Trẻ em ở nhiều địa phương đón Trung thu không đủ đầy nhưng vẫn ấm áp
Không được tập trung đông để rước đèn ông sao, không múa lân và tiếng trống cắc tùng, dịch bệnh COVID-19 đang khiến Trung thu năm nay trở nên khác biệt so với các năm trước.
Mặc dù vậy, với trẻ em vùng cao Tây Bắc, một mùa Trung thu ấm áp đang đến, bởi các em nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành, với nhiều món quà đủ đầy, ý nghĩa.
"Em nhớ những tết Trung thu trước, mẹ mua cho em quà, bánh và cả đèn lồng nữa đem đi khoe với các bạn vui ơi là vui. Lúc đó chưa có dịch em được ra nhà văn hóa rước đèn cùng các bạn rồi cười đùa vui vẻ".
"Em rất thích xem múa lân và rước đèn, em mong dịch bệnh sớm qua để được xem múa lân ngay ở sân trường và theo đoàn người rước đèn ông sao đông vui. Trung thu năm nay thì em chỉ mong có bánh, có kẹo là được".
Đó là ký ức vui vẻ của các em nhỏ ở vùng cao Yên Bái, Sơn La... khi nhớ về những mùa trung thu trước, lúc dịch bệnh COVID-19 chưa xuất hiện. Năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, không được tập trung để cùng rước đèn, đánh trống, mong ước giản dị của các em chỉ là có bánh, kẹo để đón trăng.
Để các em có một mùa trung thu ấm áp, yêu thương, các cấp, ngành và các địa phương ở các tỉnh Tây Bắc đã dành nhiều sự quan tâm, xây dựng kế hoạch tổ chức trung thu cho các em đảm bảo an toàn và ý nghĩa.
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên/VOV-Tây Bắc, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai - nơi hơn 60 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng, những ngày này, thầy trò nhà trường đang cùng nhau kết nên những chiếc đèn ông sao rực rỡ.
Ông Đinh Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, các hoạt động dịp này được tổ chức với quy mô nhỏ, gọn nhẹ, nhưng chắc chắn sẽ rất vui tươi và ý nghĩa: "Năm nay, do tình hình chung nên không có nhà tài trợ vào trung tâm cả để đảm bảo phòng dịch. Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng thăm thân, tiếp đón các đoàn nên chỉ có cán bộ với các con, gọi là theo kiểu người nhà, tổ chức cho các con ăn mặn một bữa, ăn ngọt một bữa, mua bánh kẹo cho các con".
Tuy nằm trong "vùng xanh" của bản đồ dịch bệnh, song với tinh thần không chủ quan lơ là khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, năm nay, tỉnh Lai Châu cũng quyết định tổ chức Trung thu cho thiếu nhi theo hướng đơn giản, "khép kín". Mặc dù vậy, địa phương phấn đấu để các em nhỏ sẽ có đủ các phần quà. Nhất là hơn 39.000 học sinh của gần 80 trường nội trú, bán trú ở tỉnh sẽ được tổ chức hoạt động vui tết trung thu với các quy mô phù hợp.
Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: "Các đơn vị trường sẽ huy động các nguồn lực, kể cả nguồn ngân sách, vận động, hỗ trợ, ủng hộ, quyên góp... để có những phần quà, phần thưởng tặng động viên các em; đặc biệt quan tâm tới các em học sinh khó khăn, gia đình hộ nghèo ở những trường nội trú, bán trú. Để cho ngày trung thu thực sự có ý nghĩa, các đơn vị trường phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo các quy định, đặc biệt là kiểm soát được số người tham gia trong Tết Trung thu của các em".
Tại tỉnh Điện Biên, dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhưng các địa phương trong tỉnh sẽ không tổ chức các hoạt động trung thu như rước đèn, phá cỗ trông trăng. Thay vào đó, tỉnh sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa, ủng hộ các phần quà để các địa phương, đơn vị, trường học tổ chức trung thu tại chỗ cho các em.
Anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên chia sẻ: "Các hoạt động cho thiếu nhi năm nay tại địa phương sẽ có chủ đề "Lồng đèn thắp sáng ước mơ" và tăng cường chăm lo, rồi vận động các nguồn lực tặng quà, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi. Tuy nhiên, khác với mọi năm là năm nay chỉ thăm tặng quà với số lượng ít hơn, mà sẽ chuyển các phần quà đến các nhà trường, rồi các địa bàn dân cư để tặng quà. Và tăng cường các hoạt động giao lưu, tạo sân chơi, các chương trình văn hóa văn nghệ thông qua mạng xã hội và quản lý trực tuyến".
Huyện Phù Yên - nơi tâm dịch của tỉnh Sơn La hiện vẫn còn 6 bản ở 3 xã trong diện quản lý, giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chỉnh phủ. Cùng với tăng cường kiểm soát, nỗ lực triển khai các biện pháp sớm đẩy lùi dịch bệnh, các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn hiện cũng đang tập trung vận động nhiều nguồn lực để tổ chức cho các em thiếu nhi nơi đây có một mùa Trung thu ấm áp, yêu thương.
Ông Cầm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Huy Thượng, huyện Phù Yên cho biết, xã phấn đấu toàn bộ các em thiếu nhi trong độ tuổi ở xã sẽ được chính quyền và đoàn thể địa phương tặng quà bằng cách treo quà ở trước cổng để gia đình tự lấy và tổ chức trung thu tại nhà cho các em.
"Việc tổ chức Tết Trung thu cho các em thiếu nhi trong dịp giãn cách xã hội, xã đã giao cho Đoàn Thanh niên phối kết hợp với chi đoàn các bản, có phần quà mang tính động viên để cho các con, các cháu, các em có tinh thần chống dịch chung cùng với Đảng, chính quyền xã", ông Diễn nói.
Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song cấp ủy, chính quyền các địa phương Tây Bắc luôn nỗ lực chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước; mục tiêu những ngày này là cùng hướng đến một mùa trung thu an toàn, ấm áp, yêu thương cho các em.
Tại Đà Nẵng, đồng hành cùng trẻ em hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, Trung thu năm nay, thành phố trích ngân sách 1 tỷ đồng để trao quà cho hơn 2.000 trẻ em là con của lực lượng tuyến đầu chống dịch, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng tổ chức, thăm hỏi, động viên trẻ em tại cơ sở điều trị, khu cách ly tập trung do dịch COVID-19.
Trung Thu năm nào chị Đặng Thị Bích Thuận, ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cũng ra cửa hàng để mua quà và bánh Trung thu tặng cho 2 con nhỏ. Năm nay do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên vợ chồng chị Thuận đã tự làm bánh và đèn lồng ông sao truyền thống để các con vui chơi tại nhà. Chị Đặng Bích Thuận cho biết, những chiếc đèn lồng tự tay làm tuy không rực rỡ nhưng các con của chị rất thích: "Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên tôi làm bánh Trung thu. Ở nhà làm quà cho các bạn nhỏ trong gia đình, các con rất là vui vì có bánh trung thu của mẹ tự tay làm".
Theo ghi nhận của PV Tuyết Lê/VOV-Miền Trung, do dịch COVID-19 nên Trung thu năm nay em Nguyễn Thị Phương Anh cũng như nhiều bạn nhỏ ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng không được tập trung để xem múa lân, rước đèn, phá cỗ như những năm trước. Dịp này, được các cô các chú ở địa phương tặng quà trị giá 500.000 đồng cùng sách vở và đồ dùng học tập nên Phương Anh cảm thấy rất vui.
"Mỗi năm, trước Tết Trung thu con được ba mẹ tặng quà, nhưng năm nay do dịch COVID-19 nên mẹ nghỉ buôn bán, còn ba đi trực tuyến đầu. Trung thu này con nhận được quà của các cô chú con rất vui". Phương Anh chia sẻ.
Tại quận Sơn Trà, có khoảng 500 trẻ em hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và con lực lượng tuyến đầu chống dịch cần được quan tâm hỗ trợ. Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em trước dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, địa phương không tổ chức các hoạt động "Đêm hội Trăng rằm" như hăng năm nhưng vẫn trao quà để các em không cảm thấy thiệt thòi trong Trung thu năm nay.
"Chúng tôi sẽ tổ chức cấp phát quà mang đến tận nhà gửi cho các cháu để cùng vui với những trẻ em khác trong tình hình dịch bệnh. Các đối tượng F0 và F1 trong các vùng cách ly y tế, chúng tôi vẫn tổ chức quà gửi vào để các cháu cùng chung hưởng trọn vẹn Trung thu, để động viên các cháu chăm lo sức khỏe để cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19", ông Hùng nói.
TP. Đà Nẵng đã trích hơn 1 tỷ đồng từ ngân sách phân bổ về các địa phương để trao quà cho 2.400 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em là con lực lượng trực nơi tuyến đầu. Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều đoàn tặng quà, động viên trẻ em tại cơ sở điều trị, cách ly tập trung trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các quận, huyện tổ chức các hoạt động vui Trung thu phù hợp với tình hình của từng địa phương, bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đặc biệt quan tâm đến trẻ em là con của những người đang ở tuyến đấu chống dịch, trẻ em tại các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly tập trung do dịch bệnh COVID-19, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng dân tộc thiểu số, con các gia đình ảnh hưởng dịch bệnh: "Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm nay địa phương không tổ chức các hoạt động Trung thu, mà tùy vào tình hình địa phương để tổ chức phù hợp. Đồng thời, chủ yếu trao quà trực tiếp cho các em, món quà rất ý nghĩa góp phần cho các em có Tết Trung thu ấm áp và vui vẻ hơn".
Dịp này, những phần quà trao yêu thương cùng các chương trình văn nghệ đã và đang được tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại các khu cách ly y tế, bệnh viện dã chiến, vùng miền núi, hải đảo. Theo PV Thái Bình/VOV-Miền Trung, tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Khánh Hòa đang diễn biến phức tạp, thế nhưng, không vì thế mà các em nhỏ không được đón Trung thu.
Những âm thanh, không khí rộn ràng đã vang lên tại chương trình "Trung thu yêu thương" do Sở Văn hóa- Thể thao phối hợp Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại khu cách y tế tập trung thuộc Trung đoàn Bộ binh 210, Sư đoàn 305, Quân khu 5 đóng tại xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa.
Lâu lắm rồi, khu cách ly y tế mới sôi động như vậy. Sân khấu tạm nhưng có phông màn, âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp được Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa dựng chính giữa sân, khán giả là những trường hợp F1 đang cách ly y tế và cán bộ, chiến sĩ đang quản lý, phục vụ khu cách ly. Nhưng đặc biệt nhất tại chương trình là có 60 khán giả là các em nhỏ đang được cách ly tại các khu cách ly trên địa bàn cũng đến tham dự.
Những bài hát về Trung thu, chị Hằng, chú Cuội và cả những bài hát ca ngợi lực lượng tuyến đầu được các nghệ sĩ biểu diễn phục vụ. Các ca sĩ, nhạc công đều phải mặc đồ bảo hộ nhưng ai cũng biểu diễn hết mình. Sau khi nghe những lời động viên của ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, các em thưởng thức văn nghệ và được tặng quà trung thu.
Em Trần Long Ẩn, học sinh lớp 9, ở xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Bà ngoại em là F0, nên em phải vô đây cách ly. 14 ngày cách ly vừa qua, em được các anh bộ đội chăm sóc rất tốt. Vô khu cách ly còn được tặng bánh trung thu, em rất vui, được tặng lồng đèn, còn được xem văn nghệ nữa".
Trung thu năm nay đến với trẻ em ở tỉnh Khánh Hòa trong bối cảnh đặc biệt, nhiều khu dân cư bị phong tỏa, cách ly. Nhiều trẻ em phải đón trung thu trong các khu cách ly y tế hay trong khu điều trị bệnh nhân F0 của bệnh viện. Đối với những khu vực miền núi, hải đảo tuy dịch bệnh ít phức tạp hơn nhưng việc đón trung thu cũng nhiều khó khăn.
Đến nay, các cơ quan, đoàn thể như: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa- Thể thao, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị hơn 3.000 phần quà để trao tặng các em.
Đây là những phần quà dành cho các em ở khu vực hải đảo, miền núi, trẻ em khuyết tật. 150 trẻ em diện F0 đang điều trị, 80 trẻ em đang cách ly tập trung, đã và đang được các cơ quan, đơn vị đến tận nơi để trao tặng quà, biểu diễn văn nghệ phục vụ.
Tại huyện "vùng xanh' Khánh Sơn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức đêm hội trăng rằm, đọc thư của Chủ tịch nước, phá cổ trung thu, tặng quà cho 1.500 em người dân tộc thiểu số miền núi.
Anh Bùi Hoài Nam, Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa cho biết, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Tỉnh đoàn chủ động triển khai vui trung thu sớm cùng sự đồng hành của các nhà hảo tâm: "Dù rằng tình hình dịch bệnh cũng đang khá phức tạp nhưng chúng tôi vẫn đem một Tết Trung cũng như không khí ấm cúng đến với các em. Để có một trung thu hết sức có ý nghĩa đặc biệt như năm nay. Mong muốn các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm để cho không có trẻ em nào không có những suất quà trung thu như các em, để cổ vũ, động viện các em".
Tại Bình Dương, chính quyền địa phương cũng hướng tới một Tết Trung thu ý nghĩa cho trẻ em giữa đại dịch COVID-19. Không có bày cỗ, rước đèn, giao lưu văn nghệ... thay vào đó tại các bệnh viện dã chiến, địa phương, gia đình tại Bình Dương tự tổ chức đêm hội trăng Rằm thật sự ý nghĩa.
Tết Trung thu năm nay, do giãn cách xã hội nên các bé phải ở nhà chống dịch. Để tạo niềm vui cho con trẻ, các gia đình ở Bình Dương đã tận dụng vật dụng có sẵn như tre, thanh nhựa, giấy màu, lon nước… làm cho các con những chiếc lồng đèn, món đồ chơi thật đặc biệt. Nhiều gia đình còn cùng con vào bếp để làm những chiếc bánh trung thu rồi cùng nhau thưởng thức bên giai điệu rộn ràng của đêm hội trăng Rằm.
Theo phản ánh của phóng viên Thiên Lý/VOV-TP.HCM, tại gia đình anh Từ Thuận Thảo, ở phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, năm nay, gia đình không đưa hai cậu con trai sinh đôi 5 tuổi đi dạo phố, mua bánh trung thu nên đã tự làm lồng đèn và bánh tại nhà.
Anh Từ Thuận Thảo nói: "Với mong muốn cho con có Tết Trung thu trọn vẹn, mình đã cùng con làm lồng đèn ông sao, rồi kể cho con nghe ngày xưa ba mẹ cũng tự làm lồng đèn như vậy. Mình cũng tự làm bánh để cùng con thưởng thức, giúp các con có một mùa Trung thu thật đặc biệt, ý nghĩa".
Đối với trẻ em đang ở khu cách ly, phong tỏa, ban đầu các em tưởng năm nay không được đón Trung thu nhưng địa phương đã phối hợp với nhà hảo tâm tặng lồng đèn, bánh kẹo để các em có điều kiện được đón đêm hội trăng Rằm ngay tại khu mình ở.
Chị Nguyễn Hồng Nga, công nhân lao động tại khu trọ ở phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương xúc động chia sẻ, những ngày gần đến Trung thu, con trai đòi mẹ mua lồng đèn, bánh trái nhưng cả nhà chỉ biết im lặng vì khu trọ đang bị phong tỏa, địa phương thì "đông cứng" làm sao đáp ứng được mong mỏi của con. Khi chính quyền địa phương xuống khu trọ tặng lồng đèn, bánh Trung thu, không chỉ các cháu vui mừng mà người làm mẹ như chị cũng rất hạnh phúc.
"Trong mùa Trung thu này, nhận được quà của các anh chị bên đoàn phường gửi cho các bé, chúng tôi cảm thấy rất là vui. Tuy là nhỏ nhưng thật sự ấm áp và vui vẻ. Chúng tôi mong rằng, dịch bệnh sớm qua đi để được đi làm và các cháu được đi học trở lại", chị Nga vui mừng chia sẻ.
Có lẽ, việc được đón Tết Trung thu ngay trong Bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung sẽ mãi là kỷ niệm khó quên đối với hàng ngàn trẻ em mắc COVID-19 ở Bình Dương thông qua Chương trình "Lồng đèn thắp sáng ước mơ - Cùng em vượt qua đại dịch" do Tỉnh đoàn Bình Dương phối hợp các nhà hảo tâm tổ chức. Trong lớp áo bảo hộ các bạn tình nguyện viên của Tỉnh đoàn đã đem những phần quà gồm bánh, lồng đèn vận động được đến với các em nhỏ. Song song đó, các em còn được thưởng thức chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” do các anh chị tình nguyện viên biểu diễn và tham gia đố vui trúng thưởng.
Anh Trần Bảo Lâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đội tỉnh Bình Dương cho biết, Tết Trung thu năm nay, Hội Đồng đội Trung ương hỗ trợ Bình Dương 500 phần quà cho trẻ em khó khăn. Riêng, Tỉnh đoàn đã vận động thêm 12.000 phần quà cho trẻ em mắc COVID-19 và bị ảnh hưởng của dịch bệnh: "Mình đến thăm, tặng quà và trao đổi trực tiếp với các em thông qua bộ đồ bảo hộ. Thông qua những hoạt động này cũng góp phần chia sẻ những thiếu thốn của các em. Để cho các em có một mùa Trung thu, mặc dù đang dịch bệnh với các phần quà, gồm lồng đèn, bánh Trung thu".
Có thể thấy, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bình Dương đang phải "gồng mình" chống dịch nhưng vẫn có những hoạt động thiết thực, ý nghĩa giúp cho các em thiếu nhi có một mùa Trung thu tràn đầy ấm áp và nghĩa tình. Để từ đó, các em và gia đình vững tin vượt qua khó khăn, cùng nhau góp sức chống lại đại dịch COVID-19./.