Trẻ em khó mắc Covid-19 nhưng dễ thành 'mầm lây bệnh âm thầm'
Dù khả năng mắc Covid-19 ở trẻ em là khá thấp nhưng đây lại chính là đối tượng dễ lây lan dịch bệnh này một cách âm thầm nếu không may mắc phải.
Những sai lầm ban đầu
Theo Guardian, ban đầu, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện và dựa trên những thống kê sơ bộ về số người thiệt mạng, các chuyên gia đã vội vã kết luận rằng, virus SARS-CoV-2 chủ yếu nhắm đến người cao tuổi, đặc biệt là nhóm trên 70 tuổi hoặc những người có tiền sử bệnh nền. Những nhóm người này vì thế được yêu cầu tự thực hiện “giãn cách xã hội”.
Tuy nhiên, theo thời gian, các nhà khoa học nhận thấy, virus SARS-CoV-2 cũng có thể khiến thanh niên và trẻ em phát bệnh nặng. Quan trọng hơn, dù đa số trường hợp mắc Covid-19 ở trẻ em chỉ có biểu hiện bệnh lý rất nhẹ, đây là chính là những “mầm lây bệnh âm thầm” nhưng chủ chốt khiến dịch bệnh lây lan.
Những nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy, số ca mắc Covid-19 dưới 19 tuổi chỉ chiếm 2,4% tổng số ca mắc bệnh và chỉ 2,5% trong số này có những triệu chứng nặng. Con số này theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là “rất nhỏ”. Điều này đã khiến trẻ em thường bị bỏ qua trong trường hợp cần xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và vì thế cũng bị cho là khó có thể lây lan dịch bệnh này sang người khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia virus học, quan điểm này là sai lầm bởi SARS-CoV-2 là một loại virus và không có lý do gì trẻ em lại không mắc phải loại virus này nhất là khi SARS-CoV-2 có cơ chế lây lan qua đường hô hấp chứ không phải là cơ chế lây nhiễm đặc biệt nào mà chỉ riêng người lớn mới có. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu đa số trẻ em mắc Covid-19 với triệu chứng nhẹ bị bỏ qua, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh này trong cộng đồng là không thể lường hết.
Đáng lo ngại hơn, Tiến sĩ Jay C Butler, Phó Giám đốc Phụ trách các bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC)
Hoa Kỳ thừa nhận, hiện vẫn chưa rõ cơ chế tác động của Covid-19 đối với trẻ em. Dù vậy, ông Jay C Butler khẳng định, “đây là đối tượng rất cần được quan tâm”.
Việc nhiều người mắc Covid-19, đặc biệt là trẻ em chỉ có triệu chứng bệnh nhẹ cho thấy loại virus này có sự khác biệt đáng kể so với SARS và MERS – 2 loại virus cùng chủng Corona từng gây dịch bệnh nghiêm trọng trên toàn cầu vào năm 2003 và 2012.
Cả SARS và MERS đều có cơ chế lây lan và triệu chứng mắc bệnh rất dễ nhận biết giúp các nhân viên y tế dễ dàng nhận diện và cách ly những bệnh nhân mắc bệnh. Trong khi đó, với SARS-CoV-2, hơn 85% những trường hợp được xác nhận mắc Covid-19 có biểu hiện bệnh lý nhẹ và rất dễ nhầm lẫn sang các dạng cúm thông thường khác.
Đây có thể coi là “vũ khí đáng sợ nhất” của SARS-CoV-2 cho phép loại virus này nhanh chóng lây lan trong cộng đồng trong khi khiến các nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán, nhận diện và kiểm soát dịch bệnh.
Mắt xích dễ bị bỏ qua nhất
Ngay cả trong tình trạng khó khăn để phân loại người mắc Covid-19 đó, trẻ em vẫn không được coi là nguồn lây bệnh chính trong khi nhiều chuyên gia cảnh báo, trẻ em mới chính là “những mầm lây bệnh âm thầm” và là mắt xích dễ bị bỏ qua nhất trong chuỗi lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Điều này là bởi, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một “bằng chứng vững chắc nào” để củng cố quan điểm này.
Chính vì thế, xét trên quan điểm dịch bệnh học, việc đóng cửa các trường học là một biện pháp hữu hiện nhằm đảm bảo việc “giãn cách xã hội” và phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Điều này xuất phát từ thực tế là, trong những ngày còn đi học, trẻ em thường xuyên tham gia các hoạt động chung và tiếp xúc rất gần với bạn bè và thầy cô giáo. Khi trở về nhà, các em có thể mang theo mầm bệnh và lây lan cho người thân trong gia đình.
Tại nhiều quốc gia, việc đóng cửa các trường học đã diễn ra từ lâu nhằm ngăn ngừa khả năng dịch bệnh Covid-19 có thể lây lan sang trẻ em. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh vẫn cần theo dõi sát sao việc sinh hoạt của các em trong những ngày ở nhà nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm trong gia đình hoặc tại cộng đồng.
Cụ thể, CDC Hoa Kỳ nhấn mạnh, các bậc phụ huynh cần tránh để trẻ tiếp xúc với những người già yếu, có tiền sử bệnh nền, đặc biệt là những người từng mắc Covid-19. Cần cân nhắc kỹ trong trường hợp buộc phải nhờ ai chăm sóc trẻ khi bố mẹ đi làm, đảm bảo rằng người đó phải khỏe mạnh và hiểu rõ cách thức bảo đảm an toàn cho trẻ.
Trong thời gian trẻ ở nhà, cần hạn chế cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội đông người. Nếu cần, các bậc phụ huynh có thể chia trẻ thành nhiều nhóm nhỏ vui chơi tại những nơi vắng người và giúp trẻ chủ động đảm bảo “giãn cách xã hội”. Nếu không có điều kiện ra ngoài vì không gian hạn chế, có thể hướng dẫn cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn, vệ sinh các bề mặt mà virus SARS-CoV-2 có thể bám vào mà trẻ em hay tiếp xúc như bàn, ghế, tay nắm cửa, công tắc, điều khiển từ xa… cũng như rửa sạch đồ chơi cho trẻ./.