Trên 1,8 triệu học sinh không có thiết bị để học trực tuyến
Theo thống kê, không phải là 1,5 triệu mà là trên 1,8 triệu học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có gia đình hai, ba anh chị em mới có một cái điện thoại để học.
Dạy thêm: Không nên "không quản được thì cấm"
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ngày 11.11, Đại biểu Nguyễn Công Long cho biết: "Bộ trưởng nói dạy thêm, học thêm lúc bình thường đã cấm, học trực tuyến càng cấm. Tôi rất đồng tình nhưng có vẻ chúng ta chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Dạy thêm, học thêm như vấn nạn của xã hội”.
“Chúng ta tư duy cái gì không quản được thì cấm. Chúng ta nên xem đó như một nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Tôi thú thực, con em của chúng tôi cũng trưởng thành một phần nhờ học thêm. Việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ vấn đề lương của giáo viên quá thấp. Nhiều giáo viên coi dạy thêm như phao cứu sinh. Tôi mong ngành giáo dục cần nhìn lại. Qua 2 đợt dịch bệnh, tôi thấy giáo viên cũng là đối tượng cần hỗ trợ”, ông Long nêu.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường mà việc dạy thêm đáp ứng các nhu cầu đó thì không thể cấm được. Còn dạy thêm, học thêm mà giáo viên trực tiếp dạy cho học sinh, nhưng lại bớt nội dung chính thức mới là điều lưu ý.
Ông Sơn cũng cho biết, năm 2016, Bộ KH-ĐT đã bỏ dạy thêm ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD-ĐT đang đề nghị bổ sung việc dạy thêm vào danh mục này.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng có 4 vấn đề chiều sâu cần quan tâm liên quan đến việc dạy thêm.
Thứ nhất, cần giảm tải chương trình, sách giáo khoa. "Chúng tôi đã khảo sát từ bậc tiểu học đến trung học, thấy ở nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn, nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết. Đề nghị Bộ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt ở khu vực đô thị”.
Thứ hai, là đổi mới phương pháp dạy học, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Ông Thành bày tỏ sự đồng tình khi Bộ trưởng nói sẽ chấm dứt tình trạng văn mẫu.
Thứ ba, ông Thành đề nghị cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa. Nội dung thì "cần tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, thay vì thi theo mẫu. Đây là điểm mấu chốt".
Thứ tư, ông Thành cho rằng nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm. Ông Thành đồng tình trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp, tạo môi trường học tập hài hòa.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giải quyết dạy thêm học thêm cần những giải pháp ở phương diện hành chính nhưng cũng cần những giải pháp chuyên môn cũng như quan điểm, tinh thần, thái độ và dư luận xã hội.
“Trang bị nhồi nhét kiến thức chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến dạy thêm học thêm nên cần thay đổi phương pháp. Thời gian tới Bộ cũng tính đến phương án điều chỉnh phương án thi THPT, đổi mới kiểm tra đánh giá thường xuyên”, ông Sơn nói.
Cả nước đang thiếu khoảng 94.000 giáo viên
Về giải pháp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là vấn đề lớn. Theo thống kê, cả nước hiện đang thiếu khoảng trên 94.000 giáo viên, trong đó hơn 1/3 là giáo viên mầm non.
Lý do dẫn đến thiếu giáo viên mầm non là do việc phổ cập cho mẫu giáo 5 tuổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Nội vụ đã phối hợp rất chặt chẽ để tìm phương án giải quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ cũng đã trình và đã được phê duyệt tuyển thêm hơn 20.000 giáo viên trong 14 tỉnh, khu vực có nhu cầu cao.
Trong tháng này, hai Bộ đã làm việc và trình các cấp có thẩm quyền cho phép tuyển thêm hơn 27.000 giáo viên để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên cho các bậc học, đặc biệt là trong đó một số lượng rất lớn cho giáo dục mầm non.
Trên 1,8 triệu học sinh không có thiết bị học trực tuyến
Trước những băn khoăn của đại biểu về chất lượng học tập của 53,9% học sinh gia đình khó khăn không thể tham gia học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, việc chuyển sang dạy học trực tuyến không phải chỉ có việc của riêng Việt Nam. Đây là việc cả thế giới phải làm.
Đối với Việt Nam, dù có kinh nghiệm trong các đợt dịch trước nhưng bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian phải thực hiện chưa từng có trong tiền lệ. Nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy học trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi những thách thức.
Theo Bộ trưởng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến chuyển đổi số, đến phát triển hạ tầng công nghệ nhưng thực tế còn nhiều khó khăn.
Hiện theo thống kê, không phải là 1,5 triệu mà là trên 1,8 triệu học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có được điện thoại gì cũng là tốt, có gia đình hai, ba anh chị em mới có một cái điện thoại để học.
Bộ trưởng bày tỏ: Đây là một việc bất đắc dĩ để ứng phó, cho nên trước khi quan tâm đến chất lượng, thì một trong vấn đề rất mong các địa phương chia sẻ, quan tâm, đấy là số học sinh vì không có thiết bị trong tay đang dần dần phải bỏ học.
Thực tế đó là vấn đề còn cấp bách hơn, trước khi đánh giá xem các cháu học được gì qua đợt học trực tuyến vừa rồi, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết: Một số nơi việc học còn ở mức độ là để "duy trì cảm giác" về học tập, việc đón nhận tư duy trong học tập và được phần nào thì tốt phần đấy. Nhưng cũng có một điều đáng mừng là những vùng khó khăn hàng đầu như khu vực Tây Bắc, thời gian vừa qua lại được đến lớp học trực tiếp...