'Trẻ nhảy dù' Trung Quốc và con đường tìm đến 'giấc mơ Mỹ'

Lớn lên tại Trung Quốc đại lục, Hailun 'Helen' Chu biết rằng mình sẽ hoàn thành chương trình giáo dục trung học ở Mỹ bằng bất kỳ giá nào.

Các học sinh tham gia kỳ thi năm 2011 tại trường đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung. (Ảnh: Business Insider)

Các học sinh tham gia kỳ thi năm 2011 tại trường đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung. (Ảnh: Business Insider)

“Đó là điều mà tất cả những bạn khác đều làm. Đó là xu hướng”. Cậu học sinh 17 tuổi đến từ tỉnh Tứ Xuyên đã dành hai năm học tập tại California và sẽ tốt nghiệp vào mùa xuân này.

Zhou chỉ là một trong số ngày càng nhiều những thiếu niên Trung Quốc hối hả tìm đến các trường trung học ở Mỹ với mong muốn được hưởng nền giáo dục phương Tây, trên con đường cạnh tranh để vào các trường đại học và trở về tìm một công việc tại quê nhà.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo, “giấc mơ Mỹ” có thể nhanh chóng biến thành một cơn ác mộng kinh hoàng. Rất nhiều “đứa trẻ nhảy dù” sống tại Mỹ mà hầu như không có sự giám sát của phụ huynh và cuối cùng kết thúc tham vọng của cha mẹ mình bằng vô vàn rắc rối, thậm chí là cả việc ngồi tù.

“Trẻ nhảy dù” là một cụm từ được sử dụng rất phổ biến tại Trung Quốc, ám chỉ những đứa trẻ được cha mẹ gửi sang nước ngoài du học (chủ yếu là Mỹ) ngay tại bậc trung học phổ thông hay thậm chí là trung học cơ sở.

Joaquin – người đang điều hành một công ty hỗ trợ du học Mỹ tại Trung Quốc – cho biết: “Đây là một ngành công nghiệp khổng lồ, tương đương với khoảng 25 tỷ USD”.

Theo Ủy ban Giáo dục Quốc tế có trụ trở tại Washington (Mỹ), khoảng 304.000, tương đương với 31,2% trong tổng số một triệu học sinh quốc tế nhập học tại các trường công lập và dân lập của Mỹ trong giai đoạn 2014 – 2015 đến từ Trung Quốc.

Hiện có khoảng 30.000 học sinh Trung Quốc ghi danh vào các trường trung học cơ sở Mỹ, trong khi con số này cách đây 10 năm chỉ là 1.000.

“Những đứa trẻ nhảy dù” với độ tuổi từ 14 đến 19 tập trung chủ yếu tại phía nam California. Chúng thường theo học tại các trường Công giáo bởi luật pháp Mỹ có những quy định rất ngặt nghèo trong việc nhận học sinh nước ngoài vào các trường công lập.

Tại những thành phố như Murrieta – một khu vực nông thôn cách Los Angeles 130km về phía đông nam – số lượng học sinh Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây, mang lại nguồn thu tiền mặt cho trường học và các gia đình nhận nuôi tại địa phương.

Một khoản đầu tư

Các học sinh vừa hoàn thành bài thi SAT tại Hồng Kông vào năm 2013. (Ảnh: Business Insider)

Các học sinh vừa hoàn thành bài thi SAT tại Hồng Kông vào năm 2013. (Ảnh: Business Insider)

Lim cho biết: “Các phụ huynh sẽ phải chi khoảng 50.000 USD mỗi năm, nhưng họ đều coi đây là một khoản đầu tư. Ba năm trước, trung tâm chúng tôi có khoảng 40 học sinh Trung Quốc theo học tại các trường trung học ở Murrieta. Con số này hiện đã là 300 và sẽ còn tiếp tục tăng lên trong tương lai”.

Theo Renate Jefferson – giám sát viên của chương trình trao đổi học sinh công lập: “Thị trấn nhỏ kém phần sôi động với khoảng 105.000 cư dân này khác xa so với các siêu thành phố ô nhiễm tại Trung Quốc, nhưng phần lớn những đứa trẻ này đều sớm thích nghi với cuộc sống Mỹ. Điều các em thường chú ý đầu tiên khi tới đây là bầu trời trong xanh. Rất nhiều em tỏ ra khá kinh ngạc”.

Junheng “Carl” Li, một du học sinh 19 tuổi sắp tốt nghiệp trường Công giáo tại Murrieta, chia sẻ: “Nếu có một từ để miêu tả cuộc sống tại đây thì đó chính là tự do. Bạn có rất nhiều lựa chọn và có thể tự do học những gì mình thích”.

Mất kiểm soát

Nhưng rất nhiều “trẻ nhảy dù” phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi đặt chân tới đất Mỹ bởi các em chưa được trang bị đủ kỹ năng sống để thích ứng với sự chuyển giao văn hóa và làm quen với những quyền tự do ‘bất ngờ xuất hiện” khi không được cha mẹ giám sát.

Tháng trước, ba học sinh Trung Quốc theo học tại một trường dân lập ở Rowland Heights, tiếp giáp Los Angeles về phía đông, đã phải lĩnh án tù vì tấn công hai học sinh khác.

Ba học sinh Trung Quốc bị phạt tù vì tấn công bạn học. (Ảnh: Dailymail)

Ba học sinh Trung Quốc bị phạt tù vì tấn công bạn học. (Ảnh: Dailymail)

Vụ án nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc và gây ra những phản ứng trái chiều trước việc gửi con em sang nước ngoài học tập mà không có sự giám sát của cha mẹ.

Lim cho rằng: “Đừng gửi con đi gần nửa vòng trái đất khi bạn không hề biết rõ môi trường sống tại đó. Thông thường, bọn trẻ chưa được chuẩn bị sẵn sàng để tự mình ứng phó với một cuộc sống hoàn toàn mới như vậy”.

Evan Freed, người đại diện của một học sinh bị kết án 13 năm tù trong vụ án ở Rowland Heights, cho rằng sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với các bậc phụ huynh. Họ có thể đẩy con em mình tới bước đường sa ngã thay vì mang đến cho chúng một tương lai tươi sáng hơn.

Mai Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/830257/tre-nhay-du-trung-quoc-va-con-duong-tim-den-giac-mo-my