Trên 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá còn 'treo' sẽ ảnh hưởng đến giá điện thời gian tới
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, 3.090,9 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá còn treo và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 nên sẽ ảnh hưởng đến giá điện nếu điều chỉnh trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là khoảng 0,47%.
Còn theo Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020 thì khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện một phần của năm 2015 là 20 tỷ đồng và cả năm 2017 khoảng 3.070,9 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá sẽ được đưa vào chi phí năm 2018. Tuy nhiên, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên tổng hai khoản chi phí này là 3.090,9 tỷ đồng còn treo và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, số tiền chênh lệch tỷ giá này đúng ra phải thanh toán cho các nhà máy điện ngoài EVN theo trong hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, hiện nay trong phương án chưa có nguồn để chi trả nên phải treo lại. Còn các khoản của EVN thì EVN đã tự cân đối tiết kiệm chi phí khác để cân đối lại.
“Khoản này hiện nay chưa có nguồn trả sẽ phải chờ phương án giá điện của năm tới khi được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt mới có nguồn để trả. Nếu tỷ giá tăng lên thì nguyên tắc phải đưa vào giá điện, tỷ giá tăng lên bao nhiêu thì làm tăng giá thành cũng như giá điện . Nếu giá điện chưa được phê duyệt thì khoản đó buộc phải treo”, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết.
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện nay khoản chênh lệch tỷ giá này chưa được hoạch toán, phải đợi thời gian tới có giá điện mới sẽ phải hạch toán. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá điện nếu điều chỉnh trong thời gian tới”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, chi phí phát điện chiếm 70 -75% chi phí giá thành sản xuất điện. Trong năm 2018 giá thành sản xuất điện là 1.727 đồng/kWh,trong đó giá phát điện là 1.329 đồng/kWh, nghĩa là chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành điện hiện nay. Trong khi đó, nhiều nhà máy phát điện hiện nay khi xây dựng thì huy động vốn vay ngoại tệ nước ngoàivà nhiều dự án đến nay chưa trả hết nợ.
“Rõ ràng như vậy, khi tỷ giá thay đổi thì đương nhiên ảnh hưởng đến giá thành, nhất là giá thành khâu phát điện. Tỷ giá lên thì giá thành lên và ngược lại. Công tác điều hành tỷ giá tiền tệ thì thuộc chức năng của Ngân hàng Nhà nước. Những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt công tác này, tỷ giá tương đối ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của ngành kinh tế trong đó có ngành điện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.