Trẻ thành phố hay bị ngộ độc thực phẩm, rất ít khi trẻ vùng cao mắc phải?

Theo nhiều chuyên gia và các bậc phụ phụ huynh: Để chuẩn hóa bữa ăn học đường an toàn, dinh dưỡng trước tiên cần phải chuẩn hóa con người.

Chuẩn hóa con người mới là quan trọng

Trước thực tiễn những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày càng nhiều trong các trường trên cả nước, nhiều địa phương đã bước đầu xây dựng chuẩn hóa thực đơn bữa ăn bán trú. Đây được coi là giải pháp nâng cao dinh dưỡng, cải thiện chất lượng của bữa ăn bán trú.

Việc chuẩn hóa thực đơn là cần thiết vì điều này sẽ giúp bữa ăn của học sinh dinh dưỡng và lành mạnh hơn.

Điều này đúng như khẳng định của Phó giáo sư Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam:

“Dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và kiểm soát sức khỏe, bệnh tật trong chu kỳ vòng đời.

Bữa ăn học đường chiếm một phần quan trọng trong khẩu phần ăn thực tế hàng ngày của trẻ.

Tuy nhiên cho đến nay còn một số hạn chế bao gồm chưa có các danh mục thực phẩm cung cấp năng lượng, các vi chất thiết yếu cho từng nhóm tuổi, cho từng mùa.

Vì vậy cho đến thời điểm này các thực phẩm, món ăn được đưa vào bữa ăn học đường chủ yếu mang tính cảm tính, chưa dựa trên các cơ sở khoa học dinh dưỡng”.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Đỗ Nghiêm Thanh Phương: “Khi những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, trường sẽ phải chịu trách nhiệm chính qua các khâu giám sát lỏng lẻo, quy trình tiếp nhận, sơ chế và chế biến thực phẩm chưa đảm bảo.

Phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm soát và xử lý”.

Chủ động và giám sát nguồn cung cấp thực phẩm rất cần thiết (Ảnh:V.N)

Chủ động và giám sát nguồn cung cấp thực phẩm rất cần thiết (Ảnh:V.N)

Như vậy có thể thấy việc chuẩn hóa thực đơn bữa ăn bán trú là cần thiết tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề đó là khâu nhập thực phẩm, khâu chế biến…

Trong quá trình tiếp xúc với nhiều công ty thực phẩm, phóng viên nhận ra rằng; Trên thực tế việc cung cấp thực phẩm vào các trường học là bài toán lợi ích, bài toán lợi nhuận chằng chéo và có sự tham gia của nhiều người, nhiều cấp.

Nếu đây là bài toán lợi ích thì rất khó để giải quyết mà cái khó giải quyết nhất chính là nằm ở lương tâm, đạo đức của con người.

Họ là những người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quy trình đưa bữa ăn học đường đến bàn ăn của học sinh từ khâu chọn nhà cung cấp, nhập thực phẩm, chế biến, giám sát…

Xin được đưa ra một so sánh nhỏ: Vì sao các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học lại thường xảy ra ở các tỉnh/ thành phố lớn, khu vực đồng bằng mà ít xảy ra ở khu vực vùng cao?

Vì sao các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học thường xảy ra ở vùng đồng bằng, tỉnh/thành phố lớn (Ảnh:V.N)

Vì sao các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học thường xảy ra ở vùng đồng bằng, tỉnh/thành phố lớn (Ảnh:V.N)

Thầy Nguyễn Duy Tiến, hiệu trường trường bán trú Bản Công (Trạm Tấu, Yên Bái) giải thích: “Việc học sinh có được ăn ngon và ăn đủ dinh dưỡng hay không phụ thuộc lớn nhất vào cái tâm của thầy cô.

Bởi chính sách Nhà nước áp dụng chung cho tất cả các trường. Khi về trường tùy từng nơi sẽ có cách làm khác nhau. Nhưng yếu tố lớn nhất quyết định đến chất lượng bữa ăn vẫn là con người.

Vì sao trên các trường vùng cao ít xảy ra ngộ độc thực phẩm. Trong khi đáng lẽ ra miền xuôi phải làm tốt hơn. Tôi cho rằng có mấy nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Nguồn thực phẩm trên vùng cao được cho là sạch hơn và an toàn hơn so với đồng bằng. Trên đây có rau sạch, thịt lợn, thịt gà sạch….

Thứ hai: Việc lựa chọn nguyên liệu cho bữa ăn thường có sự chung tay của thầy cô giáo chứ không đơn thuần chỉ giao cho các đơn vị bếp.

Thứ ba: Trên vùng cao giáo dục chưa bị thương mại hóa quá nhiều trong đó có vấn đề bữa ăn bán trú. Cho nên mọi người vẫn làm vì cái tâm của người làm giáo dục. Chúng tôi vẫn nói với nhau tất cả vì học sinh thân yêu”.

Chuẩn hóa con người mới có thể chuẩn hóa bữa ăn học đường. Nhưng điều này rất khó (Ảnh:V.N)

Chuẩn hóa con người mới có thể chuẩn hóa bữa ăn học đường. Nhưng điều này rất khó (Ảnh:V.N)

Cũng theo thầy Tiến, việc lựa chọn thực phẩm vào các trường học ở vùng cao có nhiều điểm khác biệt so với dưới xuôi.

Thầy Tiến nói: “Mỗi sáng các thầy cô sẽ đi chợ cùng nhà bếp để chọn mua thực phẩm cho các con. Chúng tôi không lựa chọn mua thực phẩm cố định ở một nơi.

Ví dụ có nhà nào ngon, nhà nào sạch thì phụ huynh sẽ thông báo cho các thầy cô đi mua. Việc lựa chọn thực phẩm cẩn thận như vậy khiến các vụ ngộ độc thực phẩm trên đây hầu như không có”.

Nói có sách, mách có chứng, hơn 11 năm làm công tác hiệu trưởng, thầy Tiến chưa từng thấy một vụ ngộ độc thực phẩm trong các trường bán trú nào tại huyện Trạm Tấu.

Cuối cùng, thầy Tiến kết luận: “Thực đơn chỉ là một phần, quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu cũng như cái tâm của hiệu trưởng của thầy cô.

Việc bớt xén bữa ăn có gì mà không biết? Nhìn bằng mắt thường là biết các cháu ăn một bữa được bao nhiêu tiền. Chỉ có điều họ có làm nghiêm túc hay không?”.

Không thể thương mại hóa bữa ăn học đường!

Nhiều người chỉ ra rằng: Chính việc thương mại hóa bữa ăn trường học là nguyên nhân dẫn đến việc có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm cũng như chất lượng bán trú không được đảm bảo.

Điều này được chính những người trong cuộc thừa nhận. Một số công ty tiết lộ rằng có thể mua được những bộ hồ sơ kiểu như trên.

Chẳng hạn, giám đốc N.V.X của công ty thực phẩm A.V tiết lộ một bộ hồ sơ như vậy có thể mua với mức giá khoảng 50 triệu đồng.

Vì vậy việc đánh giá chất lượng bữa ăn trường học thông qua hợp đồng cung cấp thực phẩm, hồ sơ năng lực của công ty là chưa đầy đủ, vẫn có kẽ hở cho những kẻ muốn lách luật.

Chị N.T.H từng làm kế toán tại 3 trường tiểu học (Thường Tín, Hà Nội) bức xúc: “Tôi làm việc trong các trường và thấy bữa ăn học đường của các con bị ăn kinh khủng. Đặt địa vị người làm cha, làm mẹ mình thấy xót ruột vô cùng.

Nhiều trường đặt cơm hộp từ các công ty. Khi mang cơm đến thì đã nguội tanh, nguội ngắt. Nhưng lo lắng nhất đó chính là nguồn thực phẩm không được đảm bảo. Vì các trường muốn có lợi nhuận buộc phải mua thực phẩm kém chất lượng cho các con”.

Có một thực tế là hiện nay quy trình tổ chức bữa ăn học đường gần như là khép kín. Để tiếp cận những bữa ăn của các con tại trường rất khó.

Điều này được chính chị H. khẳng định: “Tôi quan sát những lúc các con ăn nhà trường không cho người ngoài vào thậm chí là phụ huynh học sinh.

Cho nên việc tiếp cận những bữa ăn như vậy rất khó và cũng bất khả thi nếu muốn có bằng chứng. Các bữa ăn được tổ chức gần như khép kín từ việc chọn nhà cung cấp thực phẩm, bếp ăn chế biến…Phụ huynh chỉ đóng tiền và phó thác con mình cho nhà trường mà thôi”.

Mực ngâm hóa chất, sau đó được đưa vào sau cánh cổng trường học (Ảnh: Vũ Ninh)

Mực ngâm hóa chất, sau đó được đưa vào sau cánh cổng trường học (Ảnh: Vũ Ninh)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng: Hiện nay, việc tổ chức các bữa ăn học đường vẫn dựa trên nguyên tắc giám sát lẫn nhau bằng các hợp đồng, chứ liên tục kiểm tra mỗi ngày cũng khó, không đủ kinh phí để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra mỗi ngày.

Còn việc đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm bằng mắt thường là rất khó.

Việc đánh giá cảm quan tùy thuộc kinh nghiệm của mỗi người, bên cạnh đó, cảm nhận lúc đúng lúc sai, không thể đánh giá khi chưa có kiểm tra chính xác. Kinh nghiệm chỉ có thể tham khảo chứ chưa thể đem ra kết luận.

Với những lập luận nêu trên có thể thấy chặng đường chuẩn hóa bữa ăn học đường vẫn thực sự còn nhiều chông gai. Chuẩn hóa hình thức không thể nâng cao dinh dưỡng bữa ăn. Chỉ có chuẩn hóa về mặt con người thì mới đảm bảo học sinh được ăn uống lành mạnh, đầy đủ.

Vũ Ninh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tre-thanh-pho-hay-bi-ngo-doc-thuc-pham-rat-it-khi-tre-vung-cao-mac-phai-post205366.gd