Trẻ yêu thơ, nhưng cần bố mẹ đồng hành
Theo nhà thơ Huỳnh Mai Liên, để thơ thiếu nhi có sức lan tỏa mạnh mẽ đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía: tác giả, nhà xuất bản, cộng đồng và đặc biệt là gia đình.
Công tác tại VTV, một ngày nọ vì công việc, nhà báo Huỳnh Mai Liên (ảnh nhỏ) tham gia viết thơ theo “đơn đặt hàng” cho chương trình “Lớp học Cầu vồng” của VTV7. Từ đó, chị làm thơ đều đặn. Đến nay, Huỳnh Mai Liên là tác giả của ba tập thơ thiếu nhi, nhiều bài thơ của chị được chọn đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Thời Nay có cuộc trò chuyện với chị.
-Đón Tết thiếu nhi năm nay, chị vừa tham dự một “Tiệc thơ” tại Phố sách Hà Nội. Chị có thể chia sẻ đôi chút về sự kiện này?
- Tập thơ Nhà mình vui nhất của tôi may mắn được NXB Kim Đồng lựa chọn cho chương trình giao lưu nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay. Đây là cơ hội giúp cho những bài thơ đến gần hơn với độc giả. Theo cảm nhận của cá nhân tôi, khá nhiều bạn nhỏ hôm nay yêu thích thơ ca, với điều kiện các phụ huynh có sự lựa chọn sách đọc cho con và cùng con đọc sách từ nhỏ.
- Trong góc nhìn của chị, thơ ca hiện có giúp các em thiếu nhi rời xa được các thiết bị điện tử, hay thiết bị nghe nhìn khác?
- Tôi không nghĩ thơ ca có phép màu đó (cười). Những bài thơ nhỏ xinh góp phần khơi gợi cảm xúc tâm hồn, tình cảm gia đình, tình yêu thiên nhiên, đất nước. Để làm được điều đó, từ phía tác giả, nhà xuất bản chưa đủ, cần có sự cộng hưởng của gia đình, bởi chính những người lớn trong nhà sẽ gieo thơ ca đến với các em nhỏ.
Một người bạn vốn gắn bó với văn học thiếu nhi đã nhắn với tôi sau sự kiện “Tiệc thơ” vừa rồi: “Có lẽ lần đầu tiên ở Phố sách Hà Nội vang lên tiếng đọc thơ trong sáng như vậy…”. Đúng là chúng ta chưa có nhiều sự kiện dành cho thơ thiếu nhi, ngay cả trong dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay. Những sân chơi như Tiệc thơ “Nhà mình vui nhất” vẫn rất ít. Tôi hy vọng sau Tiệc thơ này, sẽ mở ra nhiều Tiệc thơ trong thời gian sắp tới.
- Điều này đồng nghĩa, đội ngũ những người viết/làm thơ cho thiếu nhi cần phải thường xuyên cho xuất bản những tác phẩm mới, đồng hành với tuổi thơ đương thời; cùng với đó là các đơn vị xuất bản cũng nên thường xuyên có những hoạt động liên quan đến thơ để thu hút các em?
- Để thơ thiếu nhi có sức lan tỏa mạnh mẽ đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía: tác giả, nhà xuất bản, cộng đồng và gia đình. Với cá nhân tôi, trong hành trình bảy năm sáng tác, tôi luôn có cảm giác thôi thúc muốn được viết. Sức ép của cuộc sống đôi khi khiến tôi và thơ xa rời nhau, nhưng nếu có đủ tình yêu, thơ sẽ trở lại.
- Chị đánh giá như thế nào về những tập thơ thiếu nhi xuất bản trong thời gian gần đây? Đâu là tác giả chị đặt kỳ vọng?
- Khi trở thành một tác giả viết cho các bạn nhỏ, tôi đã tìm đọc những cuốn sách của các nhà thơ đang sáng tác cho thiếu nhi như Những ngọn đèn thơm (Hồ Huy Sơn), Thơ hay cho bé học nói (Đoàn Văn Mật - Lữ Mai), Gõ cửa nhà trời (Bảo Ngọc), Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ (Nguyễn Phong Việt), Mèo con đếm tuổi, Phù thủy sợ ma (Thụy Anh), Ấm êm ngộ nghĩnh, Tuổi thơ trong trẻo, Trồng nụ trồng hoa, Bởi vì yêu thương (Phạm Anh Xuân)...
Mỗi tác giả có một thế mạnh riêng để mang tới những vần thơ trong trẻo cho trẻ nhỏ. Điều tôi mong ước là sự kết nối để những mạch thơ đó hòa chung thành một dòng chảy lớn, để thơ thiếu nhi trong nước có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
- Với tập thơ “Nhà mình vui nhất” của chị vừa ra mắt, chị có kỳ vọng gì?
- Khi viết mỗi tập thơ, tình cảm và những ước mơ gửi gắm được thể hiện trong đó. Với bất cứ người viết nào, hành trình từ tác giả đến độc giả luôn là ước mơ lớn nhất, là điều thôi thúc chúng tôi tiếp tục viết cho các em.
Tôi đã viết Biển là trẻ con (2016), Ngày xưa của con (2018), Nhà mình vui nhất (2023), một tín hiệu vui đó là những cuốn thơ trước đó đều được tái bản, một số bài được chọn vào sách giáo khoa tiếng Việt lớp 3 như: Khi cả nhà bé xíu, Mặt trời đỏ, Đất nước là gì.
Khi đã theo đuổi công việc sáng tác, sau mỗi cuốn sách sẽ có một cuốn sách khác đang chờ đợi, thử thách tôi. Hiện tại, tôi đang triển khai cho một tập thơ về đề tài Hà Nội, với mong muốn gửi gắm tình yêu dành cho thủ đô nghìn năm văn hiến tới các bạn nhỏ.
- Khi cầm trên tay tập thơ của chị, nhiều độc giả nhận ra song hành với thơ, còn là những minh họa do chính con gái chị vẽ?
- Vâng, đó là những bức tranh của Mai Khuê - con gái tôi. Với hai mẹ con, mẹ viết, con vẽ dường như là điều khá giản dị, vì đó là sở thích của từng người. Cả hai mẹ con tôi đều không nghĩ quá nhiều về điều này và đều nỗ lực cho mỗi tác phẩm của mình. Những bức tranh của Mai Khuê từ năm lên 7 tuổi đến 12 tuổi đều được lựa chọn đưa vào ba tập thơ: Ngày xưa của con, Biển là trẻ con phiên bản đặc biệt và Nhà mình vui nhất. Khi nhìn lại, chúng tôi thấy vui vui vì đó là một kỷ niệm đẹp, sự gắn kết đặc biệt của mẹ và con. Có lẽ chính điều đó giúp cuốn sách đến gần hơn với các bạn nhỏ.
Hoành Thu Phố/Thời Nay
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-yeu-tho-nhung-can-bo-me-dong-hanh-post1436738.html