Trẻ nhập viện vì hóc hạt dưa, dị vật: Phòng tránh thế nào?
Nhiều trẻ đã phải nhập viện, thậm chí tử vong vì hóc dị vật. Do vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh là rất cần thiết.
Trẻ nhập viện vì hóc hạt dưa, dị vật
Mới đây, một bé gái 17 tháng tuổi phải nhập viện cấp cứu vì hóc hạt dưa hấu. Thông tin trên báo Vietnamnet ngày 28/6 cho biết, bé P.Đ.T.T (17 tháng tuổi, trú tại phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng) được đưa vào Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cấp cứu trong tình trạng ho sặc sụa, tím tái, thở rít. Trước đó 1 tiếng, bé T. ăn dưa hấu và bị hóc hạt dưa.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã khẩn trương cho làm xét nghiệm, chụp X-quang ngực phát hiện một dị vật. Các bác sĩ đã nhanh chóng gắp ra cho trẻ.
Trước đó, ngày 25/6, bệnh viện này cũng tiếp nhận bé Đ.B.N., (11 tuổi, trú tại xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) vào cấp cứu trong tình trạng môi tím nhẹ, khò khè, thở rít, ho khan, tức ngực.
Người nhà cho hay, bé N. ngồi chơi ngậm miếng lego có kích thước 3x3mm rồi nuốt phải và trôi vào đường thở. Trẻ ho sặc sụa, nôn khan, khó thở, tức ngực nên người nhà đưa trẻ đi cấp cứu. Các bác sĩ đã gắp ra dị vật ở khí quản.
Gần đây, một cháu bé 9 tháng tuổi ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, tử vong do hóc hạt chôm chôm. Theo báo Tiền Phong, bé gái N.N.A (9 tháng tuổi, trú xóm Hưng Nhân, xã Xuân Lam) nhặt được hạt chôm chôm lúc chơi ở nhà. Cháu bé nuốt hạt chôm chôm vào miệng rồi bị hóc. Khi phát hiện sự việc, người nhà lập tức đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng bé gái không qua khỏi.
Trưa 18/6, cháu N.V.M.H. (5 tuổi, thôn Trung Thuận, xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) ở nhà cùng anh trai ăn chôm chôm thì bị hóc hạt. Thấy H. bất tỉnh, anh trai đã gọi người thân đưa đi cấp cứu nhưng bé đã không qua khỏi.
Cách xử trí khi trẻ hóc dị vật đường thở
Tai nạn hóc dị vật khá phổ biến ở trẻ nhỏ ngay cả khi có sự giám sát của người lớn. Bác sĩ đến từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, nếu chẳng may có dị vật lọt vào mũi, họng của trẻ, các bậc phụ huynh có thể xử trí theo cách sau:
- Các dị vật như pin điện tử cần lấy ngay trong vòng 4-6 giờ để tránh nguy cơ chảy máu, loét niêm mạc, thủng vách ngăn mũi do axit từ pin rỉ ra.
- Khi phát hiện có dị vật trong mũi trẻ, người lớn cần nhẹ nhàng trấn an và hướng dẫn trẻ đẩy dị vật ra ngoài. Hãy bịt một bên mũi không có dị vật và hướng dẫn trẻ xì mạnh bên có dị vật. Tuyệt đối không dùng ngón tay hoặc các vật dụng để cố lấy dị vật ra ngoài vì cách này càng làm cho dị vật bị đẩy sâu vào bên trong. Nếu trẻ không thể xì ra dị vật, tốt nhất ba mẹ nên đưa bé tới bệnh viện để được bác sĩ tai mũi họng gắp dị vật ra cho trẻ.
- Trường hợp trẻ hóc xương cá cần trấn an bé vì hóc xương cá rất đau. Ba mẹ nhẹ nhàng hướng dẫn con há miệng, sau đó dùng đèn pin soi vào cổ họng để tìm xương cá. Khi phát hiện thấy xương cá vị trí dễ thấy dễ lấy, cha mẹ có thể dùng kẹp y tế để gắp xương ra. Khi gắp cần khéo léo, nhẹ nhàng để không làm tổn thương họng của bé. Sau khi gắp xong hãy cho bé uống nước. Nếu bé không còn cảm thấy vướng khó chịu tức là cổ họng đã sạch xương.
Trường hợp không thể gắp xương cho bé, ba mẹ nên đưa ngay con tới bệnh viện để bác sĩ tai mũi họng gắp xương ra sớm cho trẻ.
Phòng ngừa hóc dị vật đường thở
Để phòng ngừa nguy cơ dị vật lọt vào đường tai mũi họng của trẻ nhỏ, các gia đình cần chú ý:
1. Không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ
Các loại đồ chơi có kích thước nhỏ rất nguy hiểm vì bé có thể vô tình nhét vào mũi mình hoặc nuốt. Đồ chơi lego, các loại hạt vòng, các loại đồ chơi có kích thước nhỏ đều không an toàn cho trẻ nhỏ.
Trẻ chỉ nên chơi các đồ chơi có hình khối, kích thước lớn như quả trứng trở lên, các đồ chơi mà trẻ không thể gặm vỡ, hoặc đồ chơi không sắc nhọn.
2. Không cho trẻ tự bốc ăn các loại hạt
Ba mẹ nên để mắt tới trẻ nhỏ, không nên để bé tự cầm ăn các loại hạt như mắc ca, óc chó, đậu phộng, hạnh nhân… vì các loại hạt này rất cứng, dễ gây hóc nghẹn. Ngoài ra, các loại hạt có kích thước tròn, nhỏ như hạt bắp, hạt đậu Hà Lan cũng không an toàn để trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cầm nắm. Bé có thể vô tình nhét vào lỗ mũi của mình dẫn đến nghẹt thở.
Ngoài các loại hạt, các loại thạch cũng không an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi. Thạch rất trơn và được sản xuất ở kích thước nhét vừa miệng nên miếng thạch dễ lọt xuống họng trước khi trẻ kịp nhai nhỏ.
3. Không để trẻ nhỏ tự ăn thịt chưa tách xương
Hóc xương nguy hiểm có thể gây chảy máu cổ họng và suy hô hấp nhanh ở trẻ nhỏ. Nhiều gia đình chủ quan hay cho trẻ nhỏ cầm nắm đùi gà vịt để bé tự gặm ăn. Tuy nhiên, cách ăn này dễ gây hóc xương do khi chặt gà vịt vụn xương còn dính lại trên thịt.
Mời độc giả xem thêm video: Phẫu thuật lấy búi tóc nặng gần 1kg trong dạ dày bệnh nhi 11 tuổi