Trẻ 'nghiện ăn tóc: Cảnh báo rối loạn tâm thần

Trẻ 'nghiện' ăn tóc: Cảnh báo rối loạn tâm thần Liên tiếp các trường hợp trẻ ăn tóc dẫn đến tắc ruột phải phải mổ cấp cứu, bác sĩ cảnh báo, trẻ thích ăn tóc có liên quan đến yếu tố bệnh lý tâm thần, phụ huynh cần phát hiện sớm và đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ điều trị.

Tắc ruột vì ăn tóc

Theo thông tin từ các bệnh viện nhi tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, các đơn vị này tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em có khối u tóc trong đường tiêu hóa và hầu hết đều phải phẫu thuật để lấy ra.

Đặc biệt, tất cả các trường hợp bệnh nhi trên cần phải được theo dõi điều trị tâm lý lâu dài về sau.

Mới đây nhất, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận và điều trị thành công cho bé gái 5 tuổi bị tắc ruột do “búi tóc khổng lồ” vì thói quen nuốt tóc bất thường.

Theo mô tả của người nhà, sau nhiều ngày đau bụng âm ỉ, bé gái 5 tuổi chuyển sang tình trạng đau quặn từng cơn, ói ra dịch xanh, bí tiểu, không đại tiện được.

Qua thăm khám, kiểm tra hình ảnh các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị tắc ruột nên chỉ định phẫu thuật gấp. Ngày 24/5, ê kíp bác sĩ đã mở ổ bụng, mở dạ dày và một phần ở khu vực ruột non lấy ra búi tóc nặng hơn 1kg gây tắc hoàn toàn đường ruột của bệnh nhi.

Tương tự, ngày 27/5 Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cũng thực hiện cuộc phẫu thuật cho bé gái 5 tuổi, ngụ tại Quận 8, TPHCM lấy ra búi tóc rất lớn ở dạ dày. Phần đuôi của búi tóc còn kéo dài, gây tắc ruột non. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhi bị đau bụng âm ỉ kéo dài, bụng trướng căng, liên tục nôn ói trước khi nhập viện.

Trẻ tự ăn tóc của mình dẫn đến tắc ruột được định nghĩa chung là hội chứng “công chúa tóc mây”. Đó là tình trạng trẻ tự bứt tóc của chính mình để ăn hoặc ăn tóc của người khác. Đặc điểm dễ nhận diện của nhóm trẻ này là phần tóc mai hoặc tóc ở 2 bên thái dương sẽ bị nhổ trọc. Việc ăn tóc kéo dài sẽ tích tụ trong đường tiêu hóa vì con người không có men tiêu hóa chất keratin có trong các sợi tóc nên dẫn tới tình trạng tắc ruột.

Theo y văn thế giới, hội chứng “công chúa tóc mây” tương đối hiếm gặp, tuy nhiên thời gian gần đây các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng. Tính riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đã ghi nhận khoảng 20 trường hợp phải phẫu thuật lấy ra những búi tóc lớn trong đường tiêu hóa cho bệnh nhi.

Phẫu thuật lấy búi tóc khổng lồ trong ruột trẻ (Ảnh: BV Nhi đồng thành phố cung cấp)

Phẫu thuật lấy búi tóc khổng lồ trong ruột trẻ (Ảnh: BV Nhi đồng thành phố cung cấp)

Vì sao trẻ “nghiện" ăn tóc?

Bác sỹ Nguyễn Thị Kiều Tiên, Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, hành vi trẻ tự ăn tóc gây tắc ruột là hệ quả của rối loạn xung động nhổ tóc - một dạng rối loạn hành vi xung động trong tâm thần học, có thể gặp ở trẻ em lẫn người lớn.

Hiện tượng này thường khởi đầu bằng hành vi tự động sờ, day rồi bứt từng sợi tóc trong khi đang suy nghĩ, làm việc, học tập...

“Khi mới nhổ tóc, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhưng lâu dần sẽ có cảm giác “đã ngứa” dù không bị kích thích bởi những yếu tố gây ngứa như nấm hoặc gàu trên da đầu. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần và hình thành hành vi tự bứt tóc khi cảm thấy cần suy nghĩ, khi căng thẳng, khi cần giải quyết vấn đề hay khi thấy buồn hoặc thậm chí khi thấy rảnh chẳng biết làm gì khác ngoài nhổ tóc” - BS Kiều Tiên nói.

Ở trẻ em, sau khi tự bứt tóc thường có khuynh hướng nếm thử để cảm nhận mùi vị hoặc để xóa dấu tích tóc rụng nhằm tránh bị phụ huynh trách phạt dẫn đến việc các em sẽ lén bứt tóc và tự nuốt tóc của mình. Điều này lâu dần sẽ thành thói quen, lượng tóc ăn vào mỗi ngày nhưng không thể tiêu hóa sẽ tích tụ và kết vào nhau trong đường ruột hình thành búi tóc gây tắc ruột.

Trẻ nhổ tóc đến mức lưa thưa một mảng đầu. Ảnh phải là búi tóc được lấy ra trong ruột

Trẻ nhổ tóc đến mức lưa thưa một mảng đầu. Ảnh phải là búi tóc được lấy ra trong ruột

Theo BS Kiều Tiên, rối loạn xung động ở trẻ là một quá trình diễn ra trong thời gian dài. Tùy theo giai đoạn, phụ huynh có thể nhận ra rối loạn này ở trẻ thông qua một số dấu hiệu như: Trẻ hay vừa ngồi học vừa sờ đầu, hoặc vừa ngồi chơi game vừa sờ chân tóc, xung quanh nơi trẻ nằm hoặc ngồi sẽ có nhiều tóc rụng, khi đưa trẻ khám chuyên khoa da liễu không phát hiện bất thường gây rụng tóc nhưng có những mảng trống đáng ngờ trên da đầu và trẻ thường than đầy bụng.

Hội chứng “công chúa tóc mây” được xem là một rối loạn có liên quan đến stress và việc kiểm soát hành vi xung động. Trẻ mắc hội chứng này cần được đưa khám ở chuyên khoa Tâm lý - Tâm thần để được chữa trị sớm tận gốc, tránh phải giải quyết hậu quả ở phẫu thuật ngoại khoa.

“Những bệnh nhi có hành vi tự ăn tóc kéo dài, tắc ruột và phải phẫu thuật để lấy búi tóc ra khỏi cơ thể vẫn đối mặt với nguy cơ tái tắc ruột nếu không xử lý triệt để nguyên nhân trẻ ăn tóc. Sau khi được phẫu thuật lấy búi tóc, trẻ cần được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, huấn luyện hành vi để kiểm soát xung động bất lợi của bản thân”. BS Kiều Tiên khuyến cáo

Kim Ngân

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/tre-nghien-an-toc-canh-bao-roi-loan-tam-than-d182098.html