Trẻ thiếu tự tin có 9 dấu hiệu đáng báo động mà cha mẹ thường xem nhẹ, bỏ lỡ thời gian vàng khắc phục cho con

Thiếu tự tin sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của trẻ, càng khiến tâm sinh lý phát triển không khỏe mạnh.

Hadfield, một nhà tâm lý học nổi tiếng người Anh, đã nói: "Chỉ khi nào người ta tự tin thì mới sử dụng được trên 500% tiềm năng, còn người không tự tin, kém tự tin thì mới sử dụng được 30% khả năng của mình".

Một giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, thông qua một cuộc khảo sát trẻ em từ hàng trăm gia đình: Người ta thấy rằng một số trẻ em mặc cảm tiêu cực là do giáo dục gia đình không hợp lý. Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện ra những hành vi giáo dục con cái không đúng cách, khiến con cái nảy sinh mặc cảm, tự ti, thì sẽ gián tiếp hủy hoại cuộc đời của con mình.

Bởi vậy, khi con có những biểu hiện sau cha mẹ nên có phương pháp khắc phục kịp thời.

1. Dễ xúc động khi thất bại

Thất bại là bình thường và xảy ra rất nhiều. Nhưng nếu con có lòng tự trọng thấp, thiếu tự tin, trẻ dễ khóc, tức giận hoặc tỏ ra thất vọng tột độ khi thất bại hoặc thua cuộc.

Trẻ thiếu tự tin dễ tỏ ra thất vọng tột độ khi thất bại. Ảnh minh họa

Trẻ thiếu tự tin dễ tỏ ra thất vọng tột độ khi thất bại. Ảnh minh họa

2. Không dám phản kháng

Những đứa trẻ quyết đoán và biết suy nghĩ sẽ lớn tiếng phản đối và bày tỏ sự không hài lòng sau khi bị đối xử bất công. Trong khi đó có những bé nhút nhát, khi bị bắt nạt cũng không dám bày tỏ thái độ bất bình.

Thông thường, trẻ tự ti dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt vì cho dù trong lòng có bất mãn cũng không dám để mình mất bình tĩnh. Nguyên nhân là vì các bé cảm thấy việc thể hiện suy nghĩ bản thân là không an toàn và sẽ làm chính mình tổn thương.

Sở dĩ trẻ có những phản ứng khác nhau như vậy có liên quan nhiều đến thái độ của cha mẹ. Khi một đứa trẻ mất bình tĩnh, nếu phụ huynh có đủ kiên nhẫn và bao dung sẽ cho phép trẻ bộc lộ những cảm xúc tiêu cực của mình. Sau khi cơn giận đã đi qua, bố mẹ có thể ngồi lại nói chuyện và phân tích cho con hiểu điều đúng - sai.

Nhưng trên thực tế không phải gia đình nào cũng làm được điều này. Nhiều cha mẹ thấy con nổi cáu sẽ mất bình tĩnh, thậm chí la mắng kèm theo lời ra lệnh "không được khóc". Những đứa trẻ như vậy lâu dần sẽ hình thành suy nghĩ không được mất bình tĩnh. Con sẽ kìm nén những cảm xúc này, thà chịu ấm ức còn hơn dám nói ra sự không hài lòng của mình.

Dần dần trẻ sẽ trở nên tự ti, rụt rè.

3. Trẻ quá nhút nhát

Trẻ em, đặc biệt là các bé gái thường có xu hướng nhút nhát và hay xấu hổ. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện quá nhút nhát như: không dám hát trước bạn bè, không dám xuất hiện trước nhiều người, không dám tiếp xúc với người lạ... thì có khả năng sâu trong nội tâm của bé đã ẩn chứa một phần tâm lý tự ti khá lớn.

4. Nói tiêu cực về bản thân hoặc người khác

Những người có lòng tự trọng cao suy nghĩ cho bản thân và mọi người. Ngược lại, người thiếu tự tin lại nghĩ tiêu cực về chính mình và người khác. Khi tự ti, trẻ trở nên nhạy cảm với mọi công việc, lời nói của những người xung quanh.

Khi tự ti, trẻ trở nên nhạy cảm với mọi công việc, lời nói của những người xung quanh. Ảnh minh họa

Khi tự ti, trẻ trở nên nhạy cảm với mọi công việc, lời nói của những người xung quanh. Ảnh minh họa

5. Không dám thử những điều mới

Một đứa trẻ có lòng tự trọng thấp thường quan tâm quá nhiều đến ánh mắt của người khác, đặc biệt sợ người khác đánh giá khi thất bại. Để tránh bị người khác đánh giá, các bé có xu hướng càng ít thể hiện bản thân càng tốt và ẩn mình trong đám đông.

Khi một đứa trẻ như vậy lớn lên, ngay cả khi có cơ hội, nó có thể không nắm bắt được vì lòng tự trọng thấp và bỏ lỡ nhiều cơ hội.

6. Trẻ khó tập trung

Trẻ có lòng tự ti cao thường khó hoàn toàn tập trung khi học tập hay vui chơi hoặc chỉ tập trung được trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đây là một hệ quả nghiêm trọng và không thể tránh khỏi mà tâm lý mặc cảm gây ra cho trẻ.

7. Hay so sánh

Nếu con bạn liên tục so sánh mình với bạn bè hoặc người khác, điều đó có thể có nghĩa chúng không thích hoặc không tự tin về con người của mình.

Điều này có thể nghĩ theo hai cách - trẻ tự hạ mình xuống hoặc hạ thấp người khác để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn. Dù bằng cách nào, lối suy nghĩ đó đều không lành mạnh.

Nếu con bạn có lòng tự trọng thấp, chúng có thể bỏ cuộc trước khi đưa ra quyết định. Ảnh minh họa

Nếu con bạn có lòng tự trọng thấp, chúng có thể bỏ cuộc trước khi đưa ra quyết định. Ảnh minh họa

8. Bỏ cuộc quá sớm

Nếu con bạn có lòng tự trọng thấp, chúng có thể bỏ cuộc trước khi đưa ra quyết định. Trẻ cũng có thể tránh hoàn toàn tình huống chúng nghĩ sẽ thất bại và không cố gắng vượt qua thử thách.

9. Trẻ "khao khát" được khen ngợi

Mặc dù trẻ tự ti luôn đánh giá mình thấp kém hơn người khác nhưng chúng lại khao khát được nhận lời khen từ bố mẹ, thầy cô hơn ai hết. Thậm chí vì điều này, trẻ có thể dùng những phương thức không thành thật, không đúng đắn như dối trá hay gian lận trong kì thi...

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tre-thieu-tu-tin-co-9-dau-hieu-dang-bao-dong-ma-cha-me-thuong-xem-nhe-bo-lo-thoi-gian-vang-khac-phuc-cho-con-172240619162607114.htm