Trễ lộ trình đóng mạch hệ thống vành đai Vùng Thủ đô

Việc không triển khai đầu tư tuyến Vành đai 4 và Vành đai 5 theo đúng lộ trình đã làm gia tăng áp lực lên công tác tổ chức giao thông tại các tuyến đường nội đô Hà Nội.

Do chậm đưa vào khai thác các tuyến đường vành đai Vùng Thủ đô, nên tuyến Vành đai 3 qua nội đô Hà Nội thường xuyên bị quá tải, ùn tắc. Ảnh: A.M

Do chậm đưa vào khai thác các tuyến đường vành đai Vùng Thủ đô, nên tuyến Vành đai 3 qua nội đô Hà Nội thường xuyên bị quá tải, ùn tắc. Ảnh: A.M

Tiến độ ì ạch

“Chúng tôi vẫn đang chờ UBND TP. Hà Nội chốt phương án kiến trúc cầu Mễ Sở để có thể triển khai các bước tiếp theo. Ngay cả khi HĐND Thành phố thông qua phương án kiến trúc, thì cũng phải đến cuối năm 2020, đơn vị tư vấn mới có thể lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi. Quy trình, trình tự rất phức tạp, không thể rút ngắn, nên dù rất sốt ruột, chúng tôi cũng chỉ biết kiên nhẫn chờ”, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phương Thành cho biết.

Sự sốt ruột của lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phương Thành là có cơ sở, bởi ngay từ đầu năm 2017, nhà đầu tư này đã trình UBND TP. Hà Nội đề xuất Dự án BOT Đầu tư xây dựng cầu Mễ Sở và đường hai đầu cầu, thuộc vành đai 4, quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, nhà đầu tư này muốn xây dựng cầu Mễ Sở và đường dẫn với tổng chiều dài 13,8 km, bề rộng 17 m kết nối Quốc lộ 1 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Để hoàn vốn cho Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng, nhà đầu tư được quyền thu giá dịch vụ tại phía Đông cầu Mễ Sở thuộc địa phận huyện Văn Giang (Hưng Yên) trong thời gian 22 năm 11 tháng.

Đến tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND TP. Hà Nội là cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án Đầu tư xây dựng cầu Mễ Sở và đường hai đầu cầu theo hình thức BOT. Tuy nhiên, sau hơn hai năm rưỡi UBND TP. Hà Nội được giao nhiệm vụ, Dự án và đường dẫn vẫn đang ở vạch xuất phát.

Cần phải nói thêm rằng, không chỉ riêng Dự án Đầu tư xây dựng cầu Mễ Sở, công tác triển khai xây dựng tuyến vành đai Vùng Thủ đô (Vành đai 4 và Vành đai 5) rất ì ạch.

Trong khi đó, các tuyến vành đai vùng được quy hoạch, đầu tư với định hướng gắn việc phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị, tách dòng xe quá cảnh không đi qua các đô thị và chủ yếu sử dụng nguồn lực từ quỹ đất của các địa phương để đầu tư.

Do chậm đưa vào khai thác các tuyến đường vành đai Vùng Thủ đô, dẫn đến chưa cải thiện được mạng lưới giao thông đối ngoại của các vùng, toàn bộ xe đều phải đi qua các đường vành đai nội vùng của Hà Nội (Vành đai 3), khiến các tuyến này bị quá tải do đảm nhận thêm lưu lượng xe quá cảnh ngoài lưu lượng nội đô, gây ùn tắc, tai nạn giao thông.

“Quan trọng hơn, do triển khai thực hiện quy hoạch 2 tuyến vành đai đã dẫn đến việc chưa phát triển đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch đô thị, khiến công tác giãn mật độ dân cư đô thị chưa triển khai được; chưa tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn bộ Vùng Thủ đô”, báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về triển khai đầu tư hệ thống đường vành đai Vùng Thủ đô vừa gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1278/QĐ-TTg, ngày 29/7/2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4, chiều dài 98 km, quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến độ xây dựng trước năm 2020, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng; Quyết định số 561/QĐ-TTg, ngày 18/4/2014 phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5, chiều dài khoảng 348 km, đoạn từ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến Hà Nội - Lạng Sơn, quy mô cao tốc 4 - 6 làn xe; đoạn còn lại là quy mô đường cấp II, 4 - 6 làn xe, giai đoạn đến năm 2030 hoàn thành thông tuyến đạt quy mô 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 59.000 tỷ đồng.

“Mục tiêu của 2 bản đồ án quy hoạch này là để cụ thể hóa quy hoạch vùng, liên kết các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm, kết nối các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong Vùng Thủ đô Hà Nội, phát huy hiệu quả lợi thế mỗi tỉnh trong Vùng, kéo dãn đô thị, góp phần giảm ùn tắc giao thông nội đô”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.

Để triển khai 2 tuyến vành đai, Chính phủ cho phép các địa phương được quyền huy động mọi nguồn vốn hợp pháp từ ngân sách nhà nước, ODA, khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua. Bên cạnh đó, các tuyến vành đai được tách thành các dự án độc lập theo từng địa phương. UBND các tỉnh/thành phố lập dự án, huy động nguồn vốn để đầu tư và là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu đầu tư theo hình thức PPP.

Cần một “nhạc trưởng”

Mặc dù được đánh giá là rất cấp bách, nhưng đến nay, đối với tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tính đến cuối tháng 6/2020, mới chỉ có UBND TP. Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT, nhưng chưa phê duyệt đề xuất đầu tư (dài 53,52 km). Các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19 km), Bắc Ninh (21 km) hoặc vẫn đang trong chế độ chờ nhà đầu tư, hoặc chưa lập đề xuất đầu tư dự án.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội mới đang tiến hành xem xét hồ sơ đề xuất 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP của một số nhà đầu tư trong nước, gồm: đoạn từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Quốc lộ 32 - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 34 km, tổng mức đầu tư 16.277 tỷ đồng của Tập đoàn T&T; đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 13,9 km, tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng của liên danh Phương Thành - Nguyên Minh; cầu Hồng Hà và đường dẫn dài 6 km, tổng mức đầu tư 9.876 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn.

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, tiến độ đầu tư tuyến Vành đai 5 - Vùng Thủ đô tốt hơn so với Vành đai 4.

Tại tuyến đường Vành đai 5, phần do Bộ GTVT đầu tư là các đoạn đi trùng quốc lộ, cao tốc (dài 127,9 km), đã thực hiện đầu tư, đưa vào khai thác 25 km các đoạn đi trùng cao tốc (12 km trùng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên;14,5 km trùng cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Còn lại 102,9 km đi trùng quốc lộ đã được đầu tư có quy mô 2 làn xe (đường Hồ Chí Minh, cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nối 2 cao tốc), nhưng chưa được đầu tư vào cấp theo quy mô quy hoạch (4 làn xe).

Trong khi đó, phần do các địa phương chịu trách nhiệm đầu tư, việc đầu tư tuyến Vành đai 5 vẫn bị đứt quãng nhiều đoạn. Sau 6 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, các địa phương đã và đang đầu tư 37 km (UBND tỉnh Thái Bình đã đầu tư đoạn cầu Thái Hà đến nút giao Quốc lộ 39, dài 15 km; UBND tỉnh Hải Dương đã đầu tư 9 km; UBND tỉnh Thái Nguyên đang đầu tư 9,6 km đoạn qua khu tổ hợp Yên Bình, hoàn thành năm 2020; UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang chuẩn bị đầu tư 3,4 km). Tuyến này vẫn còn 183,2 km chưa chuẩn bị đầu tư (48,1 km đoạn qua Vĩnh Phúc; 19,3 km đoạn qua Thái Nguyên; 51,3 km đoạn qua Bắc Giang; 43,7 km đoạn qua Hải Dương; 13,3 km đoạn qua Thái Bình; 7,5 km đoạn qua Hà Nam).

Như vậy, tuyến Vành đai 5 mới chỉ đầu tư được 62/331 km, tương đương 18,7% chiều dài quy hoạch (gồm 25 km đi trùng với các tuyến cao tốc khác đã đầu tư), tiến độ đầu tư rất chậm so với quy hoạch.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, để góp thêm động lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến vành đai Hà Nội và TP.HCM, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ này chủ trì triển khai lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (mỗi vành đai vùng là 1 dự án quan trọng quốc gia). Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư.

Nguyên nhân khiến việc đầu tư 2 tuyến vành đai Vùng Thủ đô chậm, theo Bộ GTVT, là do khả năng huy động nguồn lực của các địa phương hạn chế, trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn, nguồn lực từ khai thác quỹ đất ngày càng khó khăn, điều kiện và thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi đối với các địa phương ngoài Hà Nội. Các dự án xây dựng cầu vượt sông thuộc phạm vi Hà Nội, theo quy định của Luật Thủ đô, phải mất thêm thời gian thi tuyển phương án kiến trúc, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị so với mặt bằng chung.

Trong khi đó, đối với tuyến Vành đai 5, nhiều địa phương chưa chủ động, chưa quan tâm huy động nguồn lực để đầu tư, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa triển khai lập chủ trương đầu tư, đề xuất dự án đầu tư làm cơ sở xác định, huy động nguồn lực đầu tư.

“Các địa phương chủ yếu tập trung hạ tầng thiết yếu cho giao thông nội tỉnh/thành phố, chưa chú trọng giao thông kết nối vùng và phối hợp đầu tư giao thông vùng để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư chung của tuyến đường”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hiện nhu cầu đầu tư đường Vành đai 4, Vành đai 5 - Vùng Thủ đô đã rất cấp bách, để bảo đảm tính đồng bộ, sớm hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển đô thị, giải quyết ách tắc, hạn chế tai nạn giao thông.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án Vành đai 4, Vành đai 5 - Vùng Thủ đô, UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách có tính đặc thù riêng trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư, thủ tục đầu tư để Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có 2 tuyến này đi qua tổ chức triển khai đầu tư.

“Bộ GTVT cần đóng vai trò là nhạc trưởng để nghiên cứu, thực hiện triển khai đầu tư toàn bộ tuyến đường Vành đai 5 kết nối 8 tỉnh/thành phố để đảm bảo tính kết nối đồng bộ trên toàn tuyến”, ông Nguyễn Thế Hùng đề xuất.

Anh Minh/baodautu.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/tre-lo-trinh-dong-mach-he-thong-vanh-dai-vung-thu-do-334072.html