Trẻ mầm non tử vong vì bị bỏ quên trên xe: Cần siết chặt xe đưa đón học sinh, trẻ em

Các chuyên gia cho rằng cần siết chặt và đề ra các quy định cụ thể về ô tô đưa đón học sinh, trẻ mầm non để không xảy ra những vụ việc thương tâm nữa.

Vụ bỏ quên trẻ mầm non tử vong trên xe ở Thái Bình đang khiến cho nhiều người xót xa. Trước đó, những vụ việc tương tự đã xảy ra một cách thương tâm cũng đã dấy lên “hồi chuông” cảnh báo và cần có những quy định cụ thể về vấn đề này.

Đây là bài học xương máu

Từ vụ việc này, các chuyên gia, các bậc phụ huynh cũng đã đưa ra những ý kiến cần siết chặt các quy định về ô tô chở trẻ mầm non, học sinh.

Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết những vụ việc như thế này là phải cẩn trọng hơn nữa, vì thời gian trước đã xảy ra, đó là bài học kinh nghiệm xương máu cho những người làm tài xế đưa đón các cháu và cô giáo ....

 Vụ bỏ quên trẻ mầm non trên xe khiến nhiều người xót xa. Ảnh: CTV

Vụ bỏ quên trẻ mầm non trên xe khiến nhiều người xót xa. Ảnh: CTV

“Nhưng tại sao lại không kiểm soát chặt mà để xảy ra trường hợp đáng thương như vậy. Trong trường hợp này, thì chắc chắn cơ quan điều tra sẽ khởi tố với tội danh vụ án vô ý làm chết người, quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự (BLHS) để điều tra, làm rõ vụ việc, có hay không có lơ là trong sự việc này”- luật sư Tuấn đặt câu hỏi.

Theo luật sư Tuấn, cơ quan cảnh sát điều tra phải làm rõ: Làm rõ các tình tiết, động cơ, nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bỏ quên một cháu nhỏ trên xe đưa đón học sinh, dẫn đến bé tử vong.

Điều 128 BLHS 2015 bổ sung 2017 có quy định: Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

“Bảo vệ trẻ em không chỉ có ba mẹ và gia đình, khi ở trường học, gia đình đã giao hết trách nhiệm cho nhà trường, cô giáo...từ đó chúng ta phải kiểm tra, chặt chẽ trong từng khâu tránh đáng tiếc xảy ra như trường hợp trên, hậu quả thì chịu trách nhiệm hình sự, nhưng nỗi đau mất con còn hơn hậu quả ấy”- luật sư Tuấn nói.

Quy định hiện hành còn bỏ ngõ

Theo luật sư Trần Văn Giới, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết luật hiện hành không có quy định cụ thể về xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non mà chỉ có quy định chung đối với hoạt động vận tải hành khách.

Vận tải hành khách bằng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật hiện hành, tuy nhiên các điều kiện theo quy định hiện nay chỉ đặt ra đối với hoạt động vận tải hành khách nói chung và có sự phân biệt giữa các loại hình vận tải như tuyến cố định, vận tải bằng xe buýt, taxi… chứ không có sự phân biệt về điều kiện cụ thể đối với hoạt động vận tải mà hành khách là các em học sinh, trẻ mầm non đến trường.

“Chúng ta đã biết, trẻ nhỏ là đối tượng yếu thế trong tham gia giao thông, với độ tuổi của mình các em chưa tự ý thức được việc đảm bảo an toàn, hơn nữa với đặc thù thể chất nhỏ bé của các em thì chỉ cần những sự cố nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả lớn”- luật sư Giới cho hay.

Theo luật sư Giới, vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra tại Thái Bình, nếu hành khách là người trưởng thành ngủ quên trên xe có thể không gặp vấn đề gì nghiêm trọng nhưng trẻ nhỏ ngủ quên trên xe có thể dẫn đến tử vong… do đó việc đặt ra các điều kiện riêng để đảm bảo an toàn cho các em trong quá trình vận tải là rất cần thiết.

“Tôi nghĩ Luật giao thông đường bộ mới và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần có sự phân biệt về điều kiện đối với hoạt động vận tải đưa đón các em học sinh, trẻ mầm non đến trường bằng ô tô. Theo đó cần có quy định cụ thể hơn và siết chặt hơn các điều kiện vận tải đối với hoạt động này để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ trong suốt quá trình di chuyển”- luật sư Giới đề xuất.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho biết hiện hành luật chưa quy định cụ thể về vấn đề này nhưng tùy mỗi địa phương nên có sự phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở GTVT đưa ra các quy chế để thực hiện ô tô đưa đón học sinh, trẻ mầm non để đảm bảo an toàn.

“Bao nhiêu chỗ thì có bao nhiêu người đi cùng, lái xe có trách nhiệm ra sao. Xe 20 chỗ, 50 chỗ phải có từ một người phụ xe trở lên đi cùng. Đồng thời, mỗi lần chở như vậy thì người phụ xe và lái xe đều phải kiểm tra một lần trước khi rời xe chứ không thể để những vụ việc như thế này xảy ra lần nữa”- ông Tính đặt ra điều kiện về quy định cho xe ô tô chở trẻ em, học sinh.

Bộ Công an đề xuất lái xe có kinh nghiệm và 1 phụ xe quản lý khi ô tô đưa đón học sinh, trẻ mầm non

Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an soạn thảo đưa ra hẳn 1 điều luật quy định riêng đối với vấn đề ô tô chở học sinh, trẻ mầm non.

Cụ thể, tại Điều 46 của Dự thảo quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non như sau:

Xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 36 của Luật này; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ; Xe ô tô chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định

Xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 36; trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.

Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.

Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.

Xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tre-mam-non-tu-vong-vi-bi-bo-quen-tren-xe-can-siet-chat-xe-dua-don-hoc-sinh-tre-em-post793211.html