Trẻ em: Tương lai bền vững cần được bao bọc

'Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai', không chỉ là tựa đề của một bài hát về thiếu nhi mà còn là một thông điệp nhắc nhở công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em cần được thực hiện mọi lúc, mọi nơi để tất cả trẻ em đều có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp.

Bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em được nhiều quốc gia coi là một trong những ưu tiên hàng đầu. (Nguồn: UNICEF)

Từ lâu, việc bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em đã được nhiều quốc gia coi là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Theo đó, ngày 12/11/1989, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Công ước LHQ về Quyền trẻ em (CRC) – một bộ luật quốc tế và là cam kết mang tính lịch sử cho trẻ em. Đến nay, Công ước về Quyền trẻ em đã được 196 quốc gia phê chuẩn, trở thành một văn kiện về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử.

Cá nhân với những quyền riêng của mình

CRC gồm 54 điều, khoản với nội dung xuyên suốt là yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho tất cả trẻ em được chăm sóc, bảo vệ, lớn lên trong môi trường an toàn, tham gia vào các hoạt động xã hội.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, CRC cho rằng, trẻ em không chỉ là một con người bé nhỏ thuộc về cha mẹ hoặc thuộc về người lớn trong quá trình trưởng thành của các em. Hơn hết, các em còn là con người, là cá nhân với những quyền của riêng mình.

Công ước quy định tuổi thơ là thời kỳ đặc biệt, khác với giai đoạn trưởng thành của con người và giai đoạn này kéo dài đến 18 tuổi. Trong thời kỳ đặc biệt này, trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc, học tập, vui chơi để phát triển hết tiềm năng của mình. Công ước yêu cầu phải đảm bảo cho tất cả trẻ em không bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào, được hưởng các dịch vụ xã hội, được bảo vệ, được lớn lên trong môi trường an toàn, vệ sinh, được hỗ trợ, được chăm sóc và được lắng nghe, cũng như được tham gia vào các hoạt động xã hội.

Tuổi thơ và thách thức

Ba mươi năm trôi qua, những điều được quy định trong CRC vẫn có giá trị thực tiễn. Thế nhưng, cho dù CRC đã đạt được sự phê chuẩn của gần như toàn cầu thì tại nhiều nơi, quyền của hàng triệu trẻ em vẫn chưa thực sự được thực hiện một cách đúng mực.

“Thế hệ trẻ em của ngày hôm nay đang phải đối mặt với một loạt những thách thức và chuyển đổi toàn cầu mà cha mẹ các em không mường tượng được. Khí hậu biến đổi đến mức khó nhận thấy, bất bình đẳng ngày càng sâu sắc. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Hiện có nhiều gia đình di cư hơn bao giờ hết. Tuổi thơ các em đã thay đổi và chúng ta cũng cần thay đổi cách tiếp cận” - bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF viết trong bức thư ngỏ nhân dịp kỷ niệm 30 năm CRC đăng ngày 18/9.

Thế giới đang ngày một quan tâm và cam kết về quyền trẻ em, nhưng thực tế, xu hướng này phát triển không đồng đều, nhất là tại các quốc gia nghèo và các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột vũ trang.

Cho tới ngày hôm nay, vẫn còn hàng triệu trẻ em trên thế giới bị đói, suy dinh dưỡng, mắc các căn bệnh hiểm nghèo mà không được chữa trị hoặc tính mạng gặp nguy hiểm. Ngoài ra, trẻ em trong những khu vực xung đột có thể phải chịu bạo lực tình dục khủng khiếp, gây ra chấn thương tâm lý và thể chất lâu dài. Số trẻ em bị buôn bán tăng gấp đôi trong giai đoạn năm 2004-2016. Hầu hết các em bị bán để khai thác tình dục, lao động hoặc làm lính trẻ em. Các bé gái có nguy cơ buộc phải kết hôn sớm, bị khai thác và lạm dụng tình dục. Tại một số nơi, các bé gái vẫn bị phân biệt đối xử với các bé trai, nhiều em không được đến trường, bị bỏ đói và bóc lột sức lao động.

Ngay cả những thành phố lớn và phát triển cũng không phải là hoàn toàn an toàn đối với trẻ em. Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm bẩn, biến đổi khí hậu, các dịch bệnh tưởng như đã tuyệt chủng ở những thành phố lớn nay đã quay lại do phong trào bài vaccine… và rất nhiều nguyên nhân khác cũng gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ em.

Những thông tin sai lệch từ internet làm tăng nguy cơ trẻ bị dụ dỗ, xâm hại với các hình thức khác nhau. Kết quả của việc này là có thể tạo ra một thế hệ công dân hoàn toàn không tin vào cái gì cả. Ngoài ra, bệnh tâm thần trong vị thành niên đang tăng lên và trầm cảm là một trong những nguyên nhân chính gây khuyết tật ở người trẻ tuổi.

Việt Nam với quyền trẻ em

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn CRC vào năm 1990. Trong suốt ba thập niên qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên đất nước.

Vào những ngày 16-17/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UNICEF để tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, gồm Lễ kỷ niệm, triển lãm ảnh Thắp sáng nụ cười Việt nam, Khai trương thư viện tìm hiểu Công ước về Quyền trẻ em (tại Cung thiếu nhi Hà Nội), các sân chơi tìm hiểu về Công ước về Quyền trẻ em.

Điều này được thể hiện nhất quán trong Hiến pháp, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế của trẻ em, phù hợp với CRC và chuẩn mực quốc tế khác về quyền con người, quyền trẻ em.

Trong nhiều năm qua, mặc dù kinh tế-xã hội còn khó khăn, Việt Nam vẫn luôn dành cho trẻ em sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm ¾. Hơn bảy triệu trẻ em đã được tiêm chủng và tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và kiểm soát được bệnh sởi. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi giảm một nửa. Các lĩnh vực như nước sạch và vệ sinh môi trường cho trẻ em cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.

Về giáo dục, Việt Nam đạt mốc phổ cập tiểu học với cơ hội học hết bậc học này của bé trai và bé gái là như nhau. 95% trẻ em nhập học đúng tuổi, nhờ đó, số trẻ em được đến trường đạt kỷ lục trong lịch sử.

Về hành lang pháp lý, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 là một bước tiến bộ về bảo đảm quyền trẻ em, với một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em. Tiếp theo, các điều khoản trong Hiến pháp, Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em.

Việt Nam hiện đang đối mặt với “những thách thức ở chặng cuối cùng” trong việc không để lại bất cứ trẻ em hay người chưa thành niên nào ở lại phía sau. Những cam kết của năm 1989 chỉ có thể được hoàn thành khi tất cả các Chính phủ và các công dân đề cao quyền trẻ em. Đồng thời, tất cả các em đều có thể đề xuất ý kiến, nguyện vọng thực hiện quyền của mình. Việt Nam cần phải giải quyết một cách dứt điểm những vấn đề trên để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của LHQ nhằm giúp kinh tế, xã hội nước nhà phát triển đúng hướng.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho rằng, trước những nguy cơ, thách thức hiện hữu, tất cả các bên liên quan cần biến cam kết thành hành động mạnh mẽ hơn. Trước hết, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, như: Xem xét nâng độ tuổi trẻ em từ đủ 16 tuổi lên 18 tuổi; đưa ra quy định rõ ràng hơn để bảo vệ trẻ khỏi mọi hình thức xâm hại…

Với vai trò quản lý nhà nước về công tác trẻ em, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng, phổ biến rộng rãi tài liệu tập huấn về quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. Với sự nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía, các quyền của trẻ em sẽ được thực thi ngày càng tốt hơn; không có trẻ nào bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển.

Duy Quang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tre-em-tuong-lai-ben-vung-can-duoc-bao-boc-104902.html