Trẻ ho kéo dài không rõ nguyên nhân: cảnh giác với dị vật đường thở

Hóc dị vật đường thở là tình trạng cấp cứu thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở lứa tuổi dưới 5 tuổi do đặc điểm tâm lý tò mò và thói quen đưa đồ vật vào miệng. Việc chẩn đoán có thể gặp nhiều khó khăn khi dị vật trong suốt hoặc không cản quang, dẫn đến điều trị chậm trễ và nguy cơ cao xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.

Chiếc bóng đèn led được gắp ra khỏi phế quản bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Chiếc bóng đèn led được gắp ra khỏi phế quản bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân Y.S.Niê, SN 2019, nhập viện Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì lý do ho kéo dài và khó thở tăng dần. Qua khai thác bệnh sử, trẻ xuất hiện ho kéo dài khoảng 1 tháng và đã được điều trị ở nhiều nơi nhưng không đỡ. Đáng chú ý là trẻ không có tiền sử rõ ràng về hội chứng xâm nhập như sặc, ho đột ngột sau ăn hoặc chơi. Các triệu chứng ho ngày càng nhiều và khó thở tăng dần, đặc biệt nghiêm trọng vào ban đêm, khiến gia đình phải đưa trẻ nhập viện.

Khi khám lâm sàng, trẻ tỉnh táo, môi hồng, có biểu hiện khó thở nhẹ với nhịp thở 40 lần/phút và có dấu hiệu rút lõm ngực nhẹ. Khi nghe phổi, bác sĩ phát hiện ran rít, ran ngáy nhiều, đặc biệt rõ ở phổi phải. Kết quả X-quang phổi cho thấy nghi ngờ có hình ảnh dị vật cản quang nhỏ, kèm theo dấu hiệu xẹp phổi khu trú và tăng sáng phổi phải, gợi ý tình trạng tắc nghẽn một phần đường thở.

Với các dấu hiệu nghi ngờ trên, trẻ được chỉ định gây mê nội khí quản và tiến hành nội soi phế quản. Kết quả, phát hiện dị vật là một đèn LED nhỏ trong suốt nằm ở phế quản thùy dưới phổi phải, gây viêm nhiễm và bít tắc một phần. Dị vật đã được gắp ra thành công. Tuy nhiên, do tình trạng tắc nghẽn kéo dài, trẻ vẫn còn viêm phổi nặng sau khi gắp dị vật. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị tại khoa Nhi Tổng hợp với phác đồ kháng sinh, thở oxy hỗ trợ và được theo dõi sát diễn biến hô hấp.

Theo các bác sĩ, trường hợp này cho thấy việc chẩn đoán hóc dị vật trong suốt là rất khó khăn, đặc biệt khi trẻ không có hội chứng xâm nhập điển hình. X-quang thông thường thường không phát hiện được dị vật không cản quang, do đó cần kết hợp các phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến như CT scan và nội soi phế quản khi có nghi ngờ.

Đối với trẻ nhỏ có viêm phổi kéo dài không đáp ứng với điều trị kháng sinh, nên nghĩ đến khả năng có dị vật đường thở, dù không có tiền sử rõ ràng. Nội soi phế quản vẫn được xác định là phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất trong các trường hợp nghi ngờ dị vật đường thở.

Trường hợp này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghĩ đến dị vật đường thở khi trẻ ho kéo dài không rõ nguyên nhân, đặc biệt với các dị vật không cản quang như nhựa, thủy tinh hoặc kim loại trong suốt. Các bác sĩ khuyến cáo, khi người dân phát hiện trẻ nhỏ có dấu hiệu bất thường về hô hấp, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nặng nề, đảm bảo an toàn cho trẻ và giảm thiểu các tổn thương có thể xảy ra do dị vật đường thở gây ra.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tre-ho-keo-dai-khong-ro-nguyen-nhan-canh-giac-voi-di-vat-duong-tho-414589.html