Trẻ Nhật Bản có dáng đi khác các nước

Một bài nghiên cứu mới đây phát hiện ra rằng cách trẻ em Nhật Bản đi bộ, hoặc dáng đi của chúng, phát triển không giống với trẻ em ở các quốc gia khác.

Dáng đi là một kiểu vận động phức tạp, vô thức nhưng quan trọng cho phần lớn các hoạt động hàng ngày. Nó bao gồm một loạt các chuyển động liên quan đến hông, đầu gối và bàn chân.

Dáng đi của một người rất quan trọng trong việc đo lường chất lượng cuộc sống và tình trạng sức khỏe của họ từ góc độ y tế. Để giúp điều trị cho những người bị rối loạn vận động, các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu các lực liên quan đến dáng đi. Tuy nhiên, dữ liệu về các thông số dáng đi liên quan đến tuổi ở trẻ em rất khan hiếm ở Nhật Bản.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu dáng đi 3D, được ghi lại thông qua một số điểm đánh dấu gắn vào chân. Ảnh: Tadashi Ito, Reiko Matsushita

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu dáng đi 3D, được ghi lại thông qua một số điểm đánh dấu gắn vào chân. Ảnh: Tadashi Ito, Reiko Matsushita

Hai chuyên gia Tadashi Ito và Hideshi Sugiura, từ khoa Khoa học Sức khỏe Tổng hợp của Đại học Nagoya, cũng như Koji Noritake và Nobuhiko Ochi từ Trung tâm Y tế và Phục hồi chức năng Mikawa Aoitori, tỉnh Aichi, đã xác định dáng đi chuẩn của trẻ em Nhật. Họ nghiên cứu sự khác biệt liên quan đến tuổi tác trong chuyển động của chân khi đi bộ bằng hệ thống phân tích dáng đi 3D.

Nghiên cứu được công bố trên chuyên san Scientific Reports phát hiện ra dáng đi được ghi lại của học sinh tiểu học Nhật Bản khác nhau theo từng độ tuổi. Mặc dù trẻ em Nhật Bản điển hình ở độ tuổi 6 đến 12 có dáng đi và các thông số dáng đi tương đương với trẻ em ở các nước phát triển khác, khi chúng lớn lên thì dáng đi lại có sự khác biệt.

Tiến sĩ Ito và các đồng nghiệp của ông đã tìm ra 4 điểm khác biệt quan trọng giữa các nhóm tuổi. Đầu tiên, có sự gia tăng về nhịp, số bước đi trong một phút ở nhóm trẻ em từ 11 đến 12 tuổi so với 6 đến 8 tuổi. Điểm thứ hai, cũng có sự sụt giảm về số bước đi và độ dài sải chân ở trẻ 11 đến 12 tuổi so với trẻ từ 9 đến 10 tuổi.

Tiếp theo, trẻ 11 đến 12 tuổi có ít chuyển động đầu gối hơn trong chu kỳ dáng đi. Cuối cùng, khi trẻ trưởng thành hơn, người ta quan sát thấy khoảnh khắc chuyển động bàn chân cao hơn.

TS Ito cho biết: “Chúng tôi tin rằng sự khác biệt về lối sống, phát triển và các yếu tố văn hóa đều ảnh hưởng đến dáng đi của trẻ em Nhật. Điều này không có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của họ nhưng nó chỉ ra những đặc điểm khác với trẻ em ở các nước khác. Những kết quả này cung cấp một công cụ quan trọng để đánh giá dáng đi bình thường và bệnh lý. Đồng thời nó có thể xác định hiệu quả của việc điều trị chỉnh hình và phục hồi chức năng cho các rối loạn dáng đi”.

Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-nhat-ban-co-dang-di-khac-cac-nuoc-post1351320.html