Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bên hố ga, khe tường: Người cha ở đâu?

Khi đòi hỏi phải gìn giữ phẩm giá, tránh làm gia phong bại hoại thì chúng ta cũng chỉ nhắm vào người phụ nữ mà quên mất người đàn ông trong 'gia phong' ấy có thể là tác nhân gây hậu quả với người phụ nữ dòng họ khác.

Mùa Vu lan, mấy người không nghe thập ân báo hiếu, nhất là những người ai từng làm mẹ vì “có con mới hiểu lòng cha mẹ”. Nhưng có những người đàn bà, không biết suốt đời có dám nghe thập ân không. Vì sau bao đau đớn tan xương nát thịt sinh con, chị ta không đối diện được tiếp với những cơ cực nuôi nấng con mà vứt bỏ sinh linh, lén nhét xuống hố ga, phơi ngoài ruộng, thả vào kẽ tường, ném vào thùng rác… để cho kiến bâu nắng đốt, còn tội nghiệt nào bằng.

Những tội nghiệt ấy, người mẹ trẻ sẽ dằn vặt, trả giá trong suốt phần đời còn lại và có lẽ cả kiếp sau nhưng còn công chúng xã hội và truyền thông chính thống, có truy lùng tìm kiếm, ngầm kết tội người mẹ ấy cũng chẳng mang lại gì hơn ngoài những bản án bia miệng. Tiếc là truyền thông hiện nay quá “nhiệt tình” trong việc truy lùng này, như một thứ “ẩn ức” từ quá khứ phải “gọt đầu bôi vôi” người phụ nữ lầm lỡ vậy.

Phần lớn mũi dùi chĩa vào người mẹ mà không ai hỏi người cha ở đâu. Mà ở đời, càng truy lùng, càng khiến những người phụ nữ khác, nếu không may lầm lỡ sẽ càng tiếp tục giấu diếm, sợ hãi và rồi không thoát được vòng nghĩ quẩn.

Phần lớn chúng ta cũng chỉ đổ lỗi hơn là tìm căn nguyên trong cái xã hội này, nền giáo dục này, truyền thông này cho tới các dòng họ, gia đình đã dạy dỗ những người đàn ông, đàn bà, bố mẹ của cả trăm nghìn đứa trẻ tội nghiệp bị vứt đi như thế nào?

Bây giờ thử xét: nhà trường đã dạy cho những đứa trẻ, con trai, con gái ứng xử như thế nào khi đến tuổi dậy thì? Nhà trường có dạy những chủ đề mới mẻ như bỏ rơi trẻ sơ sinh không, có chạm đến những vấn đề rất người như thế không? Có khiến cho những đứa trẻ của chúng ta thương xót một thân phận con người, đầy lòng trắc ẩn không?

Giáo dục trong gia đình dòng họ đã từng khi nào nhắc tới không? Những bà mẹ đẻ con gái có khi nào từng nhắc tới tất cả những phương án của đời mình, trong đó cả những rủi ro khi yêu đương với bạn trai không? Hay phần lớn lờ đi, và đứa bé gái ấy lớn dần, tự tìm hiểu về tình dục, không may dính bầu và rồi hết sai lầm này tới sai lầm khác, không giết con thì cũng phá thai?

Những bà mẹ đẻ con trai có từng một lần trong đời nhắc tới trách nhiệm của người đàn ông với bạn gái không? có từng đặt ra phương án lỡ đâu con mình là bố của một đứa trẻ rơi ngoài đường không? có từng nghĩ con mình có thể đưa bạn gái lén lút đi phá thai không?

Mà một khảo sát gần đây cho thấy, đàn ông Việt Nam, dù tuổi quan hệ tình dục lần đầu ngày càng sớm (giờ là 11 tuổi), nhưng ý thức về an toàn tình dục cực kỳ kém, chỉ có 25,78% sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục gần nhất thôi [1]. Chưa kể, hầu hết các chương trình sức khỏe sinh sản hầu như chỉ nhắm vào cơ thể người phụ nữ, chỉ “giáo dục” phụ nữ, chỉ coi nữ mới là tác nhân cần thay đổi, trong khi người đàn ông – một tác nhân nghĩ rằng “luôn chủ động và dẫn dắt khi quan hệ tình dục” [1] thì bị lờ đi.

Dù rủi ro như thế, nhưng xã hội vốn trọng nam này còn nặng nề lắm, nếu chẳng may con gái mang bầu là chết rồi, ngày xưa cầm nón úp bụng đi cắm cúi, ngày nay thì có hơn được mấy phần? Trước đây, mà không nói đâu xa, chỉ độ mươi năm trước thôi, có cưới thì nhà trai chì chiết bằng chết, nhà gái gần như gúi mặt lạy lục mới được cưới, phải chịu đi cửa sau, phải lén lút.

Chẳng đâu xa, chính tôi từng chứng kiến những một đàn ông mà mình vô cùng kính trọng, đã thẳng thừng từ chối nhận cô con dâu và đứa cháu trai mặc dù con trai ông ấy thề thốt đứa trẻ là con mình, chỉ vì một nhẽ “gia phong không chấp nhận cái thứ phụ nữ ấy”. Và không ít lần, mình chứng kiến những người phụ nữ bị búa rìu dư luận “hoang thai” ở quê mình khổ sở như thế nào. Giờ đây tất cả những điều ấy có bớt đi không?

Gỡ được căn nguyên ấy mới bớt được chứ chửi rủa chẳng ích gì. Chỉ một vấn đề này thôi, nhưng khi xới tung nó lên, mình nghĩ rằng, sẽ phải chạm tới cả những thứ khó chịu nhất, chính là “ý thức hệ” trọng nam, các chính sách, các chương trình giáo dục dường như bỏ sót nam giới.

Điều khá buồn cười là khi tìm kiếm "tranh vu lan báo hiếu", chỉ ra kết quả tranh mẹ và con nhưng ngược lại khi chì chiết, người ta cũng chỉ nhằm vào mỗi bà mẹ. Nghịch lý khác, khi đòi hỏi phải gìn giữ phẩm giá, tránh làm gia phong bại hoại thì chúng ta cũng chỉ nhắm vào người phụ nữ mà quên mất người đàn ông trong "gia phong" ấy có thể là tác nhân gây hậu quả với người phụ nữ dòng họ khác.

Nguyễn Thu Quỳnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/chia-se/tre-so-sinh-bi-bo-roi-ben-ho-ga-khe-tuong-nguoi-cha-o-dau-668706.html