Trẻ mắc cúm, biến chứng viêm phổ nặng phải nhập viện tăng cao vì rét đậm, rét hại

Miền Bắc đang trải qua những ngày lạnh nhất kể từ đầu mùa đông, có nơi rét đậm, rét hại. Theo đó, tỷ lệ trẻ phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật do bị nhiễm virus cúm A cũng vì thế tăng cao.

Trẻ mắc cúm, biến chứng viêm phổ nặng phải nhập viện tăng cao vì rét đậm, rét hại. Ảnh minh họa.

TS. BS Đỗ Thiện Hải – Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ tháng 10 đến tháng 12/2020, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận 820 trẻ nhập viện do cúm nặng.

Đặc biệt những ngày qua, không khí lạnh tăng cường, số trẻ mắc cúm A nhập viện nhiều hơn bình thường. Riêng trong tháng 11, trung tâm tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi bị cúm, trong đó có những trẻ dẫn tới biến chứng viêm phổi, viêm não nặng. Các trường hợp này chủ yếu nằm ở trẻ từ 2 tháng tuổi đến 9 tháng tuổi.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, đại diện Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết đang có trên 70 trẻ bị cúm nằm viện, đây là bệnh thời tiết do khoảng hai tháng trước không có ca cúm nào.

Ngoài ra, cũng đã bắt đầu có một bé tiêu chảy do virus Rota vào điều trị tại trung tâm. Đây là chứng bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết lạnh.

"Trong số bệnh nhi mắc cúm, đã có cháu phải thở oxy, có cháu biến chứng viêm não. Đa số trẻ mắc chủng cúm A/H1N1" - bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, cho biết.

Với người già, đột quỵ là chứng bệnh đáng lo nhất khi thời tiết trở lạnh. Ông Mai Duy Tôn, giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong một tháng vừa qua có đến 1.000 bệnh nhân vào cấp cứu tại trung tâm.

Đây là căn bệnh thường gặp ở người già, nhưng rất đáng lo là có đến 10% trong số này dưới 44 tuổi, được coi là lứa tuổi trẻ đối với căn bệnh đột quỵ.

Nhiều trường hợp trong số này có liên quan đến bệnh lý nền hoặc lối sống: có bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, ít vận động, một phần do các dị dạng mạch não bẩm sinh. "Bệnh đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa"- bác sĩ Tôn nhận xét.

heo bác sĩ Nam, những ngày trời lạnh cha mẹ cần chú ý hai vấn đề trong chăm sóc trẻ là ủ ấm cho trẻ và tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là các món ăn ấm, dễ tiêu hóa.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải đề nghị bổ sung thêm vitamin từ trái cây, đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như nước cam tươi. Các gia đình cũng nên cho trẻ em, người già, phụ nữ chuẩn bị mang thai... đi tiêm vắcxin ngừa cúm.

Với người lớn tuổi, các bác sĩ hướng dẫn không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, không nên tắm và gội cùng lúc. Đặc biệt cũng nên chú ý đến dinh dưỡng, mặc đủ ấm và nên chú ý theo dõi sức khỏe, đặc biệt là người có bệnh nền.

Trong trường hợp có bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế, không nên để người bệnh ở nhà để "tự chữa" có thể dẫn đến những biến chứng khó lường.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tre-mac-cum-bien-chung-viem-pho-nang-phai-nhap-vien-tang-cao-vi-ret-dam-ret-hai-post109485.html