Trẻ em Burkina Faso khó đến trường vì xung đột

Tại các thị trấn nhỏ ở vùng Sahel của Burkina Faso, nằm giữa biên giới với Mali và Niger, phải đến tận tháng trước mới có thể khai trường.

Một nữ sinh chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của chiến dịch có vũ trang ở vùng Shel tại một lớp học ở Dori, Burkina Faso. Ảnh: Reuters

Một nữ sinh chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của chiến dịch có vũ trang ở vùng Shel tại một lớp học ở Dori, Burkina Faso. Ảnh: Reuters

Thế nhưng, các lớp học vẫn không có học sinh. Một giáo viên giấu tên cho biết, cô và đồng nghiệp không thể đến lớp khi trường học bị phong tỏa. Họ không thể đến bằng phương tiện của riêng mình, ngoại trừ có xe hộ tống hoặc đi bằng máy bay trực thăng.

Theo Liên Hợp quốc, trên khắp quốc gia Tây Phi này, khoảng 1/5 tổng số trường học (4.300 trường) đóng cửa vì tình trạng mất an ninh đang diễn ra. Chính phủ Burkina Faso ước tính khoảng 700 nghìn trẻ em và 20 nghìn giáo viên bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhiều em không thể đến trường khi nằm trong số 1,6 triệu người trong khu vực phải di dời.

Vòng bạo lực luẩn quẩn

Kể từ 2015, Burkina Faso bị mắc kẹt trong cuộc chiến giữa các nhóm vũ trang - một số có liên hệ với IS và al-Qaeda. Các trường học trên khắp Mali và Niger cũng bị tấn công, nhưng không nơi nào bị thiệt hại về lớp học đến mức nghiêm trọng như ở Burkina Faso.

Theo số liệu của Liên Hợp quốc, số trường học phải đóng cửa tại đây chiếm hơn 60% tổng số trường học phải đóng cửa ở 3 quốc gia. Các trường học bị đóng cửa vì nhiều lý do. Đôi khi giao tranh giữa quân đội, dân quân và các nhóm vũ trang lan tràn đến mức học sinh, phụ huynh và giáo viên đều sợ hãi khi tới lớp. Cũng có lúc, giáo viên phải đối mặt với các mối đe dọa từ một số nhóm này.

Hồi chuông cảnh báo đang vang lên khắp Burkina Faso và thế giới về những thách thức an ninh do hàng trăm nghìn trẻ em không được đến trường và mức độ vi phạm các quyền cơ bản của trẻ em đối với giáo dục.

Bà Yasmine Sherif, Giám đốc Quỹ toàn cầu về giáo dục trong các tình huống khủng hoảng (Education Cannot Wait) của Liên Hợp quốc, cho biết, các bé gái phải kết hôn khi còn nhỏ nên khó đi học. Các bé trai cũng không được đi học và rất dễ bị bắt đi lính hoặc bị thuyết phục tham gia các nhóm vũ trang. Nếu không được đi học và không có gì để làm, nhiều bé trai có xu hướng tham gia các nhóm vũ trang, dù việc này trái với ý muốn cá nhân. Vòng luẩn quẩn bạo lực này tiếp tục diễn ra.

Cùng theo bà Sherif, thực tế này khiến một bộ phận dân số trẻ dễ bị tổn thương. Cũng bởi, môi trường giáo dục không chỉ dạy đọc - viết, mà còn cung cấp kỹ năng xã hội cũng như các nhu cầu về cảm xúc, thực phẩm, nước, vệ sinh, an toàn… Trường học bị đóng cửa đồng nghĩa với những cung cấp thiết thực đó không thể thực hiện được.

Các chuyên gia cho biết, trường học cũng là mục tiêu cụ thể để các nhóm khủng bố đốt phá hoặc cho nổ tung, bởi đây là biểu tượng của nhà nước cũng như nền giáo dục thông thường.

Học sinh chạy trốn các cuộc tấn công của chiến binh vũ trang vùng Sahel tham gia một lớp học ở Dori, Burkina Faso. Ảnh: Reuters

Học sinh chạy trốn các cuộc tấn công của chiến binh vũ trang vùng Sahel tham gia một lớp học ở Dori, Burkina Faso. Ảnh: Reuters

Nhu cầu lớn khi nguồn lực thiếu

Các chuyên gia cho biết, tuy bạo lực tại Burkina Faso thường được coi là do lây lan từ cuộc xung đột ở nước láng giềng Mali, nhưng nó đã ăn sâu vào đất nước này. Phía Đông Burkina Fasso, dọc theo biên giới với Niger, bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.

Theo bản tóm tắt từ báo cáo tháng 2/2022 của Viện Clingendael - một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Hà Lan, các nhóm bạo lực đã “cắm rễ thành công” vào các cộng đồng phía Đông. Họ lợi dụng sự bất bình lan rộng đối với chính quyền trung ương và giới tinh hoa địa phương sau nhiều thập kỷ bị nhà nước bỏ rơi và quan hệ kinh tế - xã hội phân cấp, bản tóm tắt cho biết.

Tại thị trấn phía Đông Diapaga, một hiệp hội phụ huynh đã tổ chức cuộc tuần hành phản đối vào tháng 10 vừa qua, kêu gọi mở cửa lại trường học. Trong suốt tháng 11, các trường học ở Diapaga tiếp tục mở và đóng cửa lẻ tẻ tùy thuộc vào tình hình an ninh.

Chỉ riêng ở khu vực phía Đông đất nước, khoảng 100 nghìn học sinh đã phải nghỉ học. Tại Djibo, một thành phố ở vùng Sahel, học sinh đã xuống đường vào tháng trước sau khi các trường học không mở cửa đúng giờ.

Trong khi nhiều trẻ em trên khắp Burkina Faso không còn học tập nữa, một số em đã chuyển đến nơi khác để tới trường. Tuy nhiên, các em đang phải đối mặt với thách thức hòa nhập khi hàng trăm nghìn em phải di dời mà không có chỗ học.

Năm ngoái, Bộ Giáo dục nước này kêu gọi các hiệu trưởng làm mọi cách có thể để đăng ký và đăng ký lại cho học sinh phải di dời. Tuy nhiên, dường như đây là việc làm khó khăn khi nguồn lực mỏng manh của họ ngày càng cạn kiệt.

Quỹ “Education Cannot Wait” cho biết đã chi 23 triệu USD cho các biện pháp ứng phó khẩn cấp kể từ năm 2019, bao gồm đào tạo giáo viên, cung cấp các bài học ở trường qua đài phát thanh, trang trải học phí, cung cấp các khóa học bổ trợ và xây dựng hàng nghìn phòng học. Tuy nhiên, theo tính toán của bà Sherif, có thể cần tới gần 1 tỷ USD để giải quyết vấn đề với quy mô lớn như vậy.

Ông Héni Nsaibia, nhà nghiên cứu cấp cao tại nhóm nghiên cứu xung đột có tên Dự án dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED), cho biết, trường học thường là một trong những mục tiêu tấn công đầu tiên, cùng với tòa thị chính và văn phòng thị trưởng. Những nơi này là các mục tiêu cụ thể để nhiều nhóm chiến binh tấn công như một cách để đánh dấu trên bản đồ với ngụ ý rằng “chúng tôi đã vào khu vực này”.

Kể từ 2021, ACLED ghi nhận 144 trường học bị nhắm làm mục tiêu cụ thể trong các cuộc tấn công, trong đó có 87 trường bị nhắm mục tiêu riêng trong năm nay. Ông Nsaibia nhấn mạnh thực tế đáng buồn, khi các trường học đóng cửa, độ tuổi trung bình của các chiến binh thực sự giảm đi trong những năm qua.

Theo Al jazeera

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre-em-burkina-faso-kho-den-truong-vi-xung-dot-post619455.html