Trên 1300 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư khi làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Hưng Yên
Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt (Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp thứ hai. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố có dự án đường sắt đi qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.Dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên
Danh mục các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt gồm: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn; tuyến đường sắt Hải Phòng - Móng Cái; các dự án đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên có chiều dài khoảng 16,7km qua huyện Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào. Trên địa phận tỉnh Hưng Yên, dự kiến bố trí 1 nhà ga nằm trên địa phận xã Đại Đồng (Văn Lâm) có quy mô, chức năng là ga hỗn hợp, diện tích nhà ga khoảng 10,6ha. Sơ bộ diện tích bị ảnh hưởng phải thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 72,53ha, số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 140 hộ, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 1.306 tỷ đồng.
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao 24 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị các dự án, trong đó gồm 19 nhiệm vụ theo tiến độ, 5 nhiệm vụ thường xuyên. Trong 19 nhiệm vụ theo tiến độ, đã có 6 nhiệm vụ hoàn thành, 12 nhiệm vụ chưa đến hạn và 1 nhiệm vụ chậm tiến độ.
Các đại biểu dự phiên họp đã thảo luận, đánh giá và cho ý kiến về tình hình thực hiện, triển khai các công trình, dự án, trong đó tập trung nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, tỉnh Hưng Yên đã ban hành các văn bản và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đặc biệt là nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Toàn tỉnh có khoảng 140 hộ gia đình có đất bị thu hồi và phải thực hiện tái định cư. Do vậy, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến tới Nhân dân về chủ trương thực hiện dự án và phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm, nỗ lực hoàn thành các phần việc bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét đề nghị của Chính phủ liên quan đến phát triển ngành đường sắt, bao gồm: Nâng cấp, các tuyến đường sắt hiện có; nối lại các tuyến đường sắt đã có trước đây nhưng đang gián đoạn; triển khai các dự án đường sắt lớn như đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 11/2024 đến tháng 2/2025), Quốc hội đã ban hành 3 Nghị quyết để triển khai các dự án đường sắt gồm: Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phát huy tinh thần trách nhiệm; tiếp tục rà soát, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao; đề xuất các giải pháp triển khai các công trình, dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phát triển đường sắt có nhiều khâu, nhiều phần việc, nhiều hạng mục, với mức đầu tư lớn; thời gian có hạn, công việc nhiều, đòi hỏi cao; trong khi sự hiểu biết và năng lực công nghệ chưa cao. Do vậy, đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, xác định trọng tâm, trọng điểm. Phát triển đường sắt liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, do đó Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp triển khai, với quan điểm phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phát huy tinh thần trách nhiệm, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền", "nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn"…