Trẻ tử vong sau khi tiêm chủng: Ai chịu trách nhiệm?
'Tùy tính chất hành vi và mức độ lỗi mà người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự'.
Ngày 10/10, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc) xảy ra trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B. Cùng ngày, có 10 bé khác cũng được tiêm loại vaccine này nhưng không có dấu hiệu bất thường.
Ngày 12/10, tại trung tâm Y tế thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) ghi nhận bé gái 2 tháng tuổi tử vong sau tiêm vaccine 5 trong 1 (Combe Five). Sau đó có 5 trẻ khác có dấu hiệu bất thường sau tiêm, trong đó 2 trẻ bị sốc phản vệ mức độ 3, 2 trẻ bị sốt cao, nôn.
Sau vụ việc cả 2 tỉnh Sơn La và Vĩnh Phúc đã tạm dừng tiêm 2 lô vaccine nói trên đồng thời gửi mẫu về văn phòng tiêm chủng mở rộng để kiểm tra.
Ngày 14/10, Bộ Y tế đã gửi công điện đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Y tế Sơn La chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng tổ chức điều tra, họp hội đồng tư vấn chuyên môn để đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng của các bệnh nhi, qua đó triển khai những hoạt động theo quy định.
Theo ghi nhận, trong 3 tháng đầu năm 2020, các cơ sở tiêm chủng có 17 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng mở rộng, trong đó có 6 ca tử vong. Trong số các trường hợp tai biến nặng, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá có 7 trường hợp sốc phản ứng phản vệ do đặc tính cố hữu của vaccine, 1 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên, 3 trường hợp không rõ nguyên nhân.
Không có trường hợp nào thuộc một trong 3 nhóm nguyên nhân: do chất lượng của vaccine, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.
Tuy nhiên với những vụ việc trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine trong thời gian gần đây trên cả nước đã khiến cho nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm trong những trường hợp này thuộc về ai?
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Với vụ việc trẻ em tử vong sau tiêm thì cần xác định nguyên nhân xảy ra sự việc.
Trường hợp trẻ em tử vong sau tiêm do bị sốc phản ứng phản vệ hoặc do đặc tính cố hữu của vaccine. Với các phản ứng này nếu được xử lý kịp thời tại các cơ sở y tế, trẻ sẽ ít nguy hiểm tính mạng nhưng nhiều trường hợp không kịp xử lý thì có thể dẫn đến tử vong. Đây được xem là trường hợp rủi ro y tế trong tiêm phòng.
Nếu nguyên nhân của sự việc được kết luận là do lỗi hệ thống, quy trình khám bệnh, chữa bệnh không đảm bảo thì trách nhiệm thuộc về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Còn một trường hợp khác có thể xảy ra là do sai sót chuyên môn của nhân viên, cán bộ y tế trong quá trình bảo quản hoặc tiêm vaccine. Tùy tính chất hành vi và mức độ lỗi mà người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Trên thực tế, đã có những cán bộ y tế bị xử lý hình sự về Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự do có sai sót về chuyên môn trong quá trình khám chữa bệnh dẫn đến bệnh nhân tử vong”, Luật sư Cường cho biết.
Từ những vụ việc trẻ tử vong, và có biểu hiện bất thường sau tiêm xảy ra trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng cần có một sự đánh giá chặt chẽ, khách quan để tìm ra nguyên nhân gây nên những sự việc đáng tiếc trên để xử lý đúng quy định pháp luật, cho dư luận một câu trả lời thỏa đáng.