'Trẻ hóa' Nhà máy Đạm Cà Mau: Không chỉ là 'chiếc áo mới'!
Vào Nhà máy Đạm Cà Mau, người ta không thể tưởng tượng đây là nhà máy đã trải qua 10 năm hoạt động bởi trước mắt là một nhà máy sạch sẽ, bóng loáng như mới!
1. Khi bạn ở trong một ngôi nhà hoen ố, xuống cấp vì thời gian dài không sửa chữa, chuyện gì sẽ xảy ra? Đầu tiên, đó là mất an toàn với đủ thứ từ chập điện, cháy nổ,… Thứ hai, đó là về mặt tinh thần, ở trong một ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp bao giờ cũng chán hơn so với việc được sống trong ngôi nhà mới. Chắc chắn là như vậy! Đối với một nhà máy, câu chuyện cũng gần như tương tự.
Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động đến nay tròn 10 năm. Đó là thời gian không phải quá dài, nhưng đủ để nắng mưa, sương gió làm hoen ố, rỉ sét lớp vỏ bên ngoài của các máy móc, thiết bị. Đứng trước thực tế đó, bắt đầu từ khoảng 4 năm trước, anh em vận hành nhà máy đã đưa ra ý tưởng tạm gọi là “trẻ hóa” nhà máy bằng cách tiến hành sơn sửa lại bề mặt máy móc thiết bị có dấu hiệu bị xuống cấp do quá trình ăn mòn. Từ đó cho đến nay, đều đặn hằng năm, đội ngũ duy tu bảo dưỡng nhà máy cũng thực hiện công tác này, trung bình khoảng 8-10 nghìn m2/năm.
Anh Đặng Quang Hùng, Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau cho biết, song song với việc "trẻ hóa" nhà máy từ bên trong thông qua đợt bảo dưỡng tổng thể định kỳ hằng năm, việc "trẻ hóa" bên ngoài bằng việc việc sơn sửa bề mặt các đường ống, thiết bị máy móc cũng đặc biệt quan trọng, giúp nhà máy luôn duy trì trạng thái mới. Hơn nữa, lớp sơn bên ngoài như tấm áo giáp bảo vệ bề mặt thiết bị, nếu duy trì tốt, tuổi thọ thiết bị sẽ được tăng lên. Ngược lại, khi bề ngoài thiết bị hoen rỉ mà không được sơn sửa kịp thời sẽ gây hỏng cả thiết bị; càng về sau chi phí sửa chữa, thay thế càng lớn.
Kế đến là vấn đề an toàn. Khi tình trạng bề mặt thiết bị không được kiểm soát tốt, sự ăn mòn xảy ra sẽ dễ dẫn đến hiện tượng rò xì. Hơn nữa, nếu bề mặt không sạch sẽ, khi có hiện tượng rò xì xảy ra cũng khó có thể phát hiện kịp thời bằng mắt thường. Những điều này đều dẫn đến rủi ro cao trong vận hành nhà máy.
Việc sơn sửa bên ngoài được lên kế hoạch hằng năm với đội ngũ duy tu, bảo dưỡng được duy trì khoảng 56 người, gồm CBCNV Nhà máy và cả thuê lao động địa phương. Việc duy trì đội ngũ “trẻ hóa” nhà máy này đạt được nhiều mục tiêu, ý nghĩa: vừa giúp Nhà máy tiết kiệm rất lớn chi phí sơn sửa, bảo dưỡng thiết bị, vừa tạo ra việc làm ổn định lâu dài cho lao động địa phương, đồng thời tạo sự gắn kết bền chặt hơn của đội ngũ vận hành với Nhà máy. Khi anh em tự tay chăm sóc thiết bị, máy móc mình vận hành luôn có thái độ khác, sẽ cảm thấy đó là thiết bị gắn với mình và tự có trách nhiệm duy trì nó một cách tốt nhất. Cho nên ở nhiều vị trí máy móc, thiết bị, lãnh đạo Nhà máy còn cho gắn tên người thực hiện duy tu bảo dưỡng lên đó, vừa tạo sự gắn kết, vừa là niềm tự hào với anh em...
2. Và phải nói rằng, ngoài ý nghĩa về mặt an toàn vận hành Nhà máy thì việc “trẻ hóa” nhà máy còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt tinh thần, về xây dựng nét đẹp văn hóa ở Phân bón Cà Mau. Như đã nói, bạn sẽ cảm thấy chán khi phải ở trong một ngôi nhà hoen ố, xuống cấp. Cũng vậy, khi vào một nhà máy cũ kỹ, điều đầu tiên là bị mất tinh thần, từ đó sẽ dẫn đến hiệu quả làm việc kém. Đó là chưa kể, khi không thường xuyên làm mới nơi mình đang sống hay nhà máy mình đang làm việc, dẫn đến tâm lý không quý trọng cái mình đang có và tạo ra thành văn hóa thờ ơ. Điều này là mối nguy lớn trong một gia đình, một tổ chức.
Khi bạn đến một nơi sạch - đẹp, hẳn phải là người có tâm hồn cằn cỗi đến thế nào mới có thể vứt rác vào đó, còn không, người ta không những không vứt rác mà còn giúp nhặt rác. Đây cũng chính là ý nghĩa tuyệt vời bởi từ những điều tưởng nhỏ này sẽ tạo văn hóa văn minh, chuyên nghiệp. Khi đó, mỗi người khi ra công trường làm việc đều sẽ có ý thức dọn dẹp sạch sẽ sau khi hoàn thành, từ đó giúp nhà máy lúc nào sạch đẹp. Ngược lại, chỉ cần một số người thiếu ý thức, không bao lâu công trường nhà máy thành một bãi rác!
Nhắc đến đây lại nhớ trong một lần đi công tác Cà Mau, ngang qua Hậu Giang, tôi bắt gặp một cánh đồng rất đẹp. Đó là cánh đồng lúa trải dài tận chân trời và hai bên bờ hoa bướm nở vàng. Được biết, đó là mô hình “ruộng lúa bờ hoa” đã được nhiều nơi ở miền Tây Nam bộ áp dụng.
Mô hình này giúp hạn chế sâu bệnh rất hiệu quả. Một anh nông dân nói, mỗi vụ giảm khoảng 5 lần phun thuốc. Nhưng điều tuyệt vời hơn nữa là bờ ruộng của anh giờ đây không còn rác thải, không còn những vỏ hộp thuốc BVTV bị người ta vứt lung tung như trước nữa! Nếu nhà khoa học chứng minh được rằng trồng hoa quanh ruộng giúp giảm sâu hại, thì anh nông dân cũng đã chứng minh được rằng, đi thăm đồng trên một bờ đầy hoa làm tâm hồn con người ta trở nên đẹp đẽ hơn vô cùng!
Ở Nhà máy Đạm Cà Mau, không chỉ máy móc, thiết bị mà cả những container nhà ở vốn là chỗ nghỉ ngơi của anh em vận hành trong nhà máy lúc nào cũng được mang trên mình một chiếc áo tươi tắn. Bên cạnh màu sơn mới hài hòa, bắt mắt, anh em còn trồng xung quanh đó những cây xanh, những khóm hoa rực rỡ…
Anh Hùng có lần chia sẻ rằng, mọi người cảm nhận đó không chỉ đơn thuần là nơi làm việc mà như ngôi nhà của họ. Họ đến đó còn là để sống, để cống hiến và cả hưởng thụ. Anh khẳng định, chính văn hóa làm việc này đã tạo ra động lực rất lớn cho sự đoàn kết, đồng lòng, từ đó tạo nên sức mạnh giúp Nhà máy nói riêng và PVCFC nói chung luôn đứng vững vàng trước giông tố của thời cuộc, thị trường!