Trẻ trầm cảm, phụ huynh cũng cần được 'giải cứu'

Trẻ áp lực học tập dẫn đến trầm cảm và có những suy nghĩ tiêu cực, hành động dại dột không phải là câu chuyện mới nhưng cũng khiến phụ huynh giật mình nhìn lại cách giáo dục con trong gia đình.

Cần có các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức phòng tránh trầm cảm ở trẻ. (Nguồn: TT)

Cần có các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức phòng tránh trầm cảm ở trẻ. (Nguồn: TT)

Có rất nhiều người làm cha làm mẹ gây sức ép lên con cái mình với lý do yêu thương và lo lắng cho con đã gây ra tổn thương lớn cho con.

Đứa trẻ nào cũng chỉ học tập trong 12 năm đầu đời và kết quả học tập đôi lúc không phải là giá trị của con.

Thế nhưng, sự hãnh diện khi khoe con đã khiến cho áp lực cha mẹ càng cao hơn, đặc biệt là một số cha mẹ có con học tập xuất sắc sẽ cảm thấy việc ép con học là đem lại tương lai tốt cho con.

Điều này cũng khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái lớn hơn. Sự mất kết nối với cha mẹ, với bạn bè đã khiến trẻ rơi vào tột cùng cô đơn, khiến các con dễ đi tới các hành vi tiêu cực.

Rõ ràng báo chí, các chuyên gia đã nói rất nhiều về giảm áp lực học tập nhưng với một bộ phận cha mẹ, mọi việc không hề thay đổi. Họ bỏ ngoài tai mọi thứ cho đến khi hậu quả đau lòng xảy ra ở đâu đó.

Tôi nghĩ rằng, trầm cảm không phải vấn đề giản đơn để mọi người có thể cập nhật và can thiệp. Điều cần thiết là phải có cách phòng tránh nó với mọi người, từ trẻ đến già. Vì thế, tôi cho rằng, rất cần có các chiến dịch truyền thông và các hoạt động cộng đồng để nâng cao nhận thức phòng tránh trầm cảm.

Tôi cảm thấy buồn khi các vụ việc đau lòng vẫn tiếp diễn không có điểm dừng.

Nhiều người đặt câu hỏi về nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ việc đau lòng có phải vì áp lực học tập hay thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề? Chưa chắc các con thiếu kĩ năng giải quyết vấn đề. Tôi cho rằng, các con đang thiếu tự do để làm điều tốt nhất cho mình khi bị bủa vây bởi các áp lực. Các con bị ép phải nghe lời, phải là con ngoan, phải giữ thể diện. Cũng có trẻ cảm thấy cô đơn quá sức khi những nhu cầu cảm xúc khác không được quan tâm.

Vấn đề của trẻ em tuổi teen rất nhiều và các con cần sự trợ giúp về tâm lý cũng như rèn kĩ năng. Theo tôi, việc hướng dẫn cho cha mẹ là việc cần làm lúc này.

Nuôi dạy đứa trẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Mỗi đứa trẻ là một con người hoàn chỉnh và phức tạp. Hiểu được con, định hướng tốt cho con chính là điều ai cũng mong muốn. Thế nhưng, để hiểu và định hướng được cho con, không chỉ cần tìm hiểu cách giáo dục con, mà đôi khi còn cần dìm cảm xúc và suy nghĩ chủ quan của mình xuống để bình tâm suy xét và hành động.

Nền móng vững chắc để đứa trẻ lớn lên trở thành người tử tế là gì? Kiến thức là phần nhỏ nhất, trong khi tính cách, đạo đức và kĩ năng, hành vi của một con người cần được quan tâm, chú trọng.

Nhìn nhận nghiêm túc vấn đề của con, tập trung vào kĩ năng và đạo đức sẽ giúp con nhiều hơn là quan tâm quá sâu đến việc học.

Nhìn lại, những sự việc đau lòng liên quan đến trẻ bị trầm cảm và có những hành vi dại dột, có lẽ ngay chính những người làm cha làm mẹ cũng cần được “cứu” một cách đúng nghĩa. Làm sao để cha mẹ không bị điểm số, thành tích của con làm lung lay. Làm sao để mỗi chúng ta phải biết đón nhận và hài lòng những gì thuộc về con, không cảm thấy buồn nếu con bị điểm kém, không cảm thấy thất vọng khi con thi trượt.

Chính chúng ta phải cho con cảm giác yên tâm và hạnh phúc, truyền năng lượng tích cực để con có thể vượt qua được những thất bại đầu đời.

Hơn cả, ngay chính phụ huynh cũng cần được “giải cứu” khỏi tư tưởng con giỏi giang thành đạt mới đáng công nuôi dạy. Chúng ta nghe đâu đó câu nói, hãy để con sống cuộc đời của nó chứ không phải gồng mình học giỏi để thỏa mãn niềm kiêu hãnh và tự hào của cha mẹ, không phải thực hiện ước mơ còn dang dở của cha mẹ.

Tình yêu cha mẹ nào cũng dành cho con rất lớn. Nhưng tình yêu thương khác với việc biến con trở thành thứ có thể sở hữu. Chúng ta càng không nên ép trẻ lập trình theo những gì ta muốn.

Ở một góc nhìn khác, tôi nhận thấy việc cợt nhả khi con có cảm xúc buồn bã lúc bé cũng là một thói quen rất nhiều cha mẹ mắc phải. Cha mẹ bỏ qua những lúc con cáu giận, thậm chí mắng mỏ, xỉ vả, trấn áp để con ngừng nói. Cha mẹ can thiệp thô bạo vào việc học tập của con, bạn bè của con, cả những thú vui của con cũng bị điều khiển...

Cha mẹ ép con làm những việc con không muốn. Cha mẹ bắt con phải biết ơn, phải nín nhịn bởi vì họ luôn nói: ngoài cha mẹ, không ai yêu thương con như vậy.

Trong khi đó, các bậc cha mẹ khi mua một cái ti vi cũng phải học cách điều khiển, mua một cái ô tô cũng phải đi học lái. Thế nhưng, không ít cha mẹ lại cho rằng không có thời gian để học cách dạy con. Rõ ràng, cha mẹ đã không tôn trọng con như con mong muốn.

Để trẻ thật sự cảm thấy thoải mái và vui sống, đây là lúc cha mẹ cần phải tự nhận lỗi mỗi khi làm sai. Nếu thấy mình không đúng, cần nói lời xin lỗi con và chuyên tâm sửa sai. Khi đó, con sẽ được giải tỏa ức chế và cảm thấy được tôn trọng.

“Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” vẫn là câu nói mỗi cha mẹ cần nhớ. Dũng cảm vượt qua sở thích khoe con cũng là một biểu hiện của tình yêu với con mình.

Nguyệt Hà (ghi)

TS. Vũ Thu Hương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tre-tram-cam-phu-huynh-cung-can-duoc-giai-cuu-179493.html