Trẻ em Việt Nam thiếu 50% nhu cầu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn mỗi ngày
Bữa ăn của trẻ em Việt Nam mới đáp ứng 50% nhu cầu một số vi chất dinh dưỡng hằng ngày. Điển hình là tình trạng thiếu kẽm và sắt..., Khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) vừa cho biết.
Trẻ em Việt Nam điển hình thiếu sắt và kẽm
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2019 - 2020, trên toàn quốc có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ thiếu sắt, đặc biệt thiếu kẽm thường đi đôi thiếu sắt và ngược lại. Nghiên cứu của Tổ chức Dinh dưỡng Đông Nam Á cũng cho biết, bữa ăn hằng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất, điển hình là kẽm và sắt.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Chủ nhiệm Bộ môn Nhi - Đại học Y Hà Nội, cho biết: Dinh dưỡng đóng vai trò là "chìa khóa" quan trọng đối với nền tảng sức khỏe nói chung và sức khỏe miễn dịch nói riêng. Do đó, can thiệp dinh dưỡng là phải áp dụng cả vòng đời, nếu đợi đến khi mắc bệnh mới "chăm chút" dinh dưỡng và bổ sung là không kịp thời.
Hiện, nhiều dịch bệnh có xu hướng gia tăng, thì tăng cường miễn dịch là yếu tố cốt lõi để nâng cao sức khỏe. Trẻ em càng nhỏ tuổi thì càng dễ bị ốm, dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, việc nuôi dưỡng hệ miễn dịch mỗi ngày, sẽ giúp nâng cao sức khỏe, hỗ trợ cơ thể sẵn sàng đối phó hiệu quả với các mầm bệnh, giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, rút ngắn thời gian đau ốm nếu không may mắc bệnh.
Vai trò của sắt và kẽm đối với hệ miễn dịch
BSCKII.Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch hội Dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh cho biết: Vi chất dù chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng lại đóng vai trò vô cùng to lớn với cơ thể. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, khiến hệ miễn dịch suy yếu dần, ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Đó là lý do vì sao, thiếu vi chất còn được gọi là "nạn đói tiềm ẩn" gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ. Vì thế, các chiến lược trong thời gian tới phải nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng - điển hình là kẽm và sắt là một vấn đề cần được tiếp tục quan tâm trong năm 2023.
Cùng với sắt thì kẽm cũng đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch. Vì kẽm vừa là thành phần, vừa là chất xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch (miễn dịch tế bào, miễn dịch thích ứng), từ đó tạo một hệ thống "phòng thủ" hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, chống lại bệnh nhiễm trùng.
Một số biểu hiện liên quan đến thiếu sắt, kẽm ở trẻ:
Biếng ăn
Hay bị bệnh vặt
Suy giảm sức đề kháng
Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt
Móng tay, móng chân mỏng, dẹt, dễ gãy
Mệt mỏi, thiếu tâp trung
Rối loạn giấc ngủ
Chậm phát triển chiều cao
Dễ mắc các bệnh về da như mẩn ngứa, dị ứng
Tại hội nghị 'Xu hướng ứng dụng bổ sung vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm bổ sung nhằm chủ động nâng cao sức khỏe' do Liên chi hội dinh dưỡng, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tổ chức, BSCKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp khẳng định: Bổ sung kẽm và sắt đầy đủ mỗi ngày cũng nằm trong ứng dụng bổ sung vi chất để nâng cao hệ miễn dịch và giúp trẻ phát triển toàn diện là xu hướng tăng nhanh, không chỉ ở Việt Nam mà còn là của toàn cầu.
Theo đó, để phòng ngừa thiếu vi chất cho trẻ, cần chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối và phù hợp cá thể ngay từ khi mới ra đời, chứ không nên để đến khi có nguy cơ mắc các rối loạn dinh dưỡng hoặc mắc bệnh liên quan đến dinh dưỡng mới quan tâm.