Trẻ thiếu kỹ năng sống
Hằng tháng, tôi đều đặn nộp tiền học kỹ năng sống (KNS) cho con. Vừa rồi, trong lúc chờ đóng tiền, tôi nghe được cuộc trò chuyện ngắn của 2 phụ huynh.
Một phụ huynh hỏi: "Anh đóng tiền gì thế?". Người kia trả lời: "Tiền học KNS đấy". Nghe thế, phụ huynh vừa hỏi nói ngay: "KNS thì học ở nhà, bố mẹ dạy, cần gì phải mất tiền học ở trường".
Nghe đến đây, tôi nhớ tới câu chuyện khác. Tôi từng đi cùng xe ô tô với một chị công tác trong ngành y tế của tỉnh. Chị kể rằng vừa phải làm thủ tục sang Úc khoảng 3 tháng để dạy con đang học đại học bên đó cách... nấu nướng.
Từ tiểu học đến hết THPT, con chị đều học ở trường chuyên, lớp chọn. Vốn thương con phải học hành vất vả trong môi trường nhiều áp lực, mỗi khi con ở nhà, chị thường giành làm hết việc nhà với mong muốn con có thời gian nghỉ ngơi và học hành.
Sau khi tốt nghiệp THPT, con chị kiếm được một suất học bổng du học Úc. Ngày đầu sang đó, con chị gọi điện về nhà hỏi mẹ sao nấu cơm mãi mà cơm không chín.
Chị tá hỏa hỏi lại và giật mình khi con còn chưa biết bật nút nấu cơm. Bây giờ chị thực sự ân hận vì thuở nhỏ không quan tâm dạy con những kỹ năng nhỏ nhất như thế.
Thời gian qua, nhiều người cảnh báo về tình trạng trẻ em Việt Nam thiếu KNS tối thiểu. Vài chục năm trở về trước, hầu hết trẻ em ở độ tuổi học tiểu học biết tự vệ sinh thân thể, thức dậy tự giác gấp chăn màn và phụ giúp bố mẹ những công việc nhà đơn giản như nấu ăn, giặt giũ, quét nhà, trông em... Ngày nay, những em làm được việc ấy ngày càng hiếm.
Thời gian biểu phổ biến của nhiều trẻ em ngày nay là: đi học ở trường, về nhà ăn cơm, học bài, xem điện thoại hoặc ti vi và đi ngủ. Chính vì thiếu KNS tối thiểu từ bé nên nhiều bạn trẻ khi là sinh viên đại học vẫn chưa biết cách nấu ăn như câu chuyện trên.
Học sinh thiếu KNS, lỗi thuộc về ai? Nhiều phụ huynh vội vàng đổ lỗi cho nhà trường vì thiếu quan tâm giảng dạy, giáo dục. Họ không thấy lỗi của chính bản thân mình trong đó.
Gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên, thường xuyên và rất quan trọng trong giáo dục KNS cho trẻ. Bố mẹ phải là người dạy bảo cho trẻ những kỹ năng thiết yếu nhất như KNS tự lập, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm, kỹ năng ứng xử...
Trong cuốn sách "Thế kỷ XXI - ánh sáng giáo dục", tác giả nổi tiếng người Nhật Bản Ikeda Daisaku viết về việc giáo dục KNS tự lập cho trẻ: "Tập cho trẻ tự lập là việc quan trọng. Có thể nói căn bản trong giáo dục gia đình là dạy cho trẻ tự lập".
Không ít gia đình không quan tâm tới chuyện dạy con nói chung, dạy KNS nói riêng. Song cũng có những phụ huynh vì quá quan tâm tới chuyện học của con cái mà ảnh hưởng tới dạy KNS.
Ở những gia đình này, họ cho rằng tạo điều kiện cho con hết mức về thời gian để con học hành, tiếp thu kiến thức, còn những việc vặt như nấu ăn, làm việc nhà thì để bố mẹ làm hết, con không phải làm.
Sau nhiều năm, một số bậc cha mẹ chợt nhận ra cách giáo dục như vậy không ổn, muốn dạy con KNS, song gặp rất nhiều khó khăn vì trẻ đã hình thành nếp nghĩ rằng làm những việc vặt ấy là của cha mẹ.
Còn trách nhiệm từ phía nhà trường thì sao? Ngành giáo dục hiện nay vẫn còn thiên về truyền thụ kiến thức, việc dạy KNS còn ít. Gần đây, nhiều cơ sở giáo dục triển khai dạy KNS với hình thức hợp tác tới đơn vị tư nhân nên phải đóng phí thì học sinh mới được học.
Năng lực con người nói chung, trẻ em nói riêng gồm 3 yếu tố hợp thành: kiến thức - kỹ năng - thái độ. Nếu chỉ biết giáo dục kiến thức cho trẻ mà bỏ qua KNS sẽ là thiếu sót lớn. Khắc phục thiếu sót ấy không chỉ có trách nhiệm từ phía nhà trường, mà khởi đầu phải từ các gia đình.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/tre-thieu-ky-nang-song-119440