Trẻ nhỏ thà kể bí mật cho robot chứ không muốn nói với con người

Một nghiên cứu mới cho thấy trẻ nhỏ có xu hướng tin tưởng robot, muốn kể bí mật cho robot nghe và thậm chí là mong được làm bạn với chúng.

 Nhiều trẻ có xu hướng tin tưởng robot hơn con người. Ảnh: BBC.

Nhiều trẻ có xu hướng tin tưởng robot hơn con người. Ảnh: BBC.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Computers in Human Behavior chỉ ra rằng trẻ em 3-6 tuổi có xu hướng tin vào robot hơn là con người - dù thông tin từ hai nguồn đưa ra đều uy tín như nhau.

Theo 3 nhà nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Hoàng gia (Thụy Điển), Đại học Constructor (Đức) và Đại học Griffith (Australia), động lực cho họ thực hiện nghiên cứu này là để hiểu cách trẻ em quyết định tin tưởng vào ai nếu các em phải đối mặt với những thông tin trái chiều từ con người và robot.

Khi robot và các thiết bị công nghệ ngày càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống của trẻ, điều quan trọng là phải khám phá những tương tác này có ảnh hưởng ra sao đến việc học và phát triển của các em.

3 giai đoạn nghiên cứu

Để thực hiện nghiên cứu, nhóm thực hiện đã tìm 118 trẻ nhỏ thông qua các kênh khác nhau như nhận thư, nhắn tin qua mạng xã hội hoặc tìm qua các trang web khoa học chuyên hỗ trợ trẻ em.

Sau khi thực hiện kiểm tra sơ bộ, 111 trẻ chính thức tham gia thử nghiệm để đưa ra phân thích cuối cùng.

 111 đứa trẻ tham gia thử nghiệm của nhóm nghiên cứu. Ảnh minh họa: Engineering For Kids.

111 đứa trẻ tham gia thử nghiệm của nhóm nghiên cứu. Ảnh minh họa: Engineering For Kids.

Nghiên cứu được thực hiện online bằng cách sử dụng nền tảng khảo sát Qualtrics và phụ huynh sẽ là người trực tiếp hướng dẫn con.

Theo đó, trẻ được chỉ định xem một video ngẫu nhiên thuộc 3 nhóm sau: Video có con người đáng tin cậy và robot đáng tin cậy; video có robot đáng tin cậy và con người không đáng tin cậy; video có con người đáng tin cậy và robot không đáng tin cậy.

Cách sắp xếp này cho phép các nhà nghiên cứu so sánh sở thích của trẻ với các tác nhân đáng tin cậy - không đáng tin cậy trong những tình huống khác nhau.

Nghiên cứu được thực hiện với 3 giai đoạn là trải nghiệm trong thời gian dài, thử nghiệm và ưu tiên.

Ở giai đoạn trải nghiệm trong thời gian dài, trẻ xem các video con người và đồ vật dán nhãn cho những đồ vật quen thuộc.

Tùy thuộc vào điều kiện, một bên sẽ luôn dán nhãn chính xác trong khi bên còn lại thì luôn dán nhãn sai. Giai đoạn này có mục đích là thiết lập độ tin cậy hoặc không đáng tin cậy của từng đối tượng trong tâm trí trẻ.

Đến giai đoạn thử nghiệm, trẻ được xem video về việc các đối tượng trên dán nhãn cho đồ vật mới bằng những cái tên xa lạ. Giai đoạn này là để đo lường sự tin tưởng của trẻ vào những đối tượng này dựa trên độ tin cậy được xây dựng từ giai đoạn trải nghiệm trước đó.

Cuối cùng, ở giai đoạn ưu tiên, trẻ sẽ trả lời các câu hỏi đối với hai đối tượng (con người và robot). Những câu hỏi bao gồm các em muốn kể bí mật với ai, muốn làm bạn với ai, nghĩ ai thông minh hơn và thích ai làm giáo viên hơn.

Kết quả bất ngờ

Đúng như dự đoán, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ em có nhiều khả năng tin tưởng vào đối tượng mà các em coi là đáng tin cậy trong giai đoạn trải nghiệm.

Ở giai đoạn thử nghiệm, trẻ cũng biểu hiện rõ sự thích thú khi được hỏi và xác nhận đối tượng nào đáng tin cậy hơn, đối tượng nào không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong trường hợp cả hai đối tượng (con người và robot) đều đáng tin cậy như nhau, trẻ có xu hướng chọn robot thay vì con người.

 Trẻ càng nhỏ tuổi càng tin robot nhiều hơn. Ảnh: SUTD.

Trẻ càng nhỏ tuổi càng tin robot nhiều hơn. Ảnh: SUTD.

Tuổi tác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định niềm tin. Những đứa trẻ lớn tuổi thường sẽ thích và tin con người hơn, đặc biệt là trong trường hợp con người đáng tin cậy còn robot không đáng tin cậy.

Trái lại, trẻ nhỏ tuổi hơn lại thể hiện sự yêu thích đặc biệt đối với robot.

Trong giai đoạn ưu tiên, thái độ của trẻ tiếp tục phản ánh một điều rằng các em rất thích robot. Khi được hỏi, nhiều trẻ có xu hướng chọn robot để chia sẻ bí mật, làm bạn và muốn robot làm giáo viên - đặc biệt là trong trường hợp robot đáng tin hơn con người.

Khi được hỏi ai mắc lỗi, trẻ em - khi xem video robot đáng tin - sẽ có nhiều khả năng đổ lỗi cho người. Điều đó cho thấy trẻ tin rằng robot có năng lực và thông minh hơn.

Các nhà nghiên cứu nêu rằng kết quả này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển các công nghệ tích hợp vào hoạt động giáo dục, phát triển trẻ em.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng có những hạn chế cần xem xét lại. Cụ thể, nhóm nghiên cứu nêu rằng bản chất của việc nghiên cứu online và sử dụng video thay vì tương tác trực tiếp có thể khiến họ không thể nắm bắt đầy đủ những sắc thái khi trẻ và robot tương tác.

Ngoài ra, hiệu ứng mới lạ (novelty effect) cũng là yếu tố khiến chúng ta cần xem xét thêm. Vì sự quan tâm ban đầu của trẻ đối với robot có thể làm sai lệch phản ứng của các em. Do đó, chúng ta cần có thêm những nghiên cứu dài hạn để xác định liệu niềm tin của trẻ đối với robot có tồn tại theo thời gian hay không.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tre-nho-tha-ke-bi-mat-cho-robot-chu-khong-muon-noi-voi-con-nguoi-post1478581.html