Trẻ thơ mang trái tim... người lớn
Ghép tim không lúc nào là dễ dàng, từ chi phí điều trị, kỹ thuật đến việc tìm đươc quả tim thích hợp. Hành trình đó càng gian nan hơn, khi người bệnh là những trẻ em sống trong điều kiện gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Câu chuyện về hai đứa trẻ chúng tôi muốn nói tới ở đây vô cùng đặc biệt- đó là những đứa trẻ có trái tim người lớn. Các em được sống ngày hôm nay là kết quả của hàng triệu trái tim Việt Nam cùng chung nhịp đập nhân ái, có cả trái tim của một bệnh nhân chết não, nhưng giàu tình yêu thương lúc sinh thời.
Mang nhịp đập của triệu con tim
Tròn 2 năm, kể từ năm 2018, em Phạm Văn Cơ, khi đó 15 tuổi được ghép tim từ một người tai nạn giao thông hiến tặng. Trái tim này đã được “bay” từ Hà Nội vào BV Trung ương Huế để ghép cho Cơ. Hai năm sau ghép tim, hiện sức khỏe của Cơ hoàn toàn ổn định. Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe& Đời sống, chị Ánh, mẹ của Cơ cho biết, hiện Cơ có cuộc sống sinh hoạt như người bình thường; em đang theo lớp học văn hóa và học nghề .
Chị Ánh vẫn hàng ngày chạy chợ bán cá lấy tiền lo cuộc sống gia đình cũng như tiền thuốc cho con. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên ca ghép tim của Cơ được các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân tài trợ toàn bộ.
Bé Chi 10 tuổi ở huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) là bệnh nhi may mắn được ghép tim từ một người cho 37 tuổi. Kể từ ngày được ghép tim thành công, đến nay cuộc sống của Chi đã bước sang một trang mới.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hà Văn Sảng bố của bé Hà Ngọc Chi cho biết, cuộc sống của Chi đã khác trước rất nhiều. Chi đã đến trường đi học cùng bạn bè, tình hình sức khỏe rất ổn. Em có thể tự leo 3 tầng cầu thang để lên lớp học thay vì trước đó bố mẹ phải cõng. Hàng ngày nhìn thấy con đến trường vui vẻ, học tập và chơi cùng bạn bè, khiến anh chị vui mừng khôn xiết.
Bé Chi mắc bệnh giãn cơ tim từ nhỏ. Anh trai của bé cũng mắc bệnh này và đã qua đời. Gia đình Chi vốn rất khó khăn, bố làm công nhân, mẹ làm tạp vụ. Khó khăn chồng chất hơn khi phải lo lắng nuôi con mắc bệnh hiểm nghèo. Cách duy nhất để kéo dài sự sống cho bé chính là “thay tim”. Bố mẹ Chi khi nghe đến việc con gái cần phải ghép tim mới có thể được kéo dài sự sống thì vừa mừng, vừa lo. Mừng vì có một cánh cửa hy vọng hé mở để con được sống. Nhưng lo cũng nhiều, bởi tiền đâu để ghép. Lương công nhân của anh và lương tạp vụ của chị chắc chắn không bao giờ mơ được con số vài trăm triệu đồng. Thế rồi, chạy vạy được một phần lẻ tiền chi phí được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, gia đình lại đau đáu: tim đâu để ghép? Anh chị và bé lại chờ đợi một phép màu.
Phép màu rồi cũng đã đến, khi một người đàn ông 37 tuổi gặp tai nạn giao thông bị chết não và gia đình đã tình nguyện hiến toàn bộ tạng. May mắn là bé Chi có chỉ số trùng khớp và bé được tiến hành ghép lại tim ngay sau đó. Ca phẫu thuật thành công và trái tim ấy đã tiếp tục đập lại trong lồng ngực của bé Chi.
Hiện nay, Chi vẫn đều đều hàng tháng lên Hà Nội khám bệnh và lấy thuốc. Cháu cùng gia đình đi xe từ 3h sáng ở quê nhà Văn Lãng, Lạng Sơn xuống Hà Nội khám xong xuôi chiều lại về nhà. Anh Sảng cho biết, lịch trình đi lại vô cùng vất vả như vậy, nhưng cháu vẫn đảm bảo được sức khỏe.
Cả Bé Chi và bé Cơ đều có chung một hoàn cảnh. Bởi, bố mẹ Chi và bố mẹ Cơ cũng có 2 con và cả 2 con đều bị mắc bệnh tim. Mỗi gia đình có một đứa con đã ra đi vì bệnh này. Họ cũng nghèo như nhau và chi phí để có được cho ca ghép là nhờ phần lớn vào sự hỗ trợ của cộng đồng. Bé Chi, bé Cơ được sống như ngày nay chính là nhờ vào bàn tay sẻ chia của cả cộng đồng.
Câu chuyện hồi sinh tưởng như chỉ có trong cổ tích của bé Cơ hay bé Chi, cùng nhiều ca ghép tạng thành công từ người hiến chết não khác, đã viết nên biết bao câu chuyện phi thường về tình người, để những mầm sống được hồi sinh.
Câu chuyện tình người
Để có được cuộc sống hôm nay, Cơ và Chi đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng, sự cố gắng nỗ lực của gia đình, bác sĩ, cùng lòng từ tâm của một người không thân quen. Qua cuộc đời không mấy suôn sẻ của các bé chúng ta cảm nhận được một tinh thần tương thân tương ái, những vòng tay luôn sẵn sàng giúp đỡ những con người khốn khó. Là nỗ lực phi thường của những người quyết không từ bỏ hy vọng, dù cơ hội rất mong manh.
Đó còn là câu chuyện về những con người có lòng nhân ái, bao dung. Họ sẵn sàng để lại một phần cơ thể mình để mang hi vọng và sự sống cho nhiều người khác.
Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, 6 năm qua, trung tâm đã vận động và thu hút hơn 30.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 10.000 người tham gia đăng ký.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, khi ghép tim cho bệnh nhi có rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là sự phù hợp về mặt kích thước tim giữa người cho và người nhận ở Việt Nam. Đối với ghép tim người lớn thì không cần đo đạc kỹ lưỡng.
Tỷ lệ cân nặng giữa người cho và người nhận chênh nhau dưới 20%, tức tỉ lệ cho và nhận dưới 1,2 thì ghép rất tốt; từ 1,2 - 1,3 có thể ghép nhưng khó khăn; 1,3 - 1,5 rất hạn chế chỉ định ghép; trên 1,5 là không có chỉ định ghép tim.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-tho-mang-trai-tim-nguoi-lon-n177108.html