Trên 9 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế TNCN

Từ 1-7-2013, gần 3 triệu người đang nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ không còn phải nộp loại thuế này nữa.

Sáng 22-11, QH thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi với đa số phiếu tán thành. Theo đó, từ 1-7-2013 sẽ áp dụng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) 9 triệu đồng/tháng/người nộp thuế, tức thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng và không có người phụ thuộc mới phải nộp thuế. Mức GTGC sẽ là 3,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc. Như vậy nếu có một người phụ thuộc thì thu nhập trên 12,6 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế. Có hai người phụ thuộc thì thu nhập trên 16,2 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế.

Trở thành thuế thu nhập cao

Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với mức GTGC nêu trên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc nâng mức GTGC như dự thảo là chưa hợp lý, đưa thuế TNCN trở thành thuế thu nhập cao, thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế; không bảo đảm mục tiêu điều tiết thu nhập... Vì vậy, đề nghị giữ mức GTGC hiện hành hoặc quy định mức thấp hơn.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng đúng là việc nâng mức GTGC có làm giảm thu ngân sách, thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm thay đổi một số mục tiêu ban đầu của việc ban hành luật. Việc giảm thu ngân sách cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lực bảo đảm chi an sinh xã hội, chi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì mục tiêu ban đầu của Luật Thuế TNCN là khó khăn; đến khi nền kinh tế đất nước phát triển, thu nhập người dân được cải thiện sẽ thực hiện đầy đủ mục tiêu của luật. Mặt khác, việc điều chỉnh mức GTGC là nhằm chia sẻ khó khăn, động viên, hỗ trợ người hưởng lương có thêm thu nhập, góp phần kích cầu tiêu dùng.

Với mức thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế, người làm công ăn lương sẽ đỡ bớt gánh nặng và góp phần kích cầu tiêu dùng. Ảnh: HTD

Với mức thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế, người làm công ăn lương sẽ đỡ bớt gánh nặng và góp phần kích cầu tiêu dùng. Ảnh: HTD

Tiến hành biểu quyết nội dung này có 456 đại biểu tham gia, trong đó số tán thành là 427 đại biểu, có 26 đại biểu không tán thành và ba đại biểu không biểu quyết.

Không thể áp dụng sớm hơn

Trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng góp ý nên áp dụng mức GTGC mới ngay từ 1-1-2013 để chia sẻ với người nộp thuế. Tuy nhiên, theo UBTVQH, trong bối cảnh khai thác nguồn thu còn khó khăn, nếu áp dụng luật từ 1-1-2013 thì sẽ giảm thu ngân sách thêm khoảng 6.000 tỉ đồng so với phương án áp dụng luật từ 1-7-2013. Mặt khác, QH đã thông qua dự toán ngân sách năm 2013, nếu giảm thu thêm sẽ không có nguồn bù đắp. Do đó, UBTVQH xin áp dụng từ 1-7-2013 và QH cũng thông qua.

Luật Thuế TNCN sửa đổi cũng quy định rõ hơn về thời điểm điều chỉnh mức GTGC khi giá cả biến động. Theo đó, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức GTGC phù hợp để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Quy định như trên sẽ tránh được tình trạng thời gian qua CPI tăng quá cao (cộng dồn từ 1-1-2009 - thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực - đến hết năm 2011 thì CPI đã lên tới hơn 36%) nhưng mức GTGC vẫn không nhúc nhích khiến QH phải nhiều lần ra nghị quyết miễn, giảm thuế cho phù hợp với thực tế.

Giữ nguyên biểu thuế suất

Khi thảo luận, có một số ý kiến đề nghị sửa biểu thuế suất, bỏ hẳn bậc thuế suất 35% (hiện là bậc thuế cao nhất, áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế vượt 80 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng biểu thuế suất hiện hành thể hiện đúng bản chất điều tiết thu nhập. Người nộp thuế ở mức 35% hầu hết là người có thu nhập rất cao. Nếu so sánh với một số nước trên thế giới thì mức thuế suất 35% cũng là hợp lý (Thái Lan 37%, Trung Quốc 45%, Nam Phi 40%, Anh 50%). Nếu điều chỉnh mức thuế suất có thể sẽ làm giảm thu thêm khoảng 850 tỉ đồng (năm 2013) và khoảng 2.200 tỉ đồng (năm 2014), ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách. Luật vừa được thông qua đã không chỉnh sửa biểu thuế suất.

Không như mong đợi

QH đang miễn thuế cho người có thu nhập chịu thuế ở bậc 1 vào sáu tháng cuối năm nay. Hiểu nôm na, người không có người phụ thuộc mà có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng không phải nộp thuế. Như vậy QH cũng thấy mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng là khá chật vật để sống trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Nhưng những khó khăn này đâu phải chỉ có trong sáu tháng cuối năm 2012, thậm chí qua 2013 thì càng khó hơn đấy chứ. Mới hôm qua bà chủ nhà lại thông báo tăng tiền thuê nhà. Nghĩ đến việc sang năm 2013 lại phải đóng thuế thu nhập cho phần vượt 4 triệu đồng, tôi lại không khỏi xót. Đúng là nếu có đóng thì tôi cũng đóng khoảng 200.000 đồng/tháng thôi nhưng 200.000 đồng trong hoàn cảnh thiếu thốn thì không phải là nhỏ, gộp sáu tháng đầu năm 2013 đã hơn triệu đồng tiền thuế, tính ra là lớn. Cho nên, thấy QH thông qua thời gian áp dụng mức giảm trừ mới từ 1-7-2013, tôi thấy buồn.

NHẬT LINH(TP.HCM)

“Kỳ tính thuế sau” là kỳ nào?

Trong luật sửa đổi có nói khi CPI thay đổi 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá tiêu dùng để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Hiện nay kỳ tính thuế là tính theo năm. Như vậy, giả sử đầu năm 2014 mà chỉ số đã tăng đến trên 20% thì cũng mất gần cả năm chịu sự biến động đó, năm 2015 mới được điều chỉnh cho phù hợp sao? Mà từ 2015 thì mức giảm trừ được tính cho phù hợp với mức CPI đầu 2014 hay được tính cách nào cho phù hợp đây?

Khi hướng dẫn thực hiện luật sửa đổi này, mong Chính phủ hướng dẫn sao cho có lợi cho dân, điều chỉnh càng sớm càng tốt, càng sát với biến động, càng phù hợp thì càng tốt.

TRẦN VĂN PHƯƠNG (Bình Dương)

QUỲNH NHƯ

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20121122112153396p0c1013/tren-9-trieu-dongthang-moi-phai-nop-thue-tncn.htm