Trẻ hóa bệnh tim mạch
Trong những năm gần đây, xu hướng trẻ hóa các bệnh liên quan tới tim mạch và mạch máu não. Theo công bố của Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 4 người trên 25 tuổi, có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này ở mức rất cao.
Nhiều người dưới 30 tuổi đã bị bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch đã và đang là gánh nặng cho xã hội với tỉ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy có đến 17,5 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh liên qua đến tim mạch và con số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều. Cứ 3 người chết do bất kỳ nguyên nhân gì thì có 1 người chết do bệnh lý tim mạch.
“Xu hướng trẻ hóa các bệnh liên quan tới tim mạch và mạch máu não ở độ tuổi từ 20 - 29 tăng cao, chiếm 15,3%, từ 41 – 45 tuổi chiếm 41,1%. Bệnh tim mạch là căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam” - đó là thông tin được các chuyên gia tim mạch cảnh báo tại buổi Tọa đàm hưởng ứng Ngày tim mạch thế giới tại Viện Tim mạch Quốc gia.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 520.000 trường hợp tử vong do nguyên nhân bệnh tật, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%; như vậy, tính trung bình cứ 10 người chết thì có 7 trường hợp chết bởi bệnh không lây nhiễm (trong đó có bệnh về tim mạch).
Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch não… thì nay, bệnh tim mạch đã xuất hiện ở những người 30 – 40 tuổi, thậm chí có những người bệnh chỉ dưới 30 tuổi. Không ít trong số đó tử vong do nhồi máu cơ tim.
Bệnh lý tim mạch có thể chia thành hai nhóm chính, đó là nhóm bệnh liên quan đến bệnh lý bẩm sinh (bệnh tim bẩm sinh) hoặc nhiễm trùng (bệnh lý van tim do thấp tim, tức là bệnh tự miễn bởi căn nguyên là do nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A)…
Nhóm thứ hai là bệnh tim mạch không lây nhiễm liên quan đến bệnh lý do xơ vữa động mạch như bệnh lý động mạch vành, động mạch não, động mạch ngoại biên…
Đặc biệt, hiện nay nhóm bệnh lý thứ nhất có xu hướng giảm, trong khi nhóm bệnh lý thứ hai đã và đang trở thành nguyên nhân hàng đầu về tỷ lệ người mắc cũng như tỷ lệ tử vong.
Đối tượng có nguy cơ thường gặp nhất là những người thừa cân, béo phì, vòng bụng lớn, có rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và đặc biệt là bệnh nhân hút thuốc lá. Chế độ ăn uống của người trẻ không được cân bằng, ngày càng sống nhiều về đêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ...
Làm thế nào để phòng tránh?
Vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh tim mạch và có loại thuốc tim mạch nào giúp phòng ngừa đột quỵ hay không?
Bệnh tim mạch xuất hiện nhiều ở người thừa cân do lượng mỡ trong máu cao gây xơ vữa động mạch. Dù lứa tuổi nào cũng cần hạn chế các loại mỡ bão hòa và mỡ chiên đi chiên lại. Người dân nên sử dụng các loại “mỡ thân thiện”, như mỡ chưa bão hòa đơn có trong dầu ô-liu, dầu thực vật, mỡ chưa bão hòa tổng hợp có trong các loại hạt như: vừng, lạc, đậu đỗ…
Để bảo đảm sức khỏe của mình, mọi người, nhất là người cao tuổi nên chọn thực phẩm có mỡ thấp như: sữa tách béo, thịt gà bỏ da, thịt bò, thịt cừu, cá các loại, đậu đỗ, nhất là đậu nành, đây là nhóm thực phẩm có thể cung cấp nguồn protein có hàm lượng mỡ thấp.
Nhóm thực phẩm giàu protein cần tránh có sữa nhiều béo, nội tạng, lòng đỏ trứng, thịt nhiều mỡ, sườn lợn, thịt ba chỉ, thịt tẩm bột chiên, nội tạng động vật, các thức ăn nhanh như: gà rán, pizza… Nếu hạn chế được những chất béo này sẽ giúp hạn chế bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao do cholesterol xấu tích tụ trong thành mạch máu và phát sinh cơn đột quỵ, đau tim do máu không lưu thông được lên tim, lên não.
Rau xanh, hoa quả tươi được xem là nguồn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất có hàm lượng calo thấp và còn rất giàu chất xơ rất có lợi cho hệ thống tim mạch cũng như sức khỏe chung của con người. Hạn chế ăn dưa cà, rau xanh chế biến mặn, hoa quả đóng hộp… bởi có hàm lượng đường, muối cao.
Những thực phẩm nguyên chất cung cấp chất xơ, dinh dưỡng có tác dụng điều hòa huyết áp, giảm bệnh tim mạch và được xem là nhóm thực phẩm hữu ích cho những người mắc bệnh tim mạch.
Một trong những lợi thế của việc ăn nhạt, giảm muối là hạn chế nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. AHA khuyến cáo người lớn khỏe mạnh không nên ăn quá 2,3g muối/ngày (khoảng 1 thìa cà phê).
Đối với thuốc lá, các bác sĩ tim mạch luôn cấm tuyệt đối bệnh nhân sử dụng vì đây chính là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch thiếu máu não, nhồi máu cơ tim và thậm chí suy tim. Bác chuyên gia khuyên bạn nên bỏ thuốc lá nếu như phát hiện mình bị bệnh tim.
Vận động, giấc ngủ cũng là “bài thuốc” quan trọng để giữ gìn sức khỏe tim mạch của mình. Theo các chuyên gia y tế, có thể dễ dàng cắt giảm tới 14% nguy cơ tử vong vì tai biến tim mạch như đau tim, đột quỵ cho dù trong người đang có bệnh, chỉ nhờ bài tập đi bộ cực dễ 15 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Những người bệnh tim có lối sống ít vận động có nguy cơ tử vong cao gấp 87% những người siêng tập luyện.
Các nhà khoa học phát hiện, đi ngủ trong khoảng “giờ vàng” từ 10 tới 11 giờ hằng đêm sẽ giúp bạn giảm tới 25% nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Sau khi phân tích dữ liệu từ hơn 88.000 người ở độ tuổi từ 43 tới 74, nghiên cứu của Đại học Exeter (Anh) cho thấy lên giường sau nửa đêm có thể gây hại cho tim.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tre-hoa-benh-tim-mach-post422815.html