Trên 1.000 bạn trẻ thích thú đặt câu hỏi đến các phi hành gia NASA
Sáng 8-6, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Tin học TPHCM, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) tổ chức khai mạc Tuần lễ NASA Việt Nam (Vietnam Space Week) năm 2023. Lễ khai mạc thu hút trên 1.000 học sinh, sinh viên và người dân ở TP Quy Nhơn và khu vực lân cận tham dự.
Tự thuật của những người chinh phục không gian
Chia sẻ tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang đã giới thiệu một số thông tin về tiềm năng phát triển về khoa học, công nghệ của tỉnh này với quyết tâm đầu tư Khu đô thị khoa học Quy Hòa. Hiện, Bình Định đang có nhiều nền tảng tốt để phát triển và đào tạo về khoa học tại TP Quy Nhơn…
Tuần lễ NASA là dịp để giới trẻ trong tỉnh, khu vực lân cận và công chúng được tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức về khoa học và những điều thú vị trong các chuyến du hành không gian của các phi hành gia. Qua đây nhóm lên tình yêu và sự tự tin trong định hướng con đường sau này của các bạn trẻ.
Sau phần khai mạc, các bạn trẻ cùng công chúng tham gia phiên giao lưu với các đại diện đến từ NASA là ông Michael A. Baker (cựu Phi hành gia NASA) và TS Josef Schmid (phẫu thuật gia và bác sĩ gia đình của NASA).
Cựu phi hành gia Baker và TS Josef Schmid đã có bài phát biểu, kể lại cho các bạn trẻ nghe về công việc chính của họ trong các chuyến phi hành vào không gian, vũ trụ cùng với nhiệm vụ nghiên cứu của họ trong sứ mệnh chinh phục không gian để bảo vệ Trái đất.
Ông Baker sinh ra tại Memphis (Bang Tennessee, Hoa Kỳ), tốt nghiệp Đại học Texas với bằng Cử nhân Kỹ thuật hàng không vũ trụ. Ông Baker gia nhập NASA vào năm 1985, từng là phi công 2 chuyến bay nhiệm vụ không gian trên Tàu con thoi Atlantis (năm 1991) và Tàu con thoi Columbia (năm 1992). Năm 1994, ông là chỉ huy STS-68 đưa phòng thí nghiệm Radar không gian lên Tàu con thoi.
Năm 1997, ông chỉ huy STS-81 sử dụng tàu Atlantis để mang vật tư, thí nghiệm và phi hành gia đến Trạm vũ trụ Mir của Nga. Với 4 nhiệm vụ trên, Baker đã có khoảng 965 giờ trong không gian…
Tại đây, ông Baker đã kể lại câu chuyện, kỷ niệm và hồi ức của mình trong các chuyến bay vào không gian. Trong đó, ông cũng chia sẻ cả hành trình từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc các nhiệm vụ của mình. Bằng những hình ảnh rất chân thực, ông Baker đã khái quát được cho các bạn trẻ hình dung về một chuyến bay vào không gian của ông và các đồng nghiệp.
Câu chuyện của TS Josef Schmid khá thú vị về công việc của ông trong theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh cho các phi hành gia không gian. Qua đây, đã lột tả được các yêu cầu của 1 phi hành gia bên cạnh nghiệp vụ thì cần phải có sức khỏe, kỹ năng sinh tồn để du hành không gian…
TS Schmid chia sẻ, các chuyến du hành không gian của NASA cũng có những phụ nữ, điều này chứng minh rằng tất cả mọi người cũng có thể du hành không gian thuận lợi trong tương lai nếu các tiến bộ khoa học, công nghệ cho du hành không gian được cải tiến…
Phi hành gia NASA khuyên bạn trẻ Việt Nam những gì?
Sau phần tự thuật của ông Baker và TS Schmid, ban tổ chức cũng mời thêm 1 số đại diện, tiến sĩ từ NASA cũng như các nhà nghiên cứu người Việt Nam về vũ trụ, thiên văn có buổi giao lưu, trả lời câu hỏi của các bạn trẻ.
Các vị đại diện, nhà nghiên cứu về khoa học vũ trụ chia sẻ về xu thế và có gợi ý trong định hướng và lựa chọn nghề nghiệp cho giới trẻ đam mê khoa học.
Các tiến sĩ cũng chia sẻ thêm về tiềm năng, vai trò từ giáo dục STEM (khoa học – công nghệ – tin học – toán học) cho giới trẻ trong nước. Qua đây đưa ra lời khuyên bên cạnh quan tâm đến tất cả các ngành học, thì giới trẻ cần tập trung thêm vào STEM vì đây được xem như “cánh cửa” mở ra nhiều khám phá mới về tự nhiên và không gian cũng như các lĩnh vực.
Tại buổi giao lưu, em Trần Lê Phi Yến (học sinh THCS tại TP Quy Nhơn) đặt câu hỏi khá hay đến các đại diện NASA về những rủi ro, nguy hiểm khi du hành vào không gian. Các ông Baker và Schmid cho biết, rủi ro lớn nhất là nhiệm vụ đi bộ trong không gian. Bởi, với nhiệm vụ này các phi hành gia chịu các rủi ro về tính mạng, sức khỏe như có thể đụng phải vật cứng gây thương tích, bị phơi nhiễm khí làm lạnh, tác động từ bức xạ… Vì vậy để tránh những rủi ro trên, thường mỗi chuyến bay không gian đều có khoảng 1.000 nhân lực cùng thiết bị, công nghệ hỗ trợ từ mặt đất.
Câu hỏi khác về vị trí quan sát trái đất tốt nhất, theo 2 vị đại diện NASA, tùy thuộc vào mỗi nhiệm vụ không gian, tuy nhiên vị trí tốt nhất nằm ở khoảng 25 ngàn dặm. Về câu hỏi so sánh ý tưởng sáng tạo của học sinh, sinh viên Việt Nam và Mỹ, TS Schmid cho rằng, giới trẻ ở mỗi nước sẽ có những sáng tạo với giá trị khác nhau. Vì vậy, các bạn trẻ ở Việt Nam cần tự tin, tin tưởng vào những thế mạnh của mình để theo đuổi lựa chọn và đam mê. Ông ví von rằng, ngay chính trong giải pháp đảm bảo giao thông đô thị ở Việt Nam cho người dân ở nhiều tầng lớp cũng là sáng tạo hay…
Em Võ Tuấn Minh (học sinh lớp 5, ở Quy Nhơn) hỏi về nhiệm vụ trở lại mặt trăng trong thời gian tới của NASA? Hai vị đại diện NASA cho biết, nhiệm vụ đưa con người trở lại mặt trăng đang được chuẩn bị và đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước đệm để con người đến sao hỏa.
Qua đây, ông Baker và Schmid cho biết, hiện việc du hành không gian cũng đang gặp khó trong việc duy trì, tái sử dụng nguồn năng lượng, nhiên liệu, nước và thực phẩm… Bởi vậy đây cũng là cơ hội để giới trẻ thế giới và Việt Nam cố gắng để tìm ra giải pháp để con người có thể kéo dài hành trình chinh phục không gian…
Cơ hội ngắm kính thiên văn hiện đại nhất Việt Nam
Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Định, Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Định 2023 diễn ra trong 2 ngày (8 và 9-6) với các hoạt động: chương trình Astronaut Talk Show (nói chuyện với phi hành gia), dự kiến tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và chương trình NASA STEM DAY, khám phá bầu trời đầy sao - Starry Night dự kiến tổ chức tại Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, tại thung lũng Quy Hòa, TP Quy Nhơn…
Ngoài ra, tuần lễ cũng có nhiều hoạt động, cuộc thi, trải nghiệm STEM cho các học sinh. Các bạn học sinh tham gia tốt các trải nghiệm, cuộc thi sẽ được trao giải và được ăn tối, giao lưu cùng với cựu phi hành gia Michael A. Baker và TS Josef Schmid. Ngoài ra, tuần lễ còn có chương trình ngắm sao, thiên văn về đêm tại Trung tâm Khám phá khoa học ở Quy Hòa.
Ban tổ chức sẽ chuẩn bị 10 kính thiên văn loại nhỏ và 1 kính thiên văn CKD-600, đây là kính thiên văn hiện đại nhất trong nước để trình chiếu những hình ảnh thiên văn, các chòm sao cho bạn trẻ và công chúng chiêm ngưỡng…