Trẻ em trước bạo lực súng đạn
Bạo lực súng đạn phổ biến ở Mỹ đã lấy đi mạng sống của nhiều người. Nhưng nhiều người Mỹ vẫn bảo vệ quyền mang vũ khí của họ, quyền này cũng được ghi trong Hiến pháp Mỹ là bất khả xâm phạm. Nhiều ý kiến cho rằng, quyền sử dụng súng đang đe dọa một quyền khác: Quyền được sống.
Gia tăng xả súng ở trường học
Khó có thể tưởng tượng được một khung cảnh nào đau lòng hơn khi chứng kiến những gì xảy ra ở vụ xả súng gần đây nhất hôm 28/3 tại Trường tiểu học tư thục Covenant ở Nashville, bang Tennesse (Mỹ). Một nhóm trẻ em được các sĩ quan cảnh sát hướng dẫn chạy trốn khỏi ngôi trường mới nhất bị tấn công bởi thảm kịch xả súng. Giờ đây, Nashville đã gia nhập danh sách các thành phố khét tiếng bởi nạn xả súng hàng loạt.
3 học sinh 9 tuổi - Evelyn Dieckhaus, Hallie Scruggs và William Kinney - bị một tay súng trang bị 2 loại vũ khí kiểu AR và một khẩu súng lục bắn. 3 nhân viên của nhà trường cũng thiệt mạng trong vụ xả súng.
Tất cả họ đều bị sát hại ở trường học nơi lẽ ra là an toàn nhất. Tuy nhiên, một loạt các vụ xả súng trường học gần đây cho thấy, không nơi nào thực sự an toàn. Đó là lý do tại sao hàng triệu phụ huynh thường đưa con đến trường với tâm trạng bất an về việc liệu trường học của con họ có phải nạn nhân tiếp theo hay không.
Mối quan hệ của Mỹ đối với quyền sở hữu súng là duy nhất trên thế giới và văn hóa sử dụng súng của nước này cũng là một ngoại lệ toàn cầu. Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có số lượng vũ khí cá nhân (vũ khí thuộc sở hữu cá nhân) nhiều hơn số dân. Theo Cơ quan Khảo sát Vũ khí nhỏ (SAS) có trụ sở tại Thụy Sĩ, cứ 100 người Mỹ thì có tới 120 khẩu súng.
Theo dữ liệu từ Tổ chức phi lợi nhuận Lưu trữ Bạo lực Súng đạn (GVA), vụ xả súng kinh hoàng ở Nashville nằm trong số ít nhất 131 vụ xả súng hàng loạt từ đầu năm đến nay, khiến 4.245 người đã thiệt mạng trong đó có 59 trẻ em dưới 12 tuổi – nhiều hơn bất kỳ năm nào trước đó kể từ năm 2013. Những sự kiện như vậy đang diễn ra thường xuyên, đến mức có một số trường hợp những người sống sót sau một sự kiện như vậy lại tiếp tục trở thành nạn nhân của sự kiện tiếp theo.
Đáng chú ý, dữ liệu của GVA cho thấy, năm 2022, có tổng cộng 647 vụ xả súng hàng loạt được ghi nhận ở Mỹ.
Siết lại luật
Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc đưa ra luật nhằm giảm thiểu tử vong liên quan đến súng đã đạt được những thay đổi đáng kể.
Sau một thập kỷ bạo lực súng đạn, đỉnh điểm là vụ thảm sát ở Port Arthur năm 1996, đã khiến chính phủ Australia phải hành động. Chưa đầy 2 tuần sau vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất ở Australia, chính phủ liên bang đã thực hiện một chương trình mới, cấm súng trường bắn nhanh và súng ngắn, đồng thời thống nhất việc cấp phép và đăng ký chủ sở hữu súng trên toàn quốc. Trong 10 năm sau đó, số người chết vì súng ở Australia đã giảm hơn 50%.
Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy, chương trình mua lại súng năm 1997 của Chính phủ Australia đã làm giảm tỷ lệ tự sát bằng súng trung bình là 74% trong 5 năm sau đó.
Các quốc gia khác cũng đang cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn sau khi thay đổi luật về sở hữu súng đạn của họ. Ở Nam Phi, số ca tử vong liên quan đến súng gần như giảm một nửa trong khoảng thời gian 10 năm sau khi luật mới về súng được ban hành, Đạo luật Kiểm soát Vũ khí năm 2000, có hiệu lực vào tháng 7/2004. Các luật mới khiến việc mua súng trở nên khó khăn hơn nhiều.
Ở New Zealand, luật về súng đã nhanh chóng được sửa đổi sau vụ xả súng ở nhà thờ Hồi giáo Christchurch năm 2019. Chỉ 24 giờ sau vụ tấn công khiến 51 người thiệt mạng, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố sẽ thay đổi luật. Quốc hội New Zealand đã bỏ phiếu nhất trí sửa đổi luật về sở hữu súng đạn của nước này chưa đầy một tháng sau đó, cấm tư nhân sử hữu tất cả các loại vũ khí quân dụng bán tự động.
Nước Anh thắt chặt luật súng và cấm hầu hết các tư nhân sở hữu súng ngắn sau một vụ xả súng hàng loạt vào năm 1996.
Vào tháng 8/2021, một người được cấp phép sử dụng súng đã giết chết 5 người ở Plymouth, Anh, đã đánh dấu vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất kể từ năm 2010. Sau vụ việc, cảnh sát cho biết, giấy phép sử dụng súng của tay súng đã được trả lại cho anh ta chỉ vài tháng sau khi bị thu hồi.
Chính phủ Anh sau đó đã yêu cầu cảnh sát xem xét lại các hoạt động cấp phép của họ và nói rằng, sẽ đưa ra hướng dẫn mới để cải thiện các thủ tục lý lịch, bao gồm cả việc kiểm tra thái độ cá nhân trên phương tiện truyền thông xã hội.
Như vậy, có thể thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã giải quyết bạo lực súng đạn một cách hiệu quả. Tuy nhiên, bất chấp hàng nghìn người thiệt mạng ở Mỹ, chỉ có khoảng một nửa số người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ việc siết chặt các quy định về sở hữu súng và như thế, những cải cách vẫn còn bế tắc. Chu kỳ bạo lực chết chóc ở Mỹ dường như vẫn tiếp diễn.
Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Quốc hội nước này thông qua việc áp dụng trở lại luật cấm vũ khí sát thương. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden cho rằng, cần tăng cường hành động để ngăn chặn bạo lực súng đạn đang gây tổn thương sâu sắc trong các cộng đồng cư dân. Những biện pháp này đều cần được Quốc hội Mỹ thông qua. Luật cấm vũ khí sát thương từng được áp dụng tại Mỹ từ năm 1994-2004.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tre-em-truoc-bao-luc-sung-dan-5713577.html