Trẻ khuyết tật được lên lớp không phải vì 'bệnh thành tích'
Một số dư luận cho rằng vì bệnh thành tích trong giáo dục nên em học sinh tại xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới lên tới lớp 7 vẫn không biết chữ. Nhưng thực chất đây là học sinh khuyết tật, đang học tập theo phương pháp giáo dục hòa nhập.
Những ngày qua, dư luận quan tâm đến trường hợp cháu Nguyễn Đức D sinh năm 2011, chuẩn bị vào lớp 7 của Trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, nhưng chưa biết chữ. Có thông tin cho rằng để xảy ra trường hợp này là do căn bệnh chạy theo thành tích của ngành giáo dục.
“Nói như vậy là có phần vội vàng”- ông Lê Ngọc Quyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới nhận định. Sự thật em D. là trẻ khuyết tật về trí tuệ, có giấy chứng nhận và hồ sơ quản lý của ngành chức năng. Em đang được học tập tại Trường THCS Nông Hạ theo hình thức giáo dục hòa nhập; được hưởng các chế độ ưu tiên dành cho trẻ khuyết tật thông qua nhà trường, theo Thông tư số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 của liên bộ về quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật, đến hết học kỳ 1 năm lớp 6. Sang học kỳ 2 lớp 6, gia đình em thoát nghèo nên học sinh này không được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định nữa nhưng em D. vẫn được nhà trường kèm cặp theo diện học sinh khuyết tật.
Ông Lâm Tiến Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Mới cho biết thêm: Quá trình học tập, từ lớp 1 cháu D. đã có biểu hiện chậm tiếp thu hơn bạn cùng lớp. Năm lớp 2 gia đình và nhà trường cho cháu đi giám định. Kết quả cháu được cấp giấy xác nhận khuyết tật số 71/XN-UB ngày 18/3/2019 của UBND xã Nông Hạ, do ông Vũ Như Hội, Chủ tịch UBND xã ký; dạng khuyết tật trí tuệ ở mức độ nhẹ.
Căn cứ Điều 11, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, cháu D. được tiếp nhận vào học lớp 6, Trường THCS Nông Hạ học theo hình thức giáo dục hòa nhập là đúng quy định.
Khoản 1, khoản 2, Điều 11, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về “Đánh giá học sinh khuyết tật” nêu rõ: “Việc đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học. Đối với học sinh khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập, kết quả rèn luyện và học tập môn học mà học sinh khuyết tật có khả năng đáp ứng được theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông thì được đánh giá như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả rèn luyện và học tập. Những môn học mà học sinh khuyết tật không có khả năng đáp ứng theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông thì được đánh giá kết quả thực hiện rèn luyện và học tập theo Kế hoạch giáo dục cá nhân; không kiểm tra, đánh giá những nội dung môn học hoặc môn học được miễn”.
Căn cứ khả năng đáp ứng của học sinh, nhà trường quyết định tiếp nhận D. vào học lớp 6 theo “phương thức giáo dục hòa nhập” và lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh này. Đây là việc làm nhân văn, đúng quy định nhằm tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học tập, hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa.
Cô giáo Đặng Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nông Hạ cho hay: Việc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của em D. không như đối với học sinh bình thường của Chương trình giáo dục phổ thông, mà theo “Kế hoạch giáo dục cá nhân”. Hay nói cách khác, đây là trường hợp đặc biệt, kết quả học tập của học sinh này không tính vào thành tích của giáo viên và nhà trường. Do vậy việc cho em D. lên lớp không phải vì nhà trường chạy theo “bệnh thành tích”. Qua nhiều năm theo dõi việc học của học sinh D. hội đồng giáo dục nhà trường nhận thấy việc cho cháu D. lưu ban để tiếp tục củng cố kiến thức là không đem lại hiệu quả, thậm chí học sinh này sẽ bỏ học ngay nếu bị lưu ban…
Cô giáo Phạm Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, Trường THCS Nông Hạ cho biết thêm: “Tôi là giáo viên trực tiếp kèm cặp, dạy em D. từ khi vào lớp 6. Học sinh này tiếp thu chậm, trong tiết học thì nắm được bài nhưng ngay sau tiết học cháu lại quên hết. Biết rõ tình trạng khuyết tật của em D. nên các giáo viên rất tạo điều kiện cho em trên lớp, không tạo áp lực mà để em có môi trường học tập thoải mái, phù hợp với khả năng tiếp thu".
Tại khoản 4, Điều 12 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT nêu rõ: Đối với học sinh khuyết tật: Hiệu trưởng căn cứ kết quả đánh giá học sinh khuyết tật theo quy định tại Điều 11 Thông tư này để xét lên lớp hoặc công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông đối với học sinh khuyết tật.
Khi được hỏi, cháu D. thổ lộ: Muốn được lên lớp để học cùng các bạn cùng tuổi từ cấp 1 lên. Sau này cháu sẽ làm nghề sửa chữa xe máy…
Còn mẹ cháu bé, chị Mã Thị Huế cũng thừa nhận, ngay từ khi vào lớp 1, con mình đã tiếp thu chậm hơn các học sinh khác. Trong các cuộc trò chuyện, con chị dọa sẽ bỏ học, thậm chí làm điều dại dột nếu không được lên lớp học cùng các bạn đã quen từ nhỏ. Mắt đỏ hoe, gương mặt mệt mỏi, người mẹ trẻ cho biết muốn nhanh chóng khép lại câu chuyện này…
Còn bà Chung Thị Đẹp- bà nội của cháu D. thì cho hay: Đến hôm nay mới nắm được thông tin cháu mình bị khuyết tật về trí tuệ. Hiểu ra vấn đề, bà không còn giận và trách các giáo viên nữa mà mong muốn nhà trường và các cô giáo tiếp tục uốn nắn, kèm cặp để cháu tiến bộ.
Trẻ thiệt thòi được quyền học hành, được giáo dục hòa nhập phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhận thức của bản thân. Tuy vậy không phải ai cũng nắm rõ những quy định này. Thậm chí ngay cả người thân của em D. cũng như nhiều người lớn khác cũng vẫn còn hiểu sai về mục đích, ý nghĩa nhân văn của hình thức “giáo dục hòa nhập”. Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến về giáo dục và chăm sóc trẻ khuyết tật cần được các cấp, ngành thực hiện sâu rộng hơn nữa.
Tiếng nói cảm thông và cách ứng xử đúng đắn của người lớn sẽ trao cho trẻ thiệt thòi cơ hội để các em thay đổi, được sống, được yêu thương và học hành tiến bộ. Tránh tạo dư luận không cần thiết làm trẻ bị tổn thương bởi khiếm khuyết của mình, từ đó mặc cảm tự ti và không thể hòa nhập tốt với bạn bè đồng trang lứa./.