Trẻ vị thành niên phạm tội – vì đâu nên nỗi?

Trẻ vị thành niên phạm tội là vấn đề đáng lo ngại trong xã hội, đòi hỏi các bậc làm cha, làm mẹ cần thường xuyên quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi của các em để có những định hướng, giáo dục phù hợp, trang bị cho các em những kỹ năng sống cần thiết nhằm tránh xa những cạm bẫy trong cuộc sống.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo ở độ tuổi vị thành niên.

Từ vụ việc đau lòng...

Tháng 3-2021, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với vụ án giết người xảy ra tại khu vực Công viên Hội An (TP Thanh Hóa) xảy ra hồi tháng 12-2019. Nguyên nhân xảy ra vụ án cũng xuất phát từ những mâu thuẫn giữa những học sinh khối lớp 10 của một trường THPT trên địa bàn mà đã khiến một học sinh phải tử vong.

Sự việc xảy ra khi Hoàng A. và Minh T. đều là học sinh lớp 10, tuy không học cùng lớp nhưng cả hai có quen biết và cùng tham gia nhóm bạn trên mạng xã hội facebook để nói chuyện qua messenger. Quá trình học tập tại trường, T. đã nảy sinh mâu thuẫn với một bạn cùng lớp của A. Vì muốn bênh vực bạn, nên A. đã nhắn tin nói chuyện với T. trong nhóm bạn chung trên mạng xã hội, dẫn đến việc hai bên xảy ra mâu thuẫn, thách thức đánh nhau. Chiều ngày 10-12-2019, trong khi các lớp đang tập luyện phục vụ đồng diễn tại Công viên Hội An, T. và A. hẹn gặp nhau ở khu vực cổng phía Bắc công viên để giải quyết mâu thuẫn. Trong lúc hai bên xô xát đánh nhau, Ngô Sĩ Hoàng H. (là bạn ở gần nhà T.) - người được T. gọi đến để đánh nhau đã dùng dao nhọn đâm A. tử vong.

Chứng kiến phiên tòa xét xử, rất nhiều người hẳn đã cảm thấy đau lòng bởi những giọt nước mắt, lời nói nghẹn ngào của người thân gia đình bị hại cầm di ảnh của nạn nhân đến dự phiên tòa. Nỗi đau thương, mất mát không có từ ngữ nào để diễn tả hết khi một thanh niên đã bị tước đi quyền được sống. Đó còn là giọt nước mắt bất lực, tuyệt vọng, những tiếng thở dài không ngớt của những ông bố, bà mẹ dáng vẻ khắc khổ trước những đứa con bồng bột đang đứng trước vòng lao lý. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ giữa bạn bè, vì thiếu kỹ năng ứng xử phù hợp, thiếu kiềm chế bản thân mà rơi vào con đường tù tội...

Một vụ việc mâu thuẫn giữa hai người bạn ở thị xã Bỉm Sơn cũng là nguyên nhân khiến 1 người phải thiệt mạng. Nguyễn Khắc T. (sinh năm 2005) mới là học sinh lớp 9. T. chơi thân với Phạm T.A. – một người làm nghề buôn bán quần áo và thuốc lá điện tử online. Thỉnh thoảng T. cùng A. đi giao hàng khi có khách đặt mua. Tháng 5-2020, A. và T. bán thuốc lá điện tử và quần áo cho Trịnh Gia B. nhưng B. chưa trả hết tiền. Đến ngày 22-7-2020, A. đề nghị T. đi gặp B. để đòi nợ nhưng T. không đồng ý nên cả hai xảy ra mâu thuẫn, chửi bới nhau và hẹn sáng hôm sau gặp nhau tại nhà văn hóa thôn để nói chuyện. Sáng hôm sau, T. sợ bị A. đánh nên đã mang theo một gậy côn và 1 con dao nhọn bỏ vào cốp xe đạp điện và đi gặp A. Đến nhà văn hóa, T. ngồi trên xe đạp điện của mình nói chuyện với các bạn khác, còn A. không nói gì. Khi bị A. dùng tay đấm vào trán, T. bức xúc nên đã cầm dao nhọn đâm một nhát vào ngực A. Khi được đưa đến bệnh viện để cấp cứu thì A. đã bị tử vong... Hai thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, 1 người đã ra đi mãi mãi, 1 người ở lại phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc trước pháp luật.

Vụ việc xảy ra hồi đầu tháng 11-2020 tại huyện Yên Định cũng khiến nhiều người phải rùng mình. Chỉ vì nghiện game, chơi bời lêu lổng nên 3 thanh, thiếu niên đã nhắm tới người phụ nữ 65 tuổi ở một mình rồi lên “kịch bản” chi tiết để thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản. Ba đối tượng gây án là Khương Văn A., 18 tuổi; Khương Hoàng H., 15 tuổi và Khương Văn Kh., 16 tuổi đã trèo tường đột nhập vào nhà bà H. để giết bà và lấy đi 1 đôi hoa tai vàng, 1 con lợn đất tiết kiệm, 2 điện thoại di động. Sau đó, cả nhóm lên khu vực đường đê trong làng đập heo đất tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng chia nhau rồi tiếp tục lên một quán Internet ở thị trấn Quán Lào để chơi game. Sáng hôm sau, các đối tượng đã mang đôi hoa tai vàng đi bán được 15 triệu đồng, sau đó về nhà ngủ như chưa có chuyện gì xảy ra...

Nhắc lại những vụ án đau lòng có liên quan đến trẻ vị thành niên xảy ra trong những năm gần đây để thấy rằng tính chất, mức độ và hành vi phạm tội không còn đơn thuần là xích mích, dằn mặt, đe dọa, gây rối, đánh nhau hay trộm cắp vặt mà có chiều hướng manh động, hung hãn, lạnh lùng hơn, vượt qua giới hạn của tuổi vị thành niên, đánh nhau có vũ khí, thậm chí là trộm cắp tài sản lớn, giết người, mua bán, sử dụng ma túy... Đó cũng là thực trạng đáng lo ngại đòi hỏi những cách thức phù hợp để giảm thiểu tình trạng tội phạm tuổi vị thành niên.

Đến trách nhiệm giáo dục từ phía gia đình

Có muôn vàn lý do để trẻ vị thành niên phạm tội, mỗi vụ việc là một hoàn cảnh, nguyên nhân, mức độ khác nhau. Song, mẫu số chung thường thấy đó là những đứa trẻ thiếu kỹ năng sống, dễ bị kích động, lôi kéo, bị ảnh hưởng xấu từ lối sống thực dụng, đua đòi, ăn chơi, lười lao động...

Trong rất nhiều hội thảo liên quan đến tội phạm lứa tuổi vị thành niên, nhiều người đã chỉ ra rằng, phần lớn những người phạm tội đều thiếu sự quan tâm chu đáo của gia đình, cha mẹ. Đó là những gia đình có cha mẹ không hạnh phúc, ly hôn hoặc ly thân, cha mẹ mải làm ăn kiếm tiền bỏ bê con cái, cha mẹ bỏ mặc, buông lỏng quản lý con cái. Bàn về nguyên nhân gây nên tình trạng người chưa thành niên phạm tội, Luật sư Trần Đại Xuân, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Người chưa thành niên là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, nhân cách, tâm sinh lý, trình độ, nhận thức, kinh nghiệm sống còn hạn chế, dễ bị kích động, lôi kéo vào những hoạt động phiêu lưu mạo hiểm. Trong các vụ án hình sự do người chưa thành niên phạm tội gây ra, đối tượng phạm tội thường là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, hoặc bỏ mặc con cái, thiếu sự dạy bảo, thiếu tình thương yêu của gia đình, thiếu định hướng tương lai và có lối sống lệch lạc, ham chơi, đua đòi, thậm chí là nghiện game, nghiện ma túy... Một trong những nguyên nhân nữa là do các em sớm bị tiêm nhiễm, bị tác động bởi những phim ảnh, mạng xã hội, các loại game có tính chất bạo lực...

Sự ảnh hưởng của giáo dục gia đình để lại dấu ấn cực kỳ sâu đậm trong nhân cách của mỗi người. Song, thời buổi kinh tế thị trường, có một tình trạng chung phổ biến hiện nay ở các gia đình, là bố mẹ quá bận rộn. Nhiều bố mẹ quan niệm rằng chỉ cần kiếm tiền, lo đời sống vật chất cho con là đủ. Thời gian của cha mẹ trò chuyện, chia sẻ, thấu hiểu dành cho con cái ngày càng ít đi. Chính sự thờ ơ, thiếu chăm lo đời sống tinh thần đối với con cái đã vô tình đẩy chúng ra xa, dễ bị lôi kéo, xúi giục, dễ có những hành vi không kiểm soát. Tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng cũng ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng năm 2021, theo số liệu của Tòa án Nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân 2 cấp đã thụ lý hơn 6.100 vụ, việc ly hôn. Hôn nhân đổ vỡ, gia đình chia lìa và những hậu quả tiêu cực để lại cũng khiến “cái nôi” gia đình thiếu sự gắn kết, quan tâm đến những đứa trẻ.

Để phòng ngừa tội phạm vị thành niên, trợ giúp viên pháp lý Lê Thị Phượng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Giáo dục gia đình vốn là nền tảng quan trọng để hình thành nhân cách một con người. Cha mẹ là những người quan trọng hướng cho con trẻ đường đi đúng đắn, giúp các em ý thức được các hành vi của mình thế nào là đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Chính vì vậy, mỗi bậc phụ huynh cần chăm sóc, gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, chăm lo sự phát triển tinh thần và thể chất cho mỗi đứa trẻ. Có như vậy, các em mới có nền tảng vững chắc để chống lại những cạm bẫy trong cuộc sống”.

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/tre-vi-thanh-nien-pham-toi-nbsp--vi-dau-nen-noi/151580.htm