra trong những ngày cuối năm này. Theo TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 2, hàng năm, vào những tuần cuối cùng của năm cũ thường xảy ra tình trạng xin mổ đẻ trước Tết. Tuy nhiên, năm nay, số lượng thai phụ đến khám và có ý định sinh con sớm càng nhiều.

Họ đưa ra nhiều lý do như: Không muốn sinh con dịp Tết, mong muốn được xuất viện về quê cùng gia đình dịp Tết, đặc biệt, nhiều người bày tỏ ngại sinh tuổi Dần con sẽ vất vả, lận đận tình duyên, đặc biệt là con gái…

Sinh mổ chủ động tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho đứa trẻ. Ảnh minh họa

Sinh mổ chủ động tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho đứa trẻ. Ảnh minh họa

Cũng theo BS Trung, gần đây, mỗi ngày bác sĩ mổ cho khoảng 3-6 ca sinh chủ động, đáp ứng điều kiện thai từ 39 tuần trở lên. Rất nhiều thai phụ bị bác sĩ từ chối do tuổi thai còn non, thai đang phát triển bình thường, nếu mổ bắt con sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bé.

Đối với những trường hợp còn non tháng, như trường hợp thai 34 tuần trên thì chắc chắn không thể thực hiện, vì tuổi thai còn rất non, thai đang phát triển bình thường. Nếu mổ sớm, nguy cơ trẻ bị suy tim thai, chậm phát triển là rất lớn.

Khi nào nên sinh mổ?

Trong Y khoa, mổ đẻ chỉ được các bác sĩ chỉ định trong các trường hợp như: Thai phụ có những bệnh lý như cao huyết áp, huyết áp tăng cao không điều chỉnh được bằng thuốc gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi; thai phụ sinh khó, kéo dài thời gian chuyển dạ hay thai nhi bị kém phát triển trong tử cung, quá ít nước ối, có dấu hiệu suy thai, cần phải đưa thai ra ngay, nếu không sẽ nguy hiểm cho tính mạng của thai nhi....

Dù chưa có con số thống kê chính thức về tỷ lệ mổ lấy thai, song tỷ lệ này đang ở mức cao, có nơi lên tới 60%. Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mổ lấy thai có nhiều biến chứng hơn đẻ thường. Đồng thời, nếu mổ lấy thai con thứ nhất thì đương nhiên khi sinh con lần sau cũng sẽ phải thực hiện mổ lấy thai.

Hơn nữa, số lần sinh mổ càng nhiều thì chị em càng dễ gặp phải biến chứng trong lần mang thai và sinh con sau. Các biến chứng có thể gặp phải như: Nhau tiền đạo, nhau bong non, rau cài răng lược, vỡ tử cung, thậm chí tử vong.

Hệ lụy của sinh mổ sớm

Về nguyên tắc sản khoa, bác sĩ luôn tư vấn sản phụ sinh thường có lợi hơn sinh mổ cho cả mẹ và bé, ít biến chứng hơn, tương lai sản khoa về sau tốt hơn. Tuy nhiên, trong những trường hợp mổ bắt con theo yêu cầu của sản phụ, các bác sĩ sẽ xem xét khi thai từ 39 tuần tuổi trở lên, đảm bảo sự phát triển an toàn của trẻ khi chào đời, theo khuyến cáo của các hiệp hội sản phụ khoa uy tín thế giới.

Với những đứa trẻ, nếu sinh mổ chủ động khi trẻ chưa đủ tháng, trẻ có nguy cơ bị suy hô hấp cấp. Ngoài ra, nếu non tháng, trẻ cũng dễ bị hạ thân nhiệt, xuất huyết não, vàng da, nhiễm trùng huyết.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mổ chủ động thì nguy cơ đứa trẻ mắc các bệnh lý sơ sinh và phải nhập đơn vị hồi sức sơ sinh cao gấp 3 lần so với những trường hợp đẻ thường hoặc đẻ mổ nhưng đã qua giai đoạn chuyển dạ. Thậm chí, đã có trường hợp, trẻ tử vong khi bị "ép" ra đời quá sớm.

Mai Khôi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tre-co-nguy-co-doi-mat-nhung-he-luy-nao-neu-bi-bo-me-ep-chao-doi-qua-som-de-ne-nam-dan-172220130152647775.htm