Trẻ mắc bàn chân bẹt đối mặt với 4 nguy cơ, bé gái sẽ gặp khó khăn sinh nở khi trưởng thành

Việc xác định con bạn bị bàn chân bẹt sinh lý hay bệnh lý để can thiệp điều trị lúc này đóng vai trò rất quan trọng.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường có bàn chân bẹt, thế nhưng sau 2 tuổi, nếu con bạn vẫn bị bàn chân bẹt thì coi chừng. Đây là một dị tật có diễn tiến lâu dài, thầm kín, có thể gây ra một loạt những vấn đề nghiêm trọng trong tương lai.

Theo NHS, bàn chân bẹt thường không cần phải điều trị nếu bạn hoặc con bạn mắc nhưng không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu chân bị đau, căng cứng, yếu hoặc tê bì, thường gặp chấn thương ở bàn chân, mắt cá chân, khó giữ thăng bằng ở một bên chân… thì cần điều trị. Bỏ qua việc thăm khám và điều trị sẽ dẫn đến những hệ lụy sức khỏe không chỉ ở đôi chân mà toàn bộ cơ thể về lâu dài.

ThS.BS Vũ Duy Chinh

ThS.BS Vũ Duy Chinh

ThS.BS Vũ Duy Chinh (chuyên ngành Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) nhận định, tật bàn chân bẹt không phải là một căn bệnh nguy hiểm chết người, ảnh hưởng đến chức năng là chính. Tuy nhiên, nó có thể để lại hậu quả kéo dài cả về sức khỏe lẫn thẩm mỹ. Riêng bé gái bị bàn chân bẹt bệnh lý còn có nguy cơ đối mặt với những khó khăn khi sinh nở.

Chung quy lại, giới chuyên gia phát hiện một số mối nguy hiểm từ bàn chân bẹt như sau:

1. Dáng đi xấu

Trẻ mắc chứng bàn chân bẹt có trục cẳng chân không bình thường, dáng đi rất xấu. Nếu bạn có con gái bị bàn chân bẹt, hãy xác định con bạn sẽ có dáng đi như vậy. Đặc điểm là 2 gối không thẳng khi đi đứng, có xu hướng chụm vào nhau.

2. Sớm thoái hóa các khớp

Bàn chân bẹt với đặc trưng không có vòm gan chân. Thông thường, vòm gan chân để nâng đỡ, đảm bảo các chức năng hoạt động đi lại, chạy nhảy... Nếu không có bộ phận này nâng đỡ, các khớp, gân, dây chằng, xương bàn chân, xương ngón chân... chắc chắn sẽ không có bước đệm bảo vệ. Chúng sẽ dễ bị thoái hóa hơn.

Bàn chân bẹt cũng gây đau, tổn thương khớp gối. Do đó, có thể nói, tật bàn chân bẹt gây ra tình trạng thoái hóa khớp nhanh hơn so với những người không bị.

3. Gây ảnh hưởng đến khung chậu, gây khó khăn khi sinh đẻ

Bé gái bị bàn chân bẹt có thể gây ảnh hưởng đến khớp hông. Điều này vô tình cũng làm ảnh hưởng đến khung xương chậu, có thể gây ra nhiều vấn đề khi sinh đẻ.

"Khi 2 gối xoay vào trong, xương chậu cũng không được mở tốt. Điều này sẽ gây khó khăn cho chuyện sinh đẻ bình thường", chuyên gia nhấn mạnh.

4. Gây tổn thương thần kinh cột sống về lâu dài

ThS.BS Vũ Duy Chinh cho biết, bàn chân bẹt có thể gây tổn thương thần kinh cột sống. "Quá trình này diễn ra từ từ và thầm kín, về lâu dài mới dẫn đến những hậu quả như tổn hại thần kinh cột sống. Tức là, không phải ai bị bàn chân bẹt cũng sẽ bị tổn thương thần kinh cột sống luôn", chuyên gia lý giải.

Về nguyên tắc, trẻ bị bàn chân bẹt khi đi lại thì toàn bộ mặt bàn chân sẽ tiếp xúc xuống mặt phẳng. Khi cạnh trong bàn chân áp sát xuống mặt phẳng, gót chân sẽ bị xoay ra ngoài, trục của cẳng chân xoay vào trong, làm cho gối chụm vào.

Điều này không chỉ khiến dáng đi của trẻ không đẹp, không vững mà khi đi chân đất sẽ còn phát ra tiếng rất rõ.

"Về lâu dài, bàn chân bẹt gây biến đổi trục của khớp cổ chân, bàn chân, khớp gối, khớp háng dẫn đến hiện tượng đau mỏi khớp. Ở một số trường hợp, bàn chân bẹt không đều 2 bên hoặc một bên chân ngắn - một bên chân dài sẽ làm khung chậu bị lệch. Khi khung chậu bị lệch, cột sống sẽ bị vẹo. Dần dần sẽ gây ảnh hưởng đến cột sống (gây vẹo thắt lưng, cột sống cổ), sau đó đến thần kinh (đau thần kinh tọa, đau mỏi cổ vai gáy…)", BS Chinh nói.

Tuấn Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tre-mac-ban-chan-bet-doi-mat-voi-4-nguy-co-be-gai-se-gap-kho-khan-sinh-no-khi-truong-thanh-20230315180702877.htm