Trên 23.000 ha cây trồng vẫn bị ngập úng

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến 16 giờ ngày 24/7, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có 23.158,5 ha diện tích cây trồng bị ngập úng, giảm 8.580 ha so với ngày 23/7.

Người dân huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đi kiểm tra lúa mùa bị ngập nước do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Người dân huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đi kiểm tra lúa mùa bị ngập nước do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Cụ thể, Nam Định là địa phương có diện tích còn bị ngập úng cao nhất với 10.907ha, tiếp đến là Bắc Giang 3.925,5 ha, Hà Nội 5.423 ha, Hưng Yên 1.509 ha, Ninh Bình 1.034 ha, Hải Dương 360 ha. Dự kiến, sau 1-2 ngày vận hành công trình tiêu úng, diện tích ngập úng sẽ giảm (nếu không tiếp tục có mưa lớn).

Các địa phương đã vận hành 604 trạm với 2.783 máy bơm; 331 cống để tiêu úng. Hiện mực nước hạ du sông Hồng vẫn ở mức cao do các hồ thủy điện vận hành xả lũ, làm ảnh hưởng đến hiện quả tiêu úng của các cống tiêu vùng ven biển.

Ngày 24/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 5290/CĐ-BNN-ĐĐ gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình về việc mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Sơn La và mở tiếp cửa xả đáy thứ 4 hồ thủy điện Hòa Bình.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Sơn La vào 18 giờ ngày 24/7 và lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở tiếp cửa xả đáy thứ 4 hồ thủy điện Hòa Bình vào 23 giờ ngày 24/7.

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 5291/BNN - ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh các tỉnh, thành phố tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Sơn La, hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Mưa lớn làm nhiều diện tích ở xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, Hải Dương ngập úng cục bộ (ngày 23/7). Ảnh: TTXVN phát

Mưa lớn làm nhiều diện tích ở xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, Hải Dương ngập úng cục bộ (ngày 23/7). Ảnh: TTXVN phát

Theo Cục Thủy lợi, khu vực Bắc Bộ có 2.543 hồ chứa thủy lợi. Dung tích bình quân của các hồ thủy lợi hiện đạt từ 70 - 96% dung tích thiết kế. Khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ chứa thủy lợi với dung tích bình quân của các hồ đạt từ 52 - 65% dung tích thiết kế. Các hồ vận hành tích, xả nước theo quy trình.

Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình, đặc biệt lưu ý tới các hồ chứa nước xung yếu, hồ chứa có cửa van, hạ du đông dân cư sinh sống khi có mưa trên lưu vực hồ chứa. Đối với công trình đang thi công, phải có phương án thi công phù hợp, đảm bảo không để xảy ra sự cố, tuyệt đối không triển khai các hạng mục không đáp ứng tiến độ thi công vượt lũ;

Các địa phương thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt; các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp. Địa phương thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Cục Thủy lợi cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục khoanh vùng, xác định diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, úng và có phương án ứng phó cụ thể phù hợp với đặc điểm địa hình, dự báo tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng. Đặc biệt chú trọng tổ chức bơm tiêu nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với thông tin dự báo mưa, diễn biến mực nước thủy triều khi có mưa lớn nguy cơ gây ngập lụt, úng phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước.

Các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố, các hồ chứa đầy nước để kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tren-23-000-ha-cay-trong-van-bi-ngap-ung/341525.html