Trẻ mẫu giáo học trước chương trình lớp 1:Cần chấn chỉnh ngay
Chưa đầy một tháng nữa, trẻ 5 tuổi sẽ 'tốt nghiệp' lớp mẫu giáo để bước vào lớp 1 năm học 2024-2025. Câu hỏi có hay không cho trẻ học trước chương trình lớp 1 lại được xới xáo khắp diễn đàn, hội nhóm của các ông bố, bà mẹ đang có con ở độ tuổi này. Tuy nhiên, các chuyên gia, cơ quan quản lý giáo dục cho rằng, dạy trước là lợi bất cập hại, cần chấn chỉnh.
Nhiều phụ huynh sốt sắng
Từ cuối tháng 4, nhiều diễn đàn đã nóng lên với những câu chuyện chia sẻ về việc nếu không cho trẻ mầm non học đọc, học viết trước khi vào lớp 1 sẽ thiệt thòi, khó theo cùng các bạn khi chính thức vào năm học mới. Câu hỏi có hay không nên cho trẻ đi học trước chương trình lại được xới xáo.
“Tôi đã đọc khuyến cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các chuyên gia về việc không nên cho trẻ đi học trước vì không có lợi cho sức khỏe và tâm lý, thậm chí còn khiến trẻ giảm hứng thú, bớt tập trung khi vào học chính thức. Tuy nhiên, tôi cũng lại nghe nhiều phụ huynh kể về những vất vả, thậm chí mệt mỏi khi không cho con đi học trước, đến khi vào lớp 1 con luôn bị cô giáo nhắc nhở, phê bình...”, bà Trần Thị Hoài Anh, phụ huynh trẻ Trường Mầm non Trung Tự (quận Đống Đa) bày tỏ.
Nhiều phụ huynh cũng có suy nghĩ như chị Hoài Anh nên ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4 đã đôn đáo đi tìm lớp tiền tiểu học để gửi con. Chỉ cần gõ từ khóa trên internet, phụ huynh dễ dàng thấy đủ lời giới thiệu, quảng cáo về lợi ích, ý nghĩa của lớp tiền tiểu học, mà chủ yếu là dạy trẻ đọc, viết với mức giá phổ biến từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/buổi tùy “thương hiệu” của người dạy. Nhiều gia đình sẵn sàng dành khoản tiền lớn cho con học lớp này. Các phụ huynh còn truyền miệng địa chỉ cô giáo này dạy giỏi ở trường A, cô giáo kia dạy giỏi ở trường B để xin cho con theo học.
Dư luận đã nhiều lần phản ánh tình trạng trẻ chưa vào lớp 1 đã chịu áp lực phải đọc thông viết thạo khiến dư luận xã hội bức xúc, phụ huynh lo lắng. Cơ quan quản lý nhiều lần chấn chỉnh. Tuy nhiên, theo trào lưu, nhiều gia đình vẫn cho con đi học vì cho rằng, có đi học còn hơn không và để yên tâm hơn khi con vào lớp 1.
Thực tế, ngoài giờ học tại trường hoặc vào thứ bảy, chủ nhật, nhiều gia đình đăng ký cho trẻ 5 tuổi học thêm tại nhà cô giáo hoặc tại các trung tâm. Nhiều giáo viên cho biết, chưa biết trẻ có bị áp lực hay không và hiệu quả thế nào, nhưng mức độ chuyên cần và sự tập trung của trẻ với các hoạt động giáo dục ở lớp chính khóa bị ảnh hưởng.
Dạy trước là phản khoa học
Thực tế tìm hiểu cho thấy, không phải trẻ mẫu giáo nào cũng được tham gia học đầy đủ chương trình trước khi vào lớp 1, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vì nhiều lý do, còn ở Hà Nội, từ nhiều năm nay, thành phố duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Theo hiệu trưởng các trường mầm non trên địa bàn Thủ đô, chương trình giáo dục của trẻ 5 tuổi hiện nay được thiết kế phù hợp để bảo đảm trẻ có đủ kỹ năng và tâm lý sẵn sàng vào lớp 1.
Trong văn bản hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã nêu rõ yêu cầu các trường mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ. Các trường mầm non đều tuân thủ và phổ biến tới cha mẹ trẻ về nội dung này.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Phương Hoa cho biết, thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong 4 năm qua cho thấy, về cơ bản học sinh lớp 1 đáp ứng tốt. Theo kết quả đánh giá cuối năm học lớp 1, các em không học trước chương trình đều hoàn thành các nội dung quy định và học tốt ở lớp sau.
Giải đáp lo lắng của nhiều phụ huynh học sinh về việc nếu không đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 thì trẻ sẽ bị giáo viên phê bình, không theo kịp các bạn trong lớp và gặp khó khăn khi học ở các lớp sau, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Đào Tân Lý khẳng định, gần 800 trường tiểu học trên địa bàn thành phố không có hiện tượng này. Chủ trương ưu tiên những điều kiện tốt nhất cho học sinh lớp 1 đã được toàn ngành kiên trì nhiều năm nay bằng việc dành phòng học tốt nhất, chọn giáo viên có kinh nghiệm nhất... Sở sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc quy định của chương trình lớp 1, nhất là về nội dung dạy học và chuẩn kiến thức, kỹ năng, bảo đảm tất cả học sinh đều được quan tâm sát sao và đồng đều.
Các chuyên gia, cơ quan quản lý giáo dục cũng đã nêu ra nhiều bất lợi khi cho trẻ mầm non học trước chương trình lớp 1. Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin, thực tế nghiên cứu và khảo sát cho thấy, việc dạy trước cho trẻ vào lớp 1 là phản khoa học và gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1. Việc dạy trước còn khiến trẻ có tâm lý chủ quan, giảm hứng thú học tập. Các sở giáo dục và đào tạo cần chấn chỉnh tình trạng này; tăng cường tuyên truyền để cha mẹ trẻ hiểu rõ tác hại của việc cho trẻ mầm non học trước; nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1...
Chỉ nên giúp trẻ làm quen, nhận biết các chữ cái
Kinh nghiệm dạy các lớp tiền tiểu học và thực tế quản lý trường mầm non thời gian qua cho thấy, đối với cấp mầm non chỉ nên để trẻ làm quen, nhận biết 29 chữ cái. Giáo viên mầm non tập trung hướng dẫn, giúp trẻ 5 tuổi biết các nét cơ bản, biết tô theo nét mờ, giúp trẻ có kỹ năng thao tác với bút để sau này bớt bỡ ngỡ khi vào lớp 1. Điều quan trọng nhất là trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết và tâm lý thoải mái để trẻ sẵn sàng, tự tin và hào hứng vào lớp 1 mà không bị áp lực, căng thẳng.
Những năm qua, Trường Mầm non Phú Phương triển khai đủ, đúng nội dung chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Giáo viên tập trung dạy trẻ nhận dạng chữ cái; tập tô theo các nét chữ. Trẻ còn được xem và nghe đọc nhiều loại sách; làm quen với cách đọc, viết tiếng Việt thông qua việc dạy trẻ hướng đọc, hướng viết là từ trái sang phải, từ dòng trên xuống dòng dưới...
Trẻ chủ quan, giảm hứng thú khi được học trước
Theo kế hoạch thời gian năm học, học sinh lớp 1 được bố trí 2 tuần đệm trước ngày khai giảng. Trong 2 tuần này, nhà trường tập trung hướng dẫn trẻ làm quen với nền nếp học tập, sinh hoạt ở trường. Nhà trường ưu tiên chọn giáo viên vững chuyên môn, có kinh nghiệm và sự kiên trì để dạy lớp 1. Mọi giáo viên cần quan tâm sát sao đến mọi học sinh trong lớp.
Có nhiều học sinh khi vào lớp 1 được gia đình cho đi học trước nên đã biết đọc, viết viết, thậm chí có em đọc thạo, nhưng nhiều em trong số này thường có tâm lý chủ quan, ít tương tác với cô giáo. Có trường hợp học sinh đã biết viết nhưng lại sai cách cầm bút, sai điểm đặt bút, sai tư thế ngồi...
Việc chủ quan do đã biết đọc, biết viết trước các bạn còn khiến những em này giảm tập trung trong giờ học, đôi khi bỏ qua những nội dung quan trọng làm ảnh hưởng đến kết quả rèn luyện. Kết quả đánh giá cuối năm học cho thấy, những học sinh được học trước chương trình lại không vững bằng những em học theo đúng độ tuổi.
Cần kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Nhiều phụ huynh nhận thức rõ việc cho trẻ 5 tuổi học trước chương trình lớp 1 là lợi ít, hại nhiều, nhưng vẫn cho trẻ học vì sợ nếu tất cả các gia đình đều cho con đi học trước mà con mình không có sự chuẩn bị thì kết quả học tập sẽ kém hơn. Bên cạnh đó còn có hiện tượng giáo viên than phiền, thậm chí so sánh giữa các học sinh. Vì thế, nhiều phụ huynh vẫn quyết định cho con đi học trước.
Dù có lệnh cấm trường mầm non dạy trước chương trình lớp 1 và nhiều trường học cũng tuyên truyền về tác hại của việc cho trẻ mẫu giáo học trước, nhưng thực tế nhiều gia đình vẫn mong muốn gửi con học. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng việc này để tổ chức dạy trái quy định... Để trẻ vào lớp 1 với tâm thế thoải mái, tự tin, bớt áp lực, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm. Thành phố Hà Nội cũng cần xây dựng thêm trường lớp để giảm sĩ số học sinh/lớp theo đúng điều lệ trường học.
Minh Khang ghi